HỆ THƯ VIỆN THỦ ĐÔ BUDAPEST CÓ THỂ BỊ ĐỔI TÊN
- Thứ hai - 20/09/2010 00:14
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Sau cuộc bầu cử chính quyền địa phương các cấp vào đầu tháng 10 tới, Quỹ các nhà Nghiên cứu Lịch sử Bảo thủ sẽ đề nghị Chính quyền Thành phố Budapest đổi tên hệ thống thư viện công cộng của thủ đô.
Szabó Ervin (1877-1918)
Thành lập năm 1904, từ năm 1946, hệ thống này (gồm 1 thư viện trung tâm và các thư viện chi nhánh ở 23 quận) được mang tên Szabó Ervin (1877-1918), một nhà nghiên cứu khoa học xã hội, đồng thời là nhân viên Thư viện Thủ đô, rồi giữ chức giám đốc từ năm 1911.
Không chỉ là một ký giả, là người mở và đứng mục Văn học của nhật báo “Tiếng Dân” (Népszava), Szabó Ervin còn là một nhà cách mạng theo khuynh hướng vô chính phủ - nghiệp đoàn. Trong các nghiên cứu và bài viết tại Hội Khoa học xã hội (mà ông là phó chủ tịch từ năm 1906) và tạp chí “Thế kỷ hai mươi”, ông thường xuyên đưa thông tin về các vấn đề của phong trào công nhân quốc tế.
Sẽ bị phế truất vì là người cộng sản?
Trong hơn một thế kỷ nay, không thấy ai “lấn cấn” vì cái tên Szabó Ervin đặt cho hệ thư viện công của Budapest, cho đến ngày 19-9 này, khi tổng giám đốc Quỹ các nhà Nghiên cứu Lịch sử Bảo thủ tuyên bố: một trong những cơ sở quan trọng nhất của Hungary “không đáng” mang tên “một tư tưởng gia cộng sản cực tả”.
Ông Szakács Árpád, trong cuộc họp báo “ấn tượng” tổ chức ngay trước Thư viện Trung tâm mang tên Szabó Ervin, tọa lạc tại quảng trường mang tên Szabó Ervin (Quận VIII, Budapest), đã tuyên bố: ông đề xuất một cuộc tranh luận công khai, và thực hiện trưng cầu công luận trên mạng lịch sử tortenelemportal.hu xem nên để hệ thư viện công của Budapest mang tên ai trong tương lai.
Cung Wenckheim tại quảng trường Szabó Ervin: ngày nay, cung điện này là trung tâm của hệ Thư viện Thủ đô mang tên Szabó Ervin
Trong dịp này, ông Szakács cũng cho rằng đầu thế kỷ XX, Szabó Ervin có vai trò hàng đầu trong việc phổ biến các hệ tư tưởng cực tả tại Hungary. Theo vị tổng giám đốc, Szabó Ervin là người “nhận vai trò tuyên truyền các tác phẩm đặt nền móng cho độc tài cộng sản sau này, ông ta đã phổ biến các trước tác của Marx và Engles, đã viết Lời nói đầu cho bản dịch tiếng Hungary đầu tiên của “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, đã chào đón và ủng hộ cuộc đảo chính Bolshevik của Lenin”.
Ông Szakács Árpád nhận xét: không thiếu gì người xứng đáng được lấy tên để đặt cho hệ Thư viện Thủ đô, như các nhà văn Németh László hoặc Kosztolányi Dezső, hay vị chính khách về giáo dục Klebelsberg Kunó hoặc nhà văn, triết gia Hamvas Béla, người từng làm việc cho thư viện trong nhiều năm.
Là người cộng sản, nhưng không đến nỗi...
Đấy là phản hồi của một số nhân vật trong ngành thư viện, trước đề xuất phế truất Szabó Ervin.
Ông Monok István, cựu tổng giám đốc Thư viện Quốc gia mang tên Széchényi cho rằng việc hệ thư viện Budapest mang tên Szabó Ervin cho đến nay, là “xứng đáng”. Theo ông, đổi tên một cơ sở sẽ khiến tên tuổi nó bị “phương hại”.
Là một nhà nghiên cứu lịch sử thư viện, ông Monok cũng quan niệm, vấn đề nghiêm trọng hơn nữa là nếu đổi tên, các chủ nhân hoặc người thừa kế một số sách vở, tư liệu, hồ sơ cho hệ thư viện mượn sẽ đòi lại những gì của họ và như thế, sẽ ảnh hưởng đến quy mô của hệ thư viện.
Cạnh đó, ông Monok cũng nói rằng, vì một số quan điểm ý thức hệ từng được đề cao một thời, cá nhân tên tuổi Szabó Ervin không bị “xuống cấp” đến mức cần thay đổi tên của cả hệ Thư viện Thủ đô.
Ông Horváth Csaba, ứng viên thị trưởng của đảng đối lập MSZP (Đảng Xã hội Hungary) cũng cùng một ý kiến với vị cựu tổng giám đốc Thư viện Quốc gia khi cho rằng trong những thập niên qua, cho nên nền văn hóa Hungary đã gắn liền với cái tên Szabó Ervin, nên “sẽ là điều xuẩn ngốc nhất nếu hạ uy tín của ngành thư viện bằng cách bỏ tên Szabó Ervin”.
Những ý kiến tán đồng
Tuy nhiên, đề xuất của Quỹ các nhà Nghiên cứu Lịch sử Bảo thủ cũng được một số tiếng nói hưởng ứng. Theo quốc vụ khanh Bộ Văn hóa Szőcs Géza, Thư viện Thủ đô chỉ cần để nguyên là... Thư viện Thủ đô cũng đủ, không cần mang tên Szabó Ervin, hoặc giả nếu cứ cần phải mang tên ai đó thì nhà văn Hamvas Béla là ứng viên do ông đề cử.
Hamvas Béla (1897-1968), nhà văn, triết gia, thủ thư Hungary
Sử gia, chuyên gia bảo tồn, bảo tàng Tóth István cũng cho rằng có thể khẳng định không ngoa rằng Szabó Ervin là một “tư tưởng gia cộng sản cực tả”. Là người phụ trách Phòng Lịch sử Bảo tàng Móra Ferenc, ông Tóth István coi việc đổi tên hệ thư viện là hợp thời và ứng viên mới, về phần ông, cũng là Hamvas Béla.