Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GS. Karikó Katalin: “KHÔNG THUỐC NÀO LẠI KHÔNG CÓ TÁC DỤNG PHỤ”

(NCTG) Dựa trên dữ liệu từ đợt tiêm chủng hàng loạt của Israel, trong số 4,7 triệu người được tiêm chủng ở đó, có 158 trường hợp phát sinh tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng không có loại thuốc nào mà không có tác dụng phụ, theo góc nhìn của GS. Karikó Katalin, người đươc xem như đã đặt nền móng cho các loại vaccine “thế hệ mới” như BioNTech/ Pfizer hay Moderna.
GS. Karikó Katalin - Ảnh: telex.hu
Tham dự trong một cuộc trò chuyện trực tuyến (online) với Hiệp hội Dugonics ở TP. Szeged, người phát minh ra công nghệ mRNA cho hay vẫn chưa biết vaccine sẽ duy trì được sự bảo vệ bao lâu, nhưng tiêm chủng khả năng sẽ bền vững hơn so với trường hợp bệnh nhân có được sự miễn dịch do nhiễm virus.

Bởi lẽ, virus có một “mánh khóe” để làm suy yếu các tế bào trí nhớ, và các trường hợp nhiễm Coronavirus có thể được chủng ngừa trong vòng 90 ngày sau khi hồi phục. Nhà sinh học cũng nói trong cuộc phỏng vấn về sự nghiệp của bà rằng bà vẫn ổn mà không cần công trình khoa học của bà được công nhận.

Tôi cũng giống như Cassandra, nhìn thấy tương lai nhưng không thể thuyết phục người khác về nó. Ngay bây giờ tôi cũng không có cảm thấy “thấy chưa, đã bảo rồi mà” - bà nói, và cho hay: cần phải có nền tảng hậu cần tốt và rất nhiều công việc chuyên môn để có được vaccine Pfizer-BioNTech như hôm nay.

Nghĩa là, thuốc chủng ngừa đã trong vòng tay của người dân một năm sau khi virus xuất hiện. Năm 2013, khi “đầu quân” cho BioNTech, một công ty gần như chưa ai biết đến, vào thời điểm đó hãng thậm chí còn không có trang web riêng, GS. Karikó Katalin nhớ lại - hiện bà là Phó Chủ tịch cấp cao của BioNTech.

Ở trường đại học, chắc hẳn người ta nghĩ rằng người phụ nữ này là một kẻ thất bại vĩnh viễn khi phải đến một công ty như thế”, bà kể và cho biết: nhưng một người quen chỉ ra rằng BioNTech đã có thử nghiệm lâm sàng, còn Moderna thì chưa, vì vậy bà đã chọn BioNTech. Sau đó là 2 năm làm việc cật lực tại hãng.

Mục tiêu là làm thế nào để những gì làm ở bàn thiết kế có thể được sản xuất ở quy mô công nghiệp hàng loạt. Trả lời câu hỏi tại sao hiện giờ vẫn chưa đủ vaccine Pfizer, nhà sinh học lý giải rằng những thách thức mới đã tạo nên điều đó, “như khi bạn quen nấu cho 2 người mà ngày mai có 200 người tới ăn”.

Và cũng giống như bóng đèn không đến từ việc hoàn thiện ngọn nến, mà phải có một công nghệ mới, hiện giờ cũng phải tìm ra một công nghệ mới để phục vụ công việc sản xuất này”, vị giáo sư lập luận. Bà cũng nói vui, theo chồng bà, nhiều khi thu nhập theo giờ của bà còn tệ hơn đi làm ở McDonalds.

Và trong vòng 40 năm, bà đã không được thừa nhận, nhưng bà biết là điều mình làm là tốt và quan trọng. “Tôi rất vui vì nghiên cứu của mình được đưa vào vaccine Pfizer và Moderna. Nhưng các loại vaccine này có rất nhiều công việc liên quan đến rất nhiều nhà nghiên cứu và chuyên gia mà chúng ta không biết tên”.

Thậm chí cũng không ai biết đến tên tôi nếu không có dịch bệnh này và giá mà không có nó”. Về hiệu quả bảo vệ của vaccine, bà nói: những người được chủng ngừa ban đầu tới nay chưa ai bị tái nhiễm, “có thể nói nó bảo vệ được 5 năm, nhưng thời gian chưa trôi qua đến thế, có thể là 1 năm, hoặc 2-3 năm”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh