Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HIỂM HỌA BAUXITE TẠI ĐÔNG ÂU

Mặc dù nguyên nhân của sự cố tràn bùn tại TP Ajka (Hungary) và vấn đề trách nhiệm trong vụ này chưa được giới chức sở tại làm sáng tỏ, nhưng đã có nhiều câu hỏi được đặt ra về cách xử lý bùn đỏ và khả năng kỹ thuật của Hungary trong quá trình chế biến bauxite và luyện alumin. Không chỉ Hungary mà một loạt quốc gia ở Trung và Đông Âu cũng đang phải tự xem xét lại…

20 năm sau khi đóng cửa nhà máy chế biến alumin, quá trình hoàn thổ đang được tiến hành tốt tại khu vực từng có bể chứa bùn đỏ ở vùng Almásfüzitő - Ảnh: Nagy Attila (index.hu)


Bản thân việc xây dựng các bể chứa bùn đỏ không mái che gần khu cư dân và không có hệ thống đê ngăn phòng khi sự cố xảy ra đã là việc bất cẩn và hàm chứa nhiều rủi ro, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ thảm họa có thể lan rộng và gây tàn phá lớn cũng vì kỹ thuật Hungary sử dụng đã lạc hậu so với thế giới.

Cụ thể, Hungary áp dụng công nghệ “ướt” khi thải bùn đỏ: chất thải chủ yếu được lưu giữ ở dạng lỏng (hàm lượng chất lỏng lớn hơn 54,4%), chi phí rẻ nhưng tiềm ấn nguy cơ bất trắc cao. Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, bùn đỏ lỏng tràn bể ở Ajka bị kiềm hóa ở mức quá cao (chỉ số pH là 13) và như thế, một sai lầm nữa là Hungary đã không chú ý rửa bùn đỏ để giảm thiểu hàm lượng kiềm.

Xử lý bùn đỏ tại Hungary

Trong thảm họa bùn đỏ xảy ra hôm 4-10, không phải bùn đỏ mà lượng chất lỏng có độ kiềm rất mạnh thoát khỏi bể chứa đã gây nên những thiệt hại nặng nề nhất, khiến 10 người thiệt mạng và hơn 150 người bị bỏng, hủy hoại đất canh tác và hệ sinh thái. Câu hỏi được nhiều lần đặt ra là tại sao Hungary lại chứa loại kiềm đậm đặc như thế?

Trả lời câu hỏi trên, ông Bánvölgyi György - một kỹ sư hóa học chuyên về công nghệ bauxite - cho hay: bùn đỏ, chất thải trong quá trình chế biến quặng nhôm, cùng dung dịch chất lỏng chứa nhiều kiềm đi kèm, thường được rửa bằng nước sạch trong một quá trình gồm bảy công đoạn để tận thu kiềm nhằm “quay vòng” trở lại cho công nghệ chế biến bauxite.

Bằng cách đó, nồng độ kiềm trong dung dịch bùn đỏ khi rời nhà máy bauxite chỉ còn bằng 1/40 giá trị ban đầu. Tuy nhiên, lượng bùn thải cũng vẫn bị kiềm hóa ở mức độ đáng kể: tại các bể chứa ở những nước công nghiệp phát triển hơn Hungary, độ pH trong bùn đỏ là 10-12,85, như thế bùn đỏ ở bể chứa cạnh làng Kolontár không bị coi là có gì đặc biệt.

Tại Hungary, bùn đỏ không được chế biến mà chỉ được trữ tại các bể chứa khổng lồ, trong số đó chủ yếu là bể không có gì che chắn ngoài trời (30 triệu m3 ở 10 bể chứa thuộc nhà máy bauxite TP Ajka, 12 triệu tấn ở 7 bể chứa tại vùng Almásfüzitő và 5 triệu tấn tại vùng Neszmély). Chỉ có các bể tại Mosonmagyaróvár là được phủ kín đất và trồng cây cỏ lên trên: quá trình hoàn thổ đã được thực hiện hoàn toàn ở đây..

Như vậy, trong thực tế, Hungary không thể loại trừ được khả năng dung dịch kiềm trong bùn lỏng có thể gây nguy hiểm khi tràn các bể hở. Việc giảm thiểu độ kiềm trong bùn lỏng không phải là không thể, nhưng vô cùng tốn kém.

Giải pháp công nghệ “khô”

Nói về khả năng kỹ thuật của Hungary, ông Bánvölgyi György cho hay: nhà máy chế biến bauxite số 2 ở TP Ajka được đưa vào hoạt động năm 1972 với những công nghệ hàng đầu thế giới thời bây giờ. Ngoài ra, cho đến năm 1980, không chỉ Hungary mà đại đa số các quốc gia trên thế giới đều dùng công nghệ “ướt” khi xử lý bùn đỏ, thậm chí, 10% lượng bùn phát sinh còn bị đổ xuống biển hoặc sông.

Những năm sau đó, một số nước có nền công nghệ phát triển hơn bắt đầu chuyển sang công nghệ “khô”, chủ yếu là tại các địa điểm khô ráo, nhiều nắng và ít mưa. Bùn đỏ được bơm vào bể chứa với hàm lượng chất rắn cao, ít chất lỏng chứa kiềm, không gây lực ép lên các đập chắn của bể chứa và ít gây nguy hiểm khi bị trôi. Ngoài ra, do bùn rắn nên ít tạo thành bụi trong tiết trời khô và nhiều gió – khi cần thiết cũng có thể rẩy nước để giảm lượng bụi.

Hungary đã từng áp dụng công nghệ “khô” tại nhà máy chế biến bauxite ở Mosonmagyaróvár khi cơ sở này còn hoạt động (trước năm 2002). Tuy nhiên, GS. Kékesi Tamás - phó khoa Vật liệu Đại học Kỹ thuật Budapest cho hay: cho dù an toàn hơn, nhưng giải pháp này vẫn chưa mấy thông dụng trên thế giới vì nó quá đắt đỏ, phức tạp và khó ứng dụng hơn.

Như vậy, đối với đa số các quốc gia chưa thật phú cường, công nghệ “ướt” vẫn thông dụng và để bù lại, bể chứa bùn thường được củng cố vững chắc như một pháo đài. Điển hình là ví dụ ở Hungary: đập chắn của bể chứa số 10 bị vỡ có chiều dài 500m, rộng 300m, bề dày 40-50m (nơi dày nhất ở bệ vách là 65m), không khác gì một thành lũy bất khả xâm phạm!

Dầu vậy, tai nạn vẫn xảy ra cho thấy: ngoài yếu tố lơ là hoặc bất cẩn khó loại trừ của con người, vấn đề chủ yếu ở đây là do công nghệ chế biến bauxite hiện tại vẫn hàm chứa nhiều hiểm họa khôn lường, thường chỉ lên tiếng khi một vài chục năm đã trôi qua!

Đông Âu không bình yên

Thảm họa bùn đỏ tại Hungary khiến hàng loạt quốc gia trong vùng Đông - Trung Âu phải giật mình, bởi lẽ tại nhiều nơi, những cơ sở công nghiệp còn hay đã thôi hoạt động vẫn hàm chứa không ít nguy cơ tiềm ẩn như những trái bom sinh thái hẹn giờ.

Tại Romania, truyền thông cảnh báo rằng rất dễ xảy ra sự cố như ở Hungary vì bể chứa bùn đỏ của nhà máy chế biến bauxite ở TP Oradea (đã đóng cửa) không hề được đưa vào trạng thái an toàn, ngoài ra, một bể chứa khác ở tỉnh Tulcea cũng liên tục xả chất thải ra sông Danube.

Tờ “Tin tức” ra tại TP Cluj-Napoca cho hay: cơ sở công nghiệp này đi vào hoạt động cách đây 45 năm và tồn tại đến năm 2006, để lại nhiều bể chứa bùn ven đường trên một khu đất rộng 42 héc-ta, từ đó tới nay không được ai để tâm tới. Ông Ovidiu Daescu, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường tại địa phương còn cho rằng, do vị trí địa lý của hệ bể chứa này, sự ô nhiễm có thể lan từ Romania sang nước khác.


Trong khi đó, tràn bùn tại bể chứa số 10 ở TP Ajka đã gây thảm họa ở vùng lân cận - Ảnh: index.hu


Ở Ukraine, tình hình cũng không có gì sáng sủa hơn. Sau khi tai nạn xảy ra tại Hungary, Bộ phụ trách các tình trạng khẩn cấp đã lập tức tiến hành kiểm tra hai nhà máy sản xuất alumin và nhôm ở các thành phố Zaporizhia và Mykolaiv. Kết quả thu được rất đáng lo ngại: báo chí Ukraine cho hay tại đây, việc xảy ra một thảm họa như ở Hungary là điều không hề khó.

Được biết, lượng bùn đỏ tổng cộng tại hai cơ sở trên là chừng 26 triệu m3, nhưng trong trạng thái rất lỏng nên có thể có hậu quả tệ hại hơn nhiều so với ở Hungary. Tatyana Timochko, người đứng đầu Liên đoàn Bảo vệ Môi trường Quốc gia Ukranie cho rằng nếu thảm họa xảy ra, bùn đỏ lỏng sẽ lan tỏa ở mức độ rất nhanh.

Đặc biệt, tại nhà máy ở Mykolaiv, bên cạnh hệ bể chứa tồn tại từ 30 năm nay với lượng bùn đỏ là 20 triệu m3, mới đây, một bể chứa khác trên diện tích 150 héc-ta cũng đã đi vào hoạt động và chỉ cần một tai nạn nhỏ là đủ khiến bùn tràn xuống Hắc Hải. “Nếu có sự cố, địa điểm xảy ra thảm họa sẽ trở thành vùng đất chết trong 10 năm, và Hắc Hải cũng phải đối mặt với một thảm họa sinh thái trầm trọng”, Tatyana Timochko khẳng định.

Vấn đề lớn nhất của Ukraine là không nhà máy bauxite nào có hệ thống xử lý bùn đỏ hiện đại và cho dù giới chức nước này cố tìm cách trấn an dư luận rằng mọi thứ đều đảm bảo, chuyên gia môi trường nói trên nhận xét: “Bùn đỏ chiếm một diện tích quá lớn và không làm sao có thể trung hòa được vì điều này quá phức tạp và đắt đỏ, nên cứ được lưu lại trong bể vài chục năm”.

Những nhận định đầy tính lo âu ấy, cùng thảm họa mới xảy ra tại Hungary, khiến khu vực Đông – Trung Âu vốn hiền hòa đang trở nên bất ổn về mặt môi trường…

(*) Bài viết đã đăng trên “Pháp luật TP HCM”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh