Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


HÀNH HUNG KÝ GIẢ: CÓ THỂ GIỚI HẠN QUYỀN TỰ DO BÁO CHÍ?

(NCTG) Tuần đầu tháng Sáu, một tấm ảnh quý giá của phóng viên Darnay Katalin đã được đăng tải rộng rãi trên báo chí Hung và các diễn đàn Liên mạng. Trong ảnh có cảnh một cảnh sát vũ trang giơ dùi cui hành hung một ký giả chỉ có trong tay chiếc máy ảnh.

Hành hung ký giả khi chỉ có chiếc máy quay trong tay - Ảnh: Darnay Katalin

Tấm ảnh và sự kiện này đã được công luận Hung chú ý và bàn tán rất sôi nổi; đồng thời, nó đã gây nên sự căm phẫn ở nhiều tổ chức dân sự, cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền, dân quyền. Nhiều người cho rằng đây là sự vi phạm trầm trọng quyền tự do báo chí, quyền "bất khả xâm phạm" của người phóng viên khi tác nghiệp...

Sự việc đã diễn ra như thế nào?

Số là, sau trận đấu đầu tháng 6-2006 giữa hai CLB bóng đá ngoại hạng Hung, Újpest và Fehérvári, một nhóm cổ động viên bắt đầu phá phách dữ dội tại nơi công cộng, cạnh Sân vận động Puskás Ferenc (tên gọi cũ là Népstadion). Cảnh sát dã chiến đã phải ra tay để ngăn chặn và ẩu đả lớn diễn ra giữa những tay hu-li-gan và các thành viên cơ quan công quyền. Trong vụ đụng độ, 9 cảnh sát bị thương nhẹ, 10 xe cảnh sát bị phá và 11 "cổ động viên" bị bắt giữ.

Điều đáng tiếc là trong "chiến dịch trấn áp" này, cho dù cảnh sát Hung đã làm đúng nhiệm vụ của mình trước đám "cổ động viên" ngổ ngáo, nhung họ lại có hành vi đáng tiếc với giới ký giả Hung vốn rất nhanh nhạy và "thính" trước những nguồn tin "nóng" như thế này. Phóng viên nhiếp ảnh nhật báo "Dân tộc Hung", ông Éberling András, đã có mặt tại hiện trường và chụp ảnh một cảnh sát khi anh này đang giữ và xích tay một hu-li-gan. Hẳn sự có mặt của giới báo chí đã khiến nhóm cảnh sát "võ biền" không vừa ý, người chỉ huy của nhóm lên tiếng cảnh cáo ông Éberling không được chụp ảnh. Tuy nhiên, khi người phóng viên này vẫn cứng cỏi đáp trả rằng ông chỉ thực thi công việc của mình, một cảnh sát đã sấn đến và dùng dùi cui quật ông ở ngực. Ngay sau đó, Éberling vẫn giơ máy ảnh chụp người cảnh sát để có bằng chứng về sau này; lập tức, anh cảnh sát quay lại và lần thứ hai, anh ta lại giáng dùi cui vào người phóng viên và vặn tay ông ra sau lưng. Cảnh tượng ấy đã được phóng viên tờ "Blikk" ghi lại; Veres Viktor, một phóng viên khác đến trợ giúp đồng nghiệp thì bị cảnh sát dùng hộp cay phụt vào mặt!

Đến trợ giúp đồng nghiệp thì bị cảnh sát dùng hộp cay phụt vào mặt - Ảnh: Darnay Katalin

Ít ngày sau khi bê bối xảy ra, ông Éberling András, phóng viên nhiệp ảnh nhật báo "Dân tộc Hung", người bị cảnh sát hành hung, đã đệ đơn kiện và Viện Kiểm sát đã ra chỉ thị tiến hành điều tra. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Viện Kiểm sát Điều tra Budapest, ông Morvai Attila, quá trình điều tra sẽ kéo dài chưa biết đến bao giờ và trong khi đó, nếu những nghi phạm - cảnh sát không bị cơ quan cảnh sát tạm ngừng việc, thì họ vẫn có thể tiếp trong trong quân ngũ, chừng nào Viện Kiểm sát chưa chấm dứt điều tra. Sở Cảnh sát Budapest (BRFK), sau sự việc, cũng mở một cuộc kiểm tra nội bộ, nhưng không nhằm vào việc các ký giả bị hành hung, mà để xem giới cảnh sát có thực thi đầy đủ và đúng đắn nhiệm vụ của mình trong quá trình bảo vệ an ninh của trận bóng hay không.

Một cuộc tranh luận lớn và gay gắt đã diễn ra giữa các đại diện của cảnh sát, và giới dân sự, cũng như những tổ chức bảo vệ dân quyền!

Phía cảnh sát cho rằng các ký giả phải rời khỏi những khu vực nguy hiểm, nơi cảnh sát cần can thiệp. "Khi can thiệp, chúng tôi không có thời gian để xem xét! Khi chúng tôi ra lệnh "hãy rời khỏi khu vực này!", thì lệnh đó được áp dụng với tất cả mọi người" - trả lời phỏng vấn báo chí, ông Schön Péter, trưởng Phòng Báo chí của BRFK cho biết. Một quan chức cảnh sát khác, ông Lapid Lajos, trường Phòng An ninh của BRFK, thì thản nhiên nói trong một chương trình của Kênh Truyền hình Quốc gia Hung MTV: cảnh sát không phải xin lỗi vì những gì đã xảy ra, vì "một phóng viên nhiếp ảnh không có việc gì ở nơi cảnh sát đang làm phận sự". Hon nữa, theo ông, đây là một "khu vực hành sự", tại đó ai không phận sự miễn đến, vì không thể đảm bảo được sự an toàn tính mạng: "Một cảnh sát hành động theo tập thể sẽ không thể tự phân biệt được anh là ai, tại sao anh ở đó. Cho dù anh có trong tay một chiếc máy ảnh nhà nghề đi nữa, có trời biết anh là ai? Ai mà chả có máy ảnh được?"

Tuy nhiên, ông Takács Albert, phó cao ủy phụ trách về vấn đề quyền công dân của Quốc hội Hung, lại có ý kiến khác. Trả lời Thông tấn xã Hung MTI, ông cho biết việc chụp ảnh cảnh sát trong khi thực thi nhiệm vụ là hoàn toàn được phép, ngoại trừ một trường hợp đặc biệt. Ông tuyên bố: "Tự do báo chí cho phép các phóng viên báo chí được tác nghiệp tại nơi công cộng mà không bị bất cứ một cản trở nào. Chứ còn nếu chỉ vì cảnh sát... không thích báo chí, thì không được phép giới hạn hoạt động của giới ký giả. Chỉ có một giới hạn duy nhất, nếu trước đó, cảnh sát đã hạn chế sự đi lại của công dân, ví dụ, đã chăng dây - khi đó, ký giả cũng không được phép vi phạm". Tuy nhiên, theo các nhân chứng, chẳng hạn, ký giả Veres Viktor, người vì muốn giúp đỡ đồng nghiệp đã bị cảnh sát xịt hơi cay, thì tại khu vực đó hoàn toàn không có chăng dây. Ông Veres còn kể rằng trước khi bị xịt hơi cay, ông còn được một cảnh sát khác giảng giải cho biết phải làm gì nếu bị... cay mắt!

Chỉ trong khu vực được cảnh sát giăng dây từ trước, ký giả mới không được phép hành nghề!

Cùng một ý kiến với ông Takács, ông Schiffer András, đại biện của tổ chức bảo vệ dân quyền TASZ (Hiệp hội vì các quyền tự do) cho rằng bất cứ ai, kể cả cổ động viên hay nhà báo, đều có quyền chụp ảnh cảnh sát - cũng như các nhân viên công quyền khác - khi họ thực thi nhiệm vụ, vì thế, vụ hành hung ký giả càng đáng tiếc! Ngoài ra, cũng theo ông, trong Luật Cảnh sát của Hung, không hề tồn tại khái niệm "khu vực hành sự", để cảnh sát có thể "ra tay" tùy thích với nhũng ai họ không muốn tại đó!

Các tổ chức đại diện ký giả cũng lênh án hành động và lập luận của cảnh sát. Hội nhà báo Quốc gia Hungary (MÚOSZ) ra thông cáo phê phán cảnh sát Hung, và cảnh báo các lãnh đạo cảnh sát đề phòng ngừa những "vụ" tương tự. Thông cáo nêu rõ: không hề có chuyện cảnh sát không biết ký giả của tờ "Dân tộc Hung", vì trước đó họ còn "hướng dẫn" phóng viên này "nên" chụp cảnh gì. Liên đoàn Ký giả Hungary, một tổ chức khác, thì cho rằng "nếu lý luận như vậy, các ký giả sẽ phải từ bỏ một phần công việc của họ, ví dụ tường thuật, đüa tin ngoài chiến trường". Chủ tịch Liên đoàn, ông Bánó Attila, tuyên bố: không thể chấp nhận được việc cảnh sát đánh đồng các nhà báo với bọn phá phách, chỉ vì giới ký giả không tấn công được cảnh sát. Ông Báno đòi hỏi một thỏa thuận với cảnh sát, vì "nếu thẻ nhà báo, nếu mảy ảnh còn không bảo vệ được giới ký giả, thì cái gì sẽ bảo vệ họ?".

Mâu thuẫn giữa cơ quan cảnh sát và báo giới, cũng như các tổ chức dân quyền, đã không được giải quyết trong cuộc cgặp mặt được tổ chức sau đó. Đề nghị của ông Bene László, cảnh sát trưởng Hungary - theo đó để cảnh sát phân biệt được giới ký giả với những phần tử gây rối trong những hoàn cảnh được biệt, các nhà báo nên mặc chiếc ghi-lê màu vàng, có đánh số và đề chữ Press (báo chí) -, đã không được mấy ai tán thành (cho dù, ông Bene cho biết tại Iraq, giới ký giả cũng mặc như thế). Chủ tịch Liên đoàn Ký giả Hungary Bánó Attila phẫn nộ cho rằng cuộc hành hung các nhà báo không phải là ngẫu nhiên, cho dù họ chỉ thực thi chức phận của họ. Còn theo ông Szigeti Tamás, chủ tịch Liên đoàn các phóng viên nhiếp ảnh Hung, thì không cứ gì ký giả, mà nếu cảnh sát dùng bạo lực vô cớ với "dân lành", cũng là điều đáng lên án rồi! Tổng kết cuộc gặp mặt, chủ tịch Hội nhà báo Quốc gia Hungary đề nghị: hãy đưa vào chương trình học của cảnh sát Hung một thực tế là ngay ở những nơi mà cảnh sát thực thi nhiệm vụ, người ký giả vẫn có quyền đưa thông tin đến người dân và như thế, cảnh sát không có quyền ngăn chặn họ khi họ tác nghiệp!

*

Có thể thấy gì qua sự kiện kể trên?

Rõ ràng là, rất nhiều kết luận có thể được rút ra, nhưng điều dễ nhận thấy nhất là xã hội dân sự, quyền tự do báo chí... của Hungary đã phát triển vượt bậc trong vòng hơn 15 năm qua. Đã qua rồi, từ lâu lắm, cái thời người dân nhắm mắt nghe theo đại diện các cơ quan công quyền, coi "họ là cha là mẹ", chỉ vì họ dại diện cho nhà nước!

Đã đại diện cho nhà nước, đã nắm quyền (và vũ lực) trong tay, càng cần phải tuân thủ luật pháp, càng cần phải ý thức được trách nhiệm và giới hạn những quyền hạn của mình, trước những công dân đóng thuế (nuôi Nhà nước và nuôi chính các cơ quan công quyền).

Bài học ấy, rất bổ ích cho những xã hội đang hoàn thiện hóa chính mình trên con đường dân chủ và pháp quyền!

Tác giả bài viết: H.Linh