Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“HUNG LÀ ĐỐI TÁC QUAN TRỌNG TRONG MỌI MẶT” ĐỐI VỚI NƯỚC NGA

(NCTG) Đó là tuyên bố của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin trong dịp tiếp nhận quốc thư từ 15 vị tân đại sứ (trong đó có Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn) hôm 19-11 vừa qua. Điều đặc biệt là phát biểu ấy đã được vang lên ngay khi có sự hiện diện của đại diện các quốc gia NATO như Hoa Kỳ và Ba Lan.

Tân đại sứ Hungary Balla János (giữa) và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong lễ trình quốc thư


Theo nguồn tin của Hãng Thông tấn Hungary MTI, ông Putin gọi Hungary là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga trên bình diện chính trị, thương mại và kinh tế. Phát biểu sau khi nhận quốc thư từ tân Đại sứ Hungary Balla János, Tổng thống Nga còn nói rằng ông muốn củng cố đối thoại và thực hiện các dự án tầm vóc lớn với chính phủ Hungary.

Ở đây, Putin muốn nhắc đến việc Hungary tham gia đại dự án xây dựng hệ thống đường ống dẫn khí đốt Hải lưu phương Nam do Nga chủ trì, cũng như, việc nước này mở rộng Nhà máy điện nguyên tử ở TP. Paks (xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới) bằng nguồn tín dụng của Nga trong một kế hoạch đầu tư được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Hung.

Hai “thương vụ” lớn này của Hungary với Nga không những phải chịu sự phản đối gay gắt từ Liên hiệp Châu Âu, mà còn bị các đảng phái đối lập cũng như một bộ phận lớn cư dân trong nước cho là “bất hợp pháp”, tùy tiện và nguy hiểm hơn nữa, sẽ dẫn đến sự phụ thuộc vào Moscow và có thể khiến nước Hung lâm vào cảnh nợ nần khánh kiệt trong nhiều thập niên.

Như bình luận của báo chí Hung, những lời “đường mật” mà Tổng thống Putin - người vừa trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G-20 trong cảnh hoàn toàn bị tẩy chay bởi Phương Tây - dành cho Budapest có thể cũng đến tai các vị đại sứ John F. Tefft (Hoa Kỳ) và Katarzyna Pelczynska-Nalecz (Ba Lan), là các đồng minh của Hungary trong Khối Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO.

Bởi lẽ, hai vị đó cũng có mặt trong lễ trao quốc thư, và có thể cũng phải để ý tới mối quan hệ Hung - Nga đang có nhiều động thái thú vị, khi Hungary bị coi là đang theo đuổi một chính sách ngoại giao “đi trên dây” giữa EU và Nga. Chỉ cần nhắc đến câu chuyện mới nhất: tân Ngoại trưởng Szijjártó Péter cách đây ít hôm còn phát biểu rất gay gắt về Nga thì nay lại dường như đã đổi giọng.


Ngoại trưởng Hungary Szijjártó Péter (trái) cùng người đồng nhiệm Sergei Lavrov tại Moscow - Ảnh: ĐSQ Hungary tại Liên bang Nga


Dân Trung Âu biết rằng là láng giềng của Liên Xô thì như thế nào và chúng tôi không bao giờ muốn trải nghiệm như thế nữa” - ông Szijjártó Péter từng nói với tờ “Thời báo Kinh tế” (Financial Times) một tuần trước chuyến công du chính thức đầu tiên tới Moscow, khiến ngay truyền thông Hung cũng ngạc nhiên trước sự “bạo dạn” đột ngột này.

Vẫn theo vị Ngoại trưởng, “những hành động của Nga là không thể chấp nhận được, và Budapest sẽ dự phần trong quan điểm chung về những hình thức trừng phạt đối với Nga”. Nhưng khi đặt chân tới Moscow, Szijjártó Péter đã liền “hạ giọng”: “Hungary coi Nga là đối tác quan trọng, đóng vai trò hết sức đáng kể trong việc cung cấp năng lượng cho Trung Âu”.

Gặp gỡ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga Nicolay Fyodorov, Ngoại trưởng Hung - người đồng thời giữ cương vị Bộ trưởng Ngoại thương - cũng chọn cách nói rất khéo léo và có phần vòng vo, đa nghĩa, mà báo chí Hung đã phát hiện ra: “Châu Âu và Nga đều có lợi ích phải tái thiết sự hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng luật pháp quốc tế.

NHƯNG nói về những biện pháp trừng phạt, Hungary đã và đang trung thành với các quyết định của EU, và ủng hộ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. CÓ ĐIỀU cần xử lý nhanh chóng xung đột một cách hòa bình, vì những biện pháp trừng phạt đó gây thiệt hại cho mọi bên
”.

Sau cuộc hội đàm giữa hai ngoại trưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov trấn an người đồng nhiệm Hungary rằng ông hiểu nước Hung một mặt phải cố gắng thực hiện các bổn phận của NATO và EU, mặt khác phải bảo vệ những lợi ích của mình.

Ông Lavrov cũng hứa rằng Nga sẽ chắc chắn xây dựng Hải lưu phương Nam với sự tham gia của Hungary, một trong những yếu tố mà chính nước này cũng cho rằng vì thế, Budapest đã phải chịu thái độ cứng rắn và ghẻ lạnh hiếm có của Washington trong những tuần gần đây...

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu