Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HUNG - THỤY ĐIỂN CĂNG THẲNG VÌ VẤN ĐỀ NGƯỜI TỴ NẠN

(NCTG) Stockholm cho triệu đại sứ Hungary lên Bộ Ngoại giao nước này vào tuần sau vì Budapest không chịu tiếp nhận những người xin tỵ nạn đã đăng ký tại Hung, và sau tìm đường sang Thụy Điển, theo một thông báo của chính phủ nước này.
Người tỵ nạn trong trại ở TP. Körmend (Hungary) - Ảnh: Kunhalmi Ágnes
Morgan Johansson, Bộ trưởng phụ trách vấn đề di dân phát biểu rằng với sự khước từ này, Hungary đã vi phạm Hiệp ước Dublin mà nước này đã ký kết, cho phép các nước thành viên có thể gửi trả lại người xin tỵ nạn cho quốc gia Liên Âu đầu tiên mà họ đã  nhập cảnh.

Mọi quốc gia đều phải tuân thủ những quy định chung, bằng không sẽ không thể là thành viên EU. Tuần sau tôi sẽ cho gọi Đại sứ Hung và thông báo điều này với ông ta”, vị bộ trưởng tuyên bố với truyền thông Thụy Điển.

Tại Thụy Điển, chính quyền nước này cho hay có hơn một ngàn người xin tỵ nạn mà họ muốn gửi trả lại Hungary, và còn hơn 152 ngàn người đang chờ được xét đơn ở đây. Chỉ có 9,8 triệu cư dân, nhưng trong năm ngoái Thụy Điển đã tiếp nhận 163 ngàn người tỵ nạn, một tỷ lệ cao nhất ở Châu Âu.

Trả lời cáo buộc của Stockholm, Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter cho rằng, thật kỳ lạ và không thể chấp nhận được là phía Thụy Điển lại phê phán một đất nước tuân thủ mọi quy định, thay vì đi tìm giải pháp thực sự cho vấn đề tỵ nạn.

Ông Szijjártó Péter khẳng định, ông “cương quyết bác bỏ những cáo buộc hoàn toàn vô cơ sở” của vị bộ trưởng Thụy Điển, và quan điểm của Budapest không có gì thay đổi, chính quyền Hung “chỉ nhận những ai thực sự nhập cảnh Hungary như quốc gia Liên Âu đầu tiên”. 

Tuy nhiên, “những người nhập cư bất hợp pháp đến từ Trung Đông đương nhiên phải qua ít nhất là một quốc gia EU rồi mới tới Hungary, do đó Hung không nhận lại họ”, theo Ngoại trưởng Hung, người còn cho rằng Hungary đang “bảo vệ biên giới nước Hung, cũng là biên giới ngoài của EU, và như vậy nghĩa là Hungary cũng bảo vệ cả Thụy Điển”.
 
Thân phận người tỵ nạn - Ảnh: index.hu
Thân phận người tỵ nạn - Ảnh: index.hu

Trong một diễn biến có liên quan, một số dân biểu Nghị viện Châu Âu của Đức yêu cầu nước Đức - trên cương vị quốc gia có đón góp tài chính nhiều nhất cho Liên Âu - cần thể hiện quan điểm cứng rắn hơn nữa đối với các nước thành viên không đoàn kết với chính sách tỵ nạn của EU.

Hình thức cảnh cáo được nêu ra, là đình chỉ những khoản tiền ủng hộ từ EU với những quốc gia “không tôn trọng luật Châu Âu”, cũng như, không hợp tác tích cực trong việc nhận người tỵ nạn, hoặc trong thủ tục đăng ký của họ. Ba Lan và Hungary đã bị gọi đích danh trong chỉ trích này.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp