Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HỎI & ÐÁP VỀ ÐẠO LUẬT TÔN GIÁO MỚI CỦA HUNGARY

(NCTG) Ðạo luật Tôn giáo mới của Hungary vừa được thông qua vào trung tuần tháng 7-2011, nhưng đã phải chịu sự chỉ trích gay gắt của các đảng đối lập và dư luận quốc tế (EU, Hoa Kỳ).

Vương cung thánh đường Esztergom, nhà thờ chính của Giáo hội Công giáo Hungary

Như vậy, sau Ðạo luật Truyền thông bị coi là phi dân chủ, bản Hiến pháp mới gây ra những quan ngại sâu sắc trong và ngoài nước, Ðạo luật Tôn giáo mới của Hungary, một lần nữa, lại hướng sự chú ý của công luận vào những ý đồ và cung cách làm việc của cơ quan lập pháp nước này, mà đại đa số là các dân biểu dưới sắc áo phe cầm quyền.

Những câu hỏi & đáp sau đây được báo chí Hungary soạn thảo, giúp độc giả có thể nắm bắt một số thông tin chủ yếu về đạo luật mới được thông qua này.

* Tại sao lại cần phải có Ðạo luật Tôn giáo mới?

Những người phản đối luật cho rằng, hoặc không cần luật mới vì luật cũ cũng phù hợp, hoặc cần luật mới, nhưng không phải như đạo luật vừa ra đời.

Tuy nhiên, theo cơ quan lập pháp thì cần phải “lập lại trật tự”, vì đạo luật cũ quá tự do, do đó, một đạo luật mới sẽ có nhiệm vụ loại trừ cái gọi là những “giáo hội làm tiền”, và những “tà giáo”.

* “Giáo hội làm tiền” là gì?

Là những giáo hội chỉ vờ vĩnh thực hiện hoạt động tín ngưỡng, trong thực tế, họ tận dụng những lợi thế mà Nhà nước đảm bảo cho giáo hội vào mục đích kinh tế.

* Thế còn “tà giáo”?

Chả có khái niệm pháp lý nào như thế cả, thông thường người ta hay gọi những giáo phái hoạt động theo những tín điều, học thuyết lập dị, ảnh hưởng đến nhân cách con người và không mang tính xây dựng là “tà giáo”.

Tuy nhiên, khó mà nhận định được ai là “chính” và ai là “”: rất nhiều người vô thần cho rằng tất cả mọi giáo hội đều “” cả, nếu nhìn nhận theo cách hiểu ở trên.

* Ðạo luật mới có đạt được các mục tiêu đề ra không?

Việc loại bỏ những giáo hội giả danh thực ra nên là nhiệm vụ của cơ quan chức năng, còn về các “tà giáo” thì đã nói ở trên. Một đạo luật ít tự do đã thay thế cho một đạo luật quá tự do...

* Ðạo luật mới có hợp thức hay không?

Ðây là điều đang bị tranh cãi vì theo điều 17 của bản Thỏa thuận về hoạt động của Liên hiệp Châu Âu, EU cam kết tôn trọng và không thay đổi hiện trạng của các giáo hội và các tổ chức tôn giáo tại các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, đạo luật mới này đã thay đổi, hơn thế nữa, thay đổi một cách khá nực cười...

* Có phải chỉ cánh tả và phe đối lập “kêu ca” về đạo luật này?

Nhiều người khác cũng tỏ ra quan ngại...

* Những quan ngại lớn nhất liên quan tới đạo luật là gì?

Là nó phân biệt đối xử, cũng như, vi phạm nguyên tắc độc lập giữa giáo hội và nhà nước.

* Ðó là nguyên tắc gì vậy?

Nguyên tắc đó nói rằng, trong một Châu Âu hiện đại, các giáo hội không thể có quyền lực chính trị, cũng như, chính trị không thể can thiệp vào hoạt động của các giáo hội.

* Thế bây giờ thì các giáo hội sẽ có được quyền lực chính trị?

Quốc vụ khanh Szászfalvi László đã tuyên bố rằng những giáo hội được thừa nhận bởi đạo luật mới sẽ trở thành đồng minh chiến lược của chính phủ.

Họ không có quyền lực chính trị trực tiếp, nhưng theo đạo luật mới, “trong khuôn khổ một thủ tục được xác định trong quy định của pháp luật, liên quan tới cơ chế lập pháp, nhà nước đảm bảo cho các giáo hội khả năng tham gia nêu ý kiến trong các dự thảo luật và các chủ trương dự thảo luật”.

* Chính trị hoặc chính phủ có can thiệp vào hoạt động của các giáo hội?

Ngay ban đầu, chính phủ đã tự xác định thế nào là giáo hội và thế nào là không. Ðạo luật mới có khẳng định rằng tại Hungary, nhà nước không thể thiết lập và cho hoạt động cơ quan quản lý, giám sát các giáo hội.

Nhưng chính đạo luật này đã mâu thuẫn với khẳng định đó, khi bản chất của nó là quản lý và giám sát. Tồn tại một cơ quan chính quyền thực hiện nhiệm vụ đó: Ban Thư ký Nhà nước về tôn giáo trực thuộc Bộ Hành chính.

* Ðiều kiện để trở thành một giáo hội mà chính phủ đề ra là gì?

Là tổ chức đó phải thực hiện hoạt động tôn giáo, đã tồn tại tối thiểu 20 năm và có ít nhất 1 ngàn tín đồ.

* Theo chính phủ hoặc theo đạo luật mới, hoạt động tôn giáo là gì?

Là một hoạt động liên quan tới thế giới quan, hướng tới siêu nhiên, có những nguyên lý tín ngưỡng được đưa thành hệ thống, các học thuyết được hướng tới tổng thể hiện thực, cũng như, phẩm hạnh đặc trưng, không vi phạm đạo đức và nhân phẩm con người, nó bao trùm toàn thể nhân cách con người”.

* Khó hiểu! Và điều này sẽ được kiểm tra?

Ðược kiểm tra đến mức đi kèm đơn đề nghị đăng ký vào danh sách các giáo hội, còn phải đệ trình một hồ sơ tổng kết những học thuyết chính yếu của giáo hội - và bản chất của chúng - để được xét bởi cơ quan chuyên trách!

* Những giáo hội vẫn được giữ trạng thái giáo hội thì được hưởng những ưu thế gì? Nếu mất, thì mất những gì?

Có vô vàn lợi thế! Thứ nhất là về uy tín: mất một danh hiệu được công chúng và xã hội coi trọng là điều hết sức nhục nhã đối với các giáo hội bị loại.

Nhưng quan trọng hơn cả là Nhà nước hỗ trợ tài chính cho những giáo hội tiếp tục được thừa nhận: theo luật, các hoạt động công ích và các cơ sở của họ được nhận từ ngân sách nhà nước khoản trợ cấp tương đương với các chính quyền tự quản địa phương.

Chưa nói đến việc họ còn được giảm thuế và các khoản ưu đãi khác. Hơn nữa, Nhà nước lại không được phép kiểm tra doanh thu của các giáo hội và sự sử dụng chúng. Ngoài ra, các giáo hội còn được hưởng sự bảo vệ đặc biệt tại các cơ sở của họ (nhà thờ, nghĩa trang, các địa điểm “thiêng” khác)...

* Trong giáo dục, họ cũng có những đặc quyền đặc lợi?

Tại các cơ sở giáo dục và đào tạo do Nhà nước và chính quyền tự quản địa phương duy trì, nhà trường có bổn phận đảm bảo các điều kiện cho việc dạy và học môn giáo lý. Chi phí sẽ do Nhà nước cấp.

* Những giáo hội nào may mắn “thắng cuộc”?

Có 14 giáo hội được liệt vào hàng những giáo hội “đã có truyền thống, được thừa nhận” (và được đánh giá cao), như Giáo hội Công giáo Hungary, Giáo hội Tin lành Hungary, Giáo hội Cải cách Hungary, Hội các Tập thể Tín hữu Do Thái Hungary, Tập thể Tín hữu Israel Thống nhất Hungary, Giáo hội Baptist Hungary, Giáo Hội Chính thống giáo Serbia tại Buda, Giáo hội Chính thống giáo Bulgaria, Giáo hội Chính thống giáo Romania, Trung tâm Giáo hội tại Hungary của Giáo hội Chính thống giáo Nga, v.v...

Ngoài ra, còn 8 giáo hội khác được chính phủ ký thỏa thuận riêng, như Giáo phái Niềm tin, Giáo hội Ngũ tuần Hungary, Giáo phái Erdély, v.v... Rất nhiều tập thể Tin lành, có hoạt động xã hội và tâm linh đáng kể, đã bị “cho ra rìa” bởi đạo luật mới này...

* Nhức cả đầu! Tóm lại, luật mới như vậy là hay hay dở?

Chỉ có thể nói một cách đơn giản, có vẻ nó hàm chứa những mâu thuẫn và dường như vi phạm một số quy định, chuẩn mực của Châu Âu, nhưng theo các nhà lập pháp Hungary thì “nó là của chúng ta”!

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp