Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GREENPEACE: VÌ MỘT THẾ GIỚI LÀNH MẠNH HƠN!

(NCTG) “Báo động khí hậu! Năng lượng xanh!” - dòng chữ ấy được các thành viên “tổ chức xanh” Greenpeace viết lên một tấm băng-ron khổng lồ và treo lên cầu Lánchíd ngày 1-3-2007. Cảnh sát hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc “xuống đường” quyết liệt và không báo trước này, cầu Lánchíd bị ngăn lại và 22 người bị đưa về trụ sở cảnh sát.

Khoảng 10 giờ sáng ngày 1-3-2007, 7 thành viên (Hung và ngoại quốc) Greenpeace mặc bộ quần áo vàng (dành cho dân léo núi) treo mình lơ lửng trên cầu Lánchíd (phía nhìn ra Nhà Quốc hội Hungary) để treo một tấm băng-ron 120m2, vận động cho một thế giới lành mạnh hơn, ngăn chặn sụ thay đổi khí hậu do sự ô nhiễm môi trường trầm trọng những năm gần đây. Theo nhóm Greenpeace này, họ đã chuẩn bị đến việc cảnh sát sẽ can thiệp, và cố tình không báo trước về hành động này để gây tiếng vang lớn hơn trong công luận Hung.

Sau hơn một tiếng, cảnh sát Hung mới đến hiện trường, ngăn cầu Lánchíd và việc đầu tiên của họ là… xua giới ký giả khỏi cầu. “Tự do báo chí là thế này hả? Vô lý, thế này làm sao chúng tôi biết điều gì sẽ xảy ra với các thành viên của chúng tôi?” - ông Rohonyi Péter, một yếu nhân của Greenpeace đặt câu hỏi cho tờ báo điện tử [index].

Thoạt tiên, cảnh sát không biết phải làmc gì với những người treo mình lơ lửng cùng chiếc băng-ron, vì vậy, trước hết những ai tự cột mình vào cầu bị đưa đi. Hai giờ kém 15 phút chiều, một thành viên Greenpeace bị kéo lên cầu và lập tức bị ấn vào xe cảnh sát. Sáu người còn lại thấy vậy, liền tự nguyện trèo lên cầu, vì đằng nào tấm băng-ron cũng không còn trong tay họ.

Tổng cộng, 22 người bị cảnh sát đưa đi. Mózes Szabina, phát ngôn viên của Greenpeace, cho [index] hay: “Theo các luật sư, có thể các đồng sự của chúng tôi sẽ bị truy tố vì tội danh gây nguy hiêm cho giao thông trên không và dưới nước“.

Mục đích của hành động ngoạn mục này, theo Mózes Szabina, là để thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc, trong phiên họp thưởng đỉnh tại Bruxelles (Bỉ) tuần tới, hãy ủng hộ việc Liên hiệp Châu Âu đưa ra những đòi hỏi nghiêm ngặt nhất trong bảo vệ khí hậu, “cho một tương lai lành mạnh hơn”. Không những phải giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Greenpeace còn muốn từ nay đến năm 2020, tỉ lệ loại năng lượng mới (”năng lượng xanh”) được đưa vào sử dụng phải đạt mức 20%.

Ông Persányi Miklós (SZDSZ), bộ trưởng Bộ Bảo vệ môi trường, trên đường đi Balaton, cũng dừng lại để “chiêm ngưỡng” hành động phản đối này. Vị bộ trưởng không trả lời phỏng vấn báo chí, nhưng ông đưa ra một thông cáo với nội dung như sau: Liên đoàn Dân chủ Tự do SZDSZ vui mừng chấp nhậnh mọui hình thức đấu tranh để bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự thay đổi khí hậu, nhưng thực ra SZDSZ đã thực hiện những chương trình để đối phó với sự thay đổi khí hậu từ năm 2002. Như vậy, theo ông, “cuộc chiến” lần này của Greenpeace đã chậm trễ nhiều năm!

Tác giả bài viết: H.Linh tổng hợp, theo [index]