HỒ CHỦ TỊCH DƯỚI CÁI NHÌN VĂN HÓA CỦA MỘT KÝ GIẢ HUNGARY (2)
- Thứ ba - 18/05/2010 15:12
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Hồ Chí Minh và ký giả Hungary Patkó Imre trong cuộc trò chuyện thân tình tại Phủ Chủ tịch (1959) - Ảnh: Rév Miklós
Các ký giả Hungary cũng đã trực tiếp cảm nhận được sức hút kỳ diệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi họ cùng vị đại biện nước này, ông Kovács József, có dịp diện kiến Bác. Nhà báo Patkó Imre thuật lại thời khắc đáng nhớ ấy:
* Cuộc gặp gỡ thân tình
“Chúng tôi bước vào phòng khách quét vôi vàng, được bày biện đơn sơ của Phủ Chủ tịch vào hồi bảy giờ sáng. Hồ Chí Minh bắt tay từng người, ông mời chúng tôi ngồi và đích thân đãi chúng tôi chuối, táo và bánh ngọt. Ông hỏi bằng tiếng Nga: chúng tôi muốn trò chuyện bằng tiếng gì? Thoạt tiên, chúng tôi thỏa thuận với Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Việt Nam rằng cuộc trò chuyện sẽ diễn ra bằng tiếng Anh, nhưng vì có mặt Kovács József nên chúng tôi đề xuất tiếng Pháp. Bác Hồ nói thạo cả ba thứ tiếng và ông cũng rất rành tiếng Trung.
Ông mặc chiếc áo dạ màu đen, cổ cao, may kiểu quân đội và quần cũng từ chất liệu ấy. Dưới chân ông là đôi dép cao su, rất được người Việt ưa chuộng. Chúng tôi đã được thấy ông ăn vận “đại cán” như thế trong cả các buổi tiếp tân lớn (...) Chưa đầy mười phút, sức mạnh của cá tính kỳ diệu của ông đã tác động đến chúng tôi - nghĩa là chúng tôi hoàn toàn quên đi đẳng cấp và mọi sự khác biệt khác, chúng tôi đàm đạo hoàn toàn thoải mái, tự nhiên như thể là những người bạn cũ.
Bằng cách ấy, chỉ rất ít người có thể giữ được sự khiêm nhường. Tôi tin rằng bí quyết của vấn đề là Bác Hồ đã không phải nỗ lực hay tự giác chút nào để có được sự khiêm nhường và giản dị. Chúng tôi nhận ra rằng ông không nghe, mà để tâm tới chúng tôi, rằng ông thành thực quan tâm đến suy nghĩ, quan điểm của người đối diện về vấn đề đang được trao đổi, để rồi ông cũng chia sẻ ý kiến về nó”.
Cuộc trò chuyện giữa vị chủ tịch và các nhà báo được mở đầu bằng những đề tài rất đời thường, như Patkó Imre thuật lại: “Vị chủ tịch nhận thấy cái nhìn dò hỏi của tôi khi tôi thấy ông hút một loại thuốc Trung Quốc mà tôi không rõ nguồn gốc; ông lập tức giải thích rằng đây là loại thuốc đặc biệt được sản xuất nhân một dịp triển lãm gì đó và ông được biếu, ông thấy nó rất hợp. Hồ Chủ tịch nghiện thuốc, cho dù nếu ở một mình, ông ít hút hơn khi gặp gỡ đông người.
Theo các bác sĩ, ông còn phải hút ít hơn thế nhiều (năm 1960, ông đã 70 tuổi!), nhưng có thể thấy là ngay trò chuyện về thuốc lá cũng khiến ông thấy thích thú, nói gì đến việc cai thuốc. Ông sôi nổi nêu quan điểm rằng các dân tộc và cư dân lạc hậu nhất và văn minh nhất lại hay dùng nhất những mặt hàng “hưởng thụ”, như thuốc lá và rượu, rồi ông mỉm cười nêu ví dụ người Eskimo, các bà nông dân đứng tuổi và giới trí thức làm công việc tinh thần.
Ông giải thích một cách rất chuyên môn về những ưu điểm của điếu cày Việt Nam - làm mát khói và như thế thích hơn -, thậm chí khi tôi kể qua loa về chiếc điếu cày có đế và vỏ sắt của tôi, ông còn nói ngay được rằng nó có thể của dân tộc nào”.
Một cách tự nhiên và dung dị như thế, câu chuyện đã được dẫn tới những vấn đề quan trọng đương thời, như năm nguyên tắc của các nước không liên kết tại Hội nghị Bandung - chủ trương cùng tồn tại hòa bình và chống can thiệp đế quốc - mà Việt Nam cũng tuân thủ; cùng như một số thành tựu mà miền Bắc đã đạt được từ ngày hòa bình lập lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng dành thời gian phân tích kỹ càng và tỉ mỉ về chính sách nông nghiệp (hợp tác xã) của miền Bắc, nhấn mạnh rằng đưa ra một đường lối đúng đắn là một chuyện, nhưng thực hiện đúng lại là chuyện khác, và ông kết luận: “Đa số nguy cơ là ở chỗ người ta muốn đạt kết quả quá nhanh chóng” trên một địa hạt rất phức tạp và nhạy cảm: biến chuyển xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp.
* Niềm tin mãnh liệt
1959 là một năm bản lề, khi những hy vọng thống nhất Bắc – Nam bằng con đường hòa bình dường như ngày càng thu nhỏ và viễn ảnh về một cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập dân tộc dần dần được đặt ra một cách cụ thể. Đây cũng là điều đã được các nhà báo Hungary đặt câu hỏi, trong khi họ cũng thú thực rằng chính họ có cái nhìn khá bi quan trong vấn đề này.
Ký giả Patkó Imre thuật lại: “Chúng tôi được nghe lời đáp của Bác Hồ, giọng nói trầm ấm, cương nghị nhưng không chút lên gân:
- Viễn ảnh thống nhất Bắc - Nam là sáng sủa. Chúng tôi tin chắc rằng hai miền sẽ thống nhất. Cố nhiên, cho đến lúc ấy, phải vượt qua nhiều trở ngại và khó khăn trên con đường, nhưng nhân dân sẽ chiến thắng và đất nước sẽ thống nhất”.
Nhà báo Hungary cho rằng đây là sức mạnh của niềm tin. Nhưng đó là một niềm tin có cơ sở, khi được đặt nền tảng trên sự thống nhất toàn dân. Ấy là khi từ giã sau hơn một giờ đàm đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lời chúc đến nhân dân Hungary, mà theo Patkó Imre, “tôi cảm thấy rằng khi nói về đất nước chúng tôi, Chủ tịch đã nghĩ đến tổ quốc và dân tộc của ông, khi ông nói về thống nhất bằng sự nhiệt tình và sâu sắc đến thế - suốt cả buổi nói chuyện, có lẽ đây là lần đầu tiên và duy nhất, ông dùng ngôn từ đầy xúc cảm:
“Có thể đạt được tất cả nếu có sự thống nhất. Thống nhất giữa các nước anh em, thống nhất trong đảng, trong quần chúng cần lao, thống nhất giữa nhân dân và đảng. Nếu chúng ta thống nhất và tin tưởng vững chắc vào tương lai, cùng giúp nhau, chúng ta sẽ chiến thắng mọi cản trở...”
Trong cuộc đàm đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện niềm tin cá nhân vào ngày thống nhất, mà ông còn nhắc tới sức mạnh và điều kiện để có được niềm tin khi các nhà báo Hungary đặt câu hỏi: theo cảm nhận của họ, ở Việt Nam mọi việc đều rất dễ dàng vì người dân đặt niềm tin vô điều kiện vào những lời khuyên của đảng và chính phủ. Làm sao để có được niềm tin đó?
Hai ký giả Hungary hiểu rằng, đã đành, trong cuộc chiến giải phóng dân tộc của Việt Nam, người dân đồng cam cộng khổ, no đói có nhau với giới lãnh đạo hiện tại, nhưng sau chiến thắng, tình thế khác, nhiệm vụ khác, niềm tin trọn vẹn của dân gặp phải hiểm họa không nhỏ. Làm sao Việt Nam không chỉ giành được, mà còn giữ được nguyên vẹn báu vật ấy?
Câu trả lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ đã khiến họ hiểu được tư tưởng lấy dân làm cội rễ (dân vi bản), để có được một chính quyền từ dân mà ra, của dân, do dân và vì dân, như Bác hằng mong mỏi và huấn thị:
“Điều này rất đơn giản. Phải tin tưởng vô điều kiện vào nhân dân, khi đó, người dân cũng sẽ đáp lại bằng sự tin tưởng. Phải phục vụ nhân dân một cách chân thành và tận tụy hết mình, bây giờ cũng vậy, khi chúng tôi đã nắm quyền - người dân tin tưởng, thông hiểu chúng tôi và còn có thể hy sinh cho tương lai của họ.
Sau khi giành được quyền lực, đảng phải để ý ở mức độ cao nhất để tránh sự lan tỏa của những kẻ quan liêu, không được xa rời dân và chớ sa vào cái bẫy của sự tự mãn. Phải lưu tâm đến tất cả những hành động, hiện tượng không nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân, của tổ quốc, của chủ nghĩa xã hội và phải đấu tranh chống lại chúng. Không được phép để những hiện tượng ấy tồn tại!”
*
Tròn 60 năm đã trôi qua từ ngày Hungary và Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao và nửa thế kỷ kể từ những dịp tiếp xúc đầu tiên tại Việt Nam của báo giới nước này với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa hai nước - và số phận hai quốc gia - đều trải qua những giai đoạn thăng trầm, đầy biến cố, nhưng tựu trung, vẫn luôn giữ được tình hữu nghị trên cơ sở đồng cảm chân thành.
Cá nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh có lẽ là vị lãnh tụ cộng sản duy nhất mà tới nay, vẫn được người dân và các đảng phái chính trị Hungary giữ nguyên sự kính trọng, khâm phục và vị nể. Hungary cũng là quốc gia duy nhất trong vùng có tượng đài Bác Hồ, được dựng và gìn giữ từ 34 năm nay.
Đọc lại những cảm nhận của bạn bè quốc tế đương thời viết về Hồ Chủ tịch, cũng là cách để chúng ta hiểu được trọn vẹn hơn tài ngoại giao xuất chúng, cốt cách minh triết và đặc biệt, sức hấp dẫn tự nhiên của Bác trong lòng người dân thế giới... (**)
Xem Phần 1 của bài viết.
(*) Bài viết đã đăng trên “Pháp Luật TP HCM”. Bản trên NCTG là bản gốc của tác giả.