Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỚI TRẺ HUNGARY KỊCH LIỆT PHẢN ĐỐI CHÍNH QUYỀN

(NCTG) Hàng chục thanh niên đã vượt qua hàng rào ngăn cách Nhà Quốc hội Hungary với phía bên ngoài (ở đây, dãy chậu hoa đóng vai trò “rào cản”) và chạy lên những bậc thềm của tòa nhà, rồi căng một tấm băng-rôn ghi hàng chữ “Hiến pháp!”.

Biểu tình chống chính quyền bên thềm tòa nhà Quốc hội - Ảnh: Kettős Mérce


Bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ và tịch thu tấm băng-rôn này, họ rút ra một tấm khác mang hàng chữ “Dân chủ!”. Một lúc sau, chừng năm mươi cảnh sát đã có mặt tại hiện trường nhưng trong một thời gian dài họ cũng không tiến hành biện pháp xử lý gì: nhóm thanh niên được tự do đứng trên bậc thềm Nhà Quốc hội trong bão tuyết vần vũ.

Sau đó khoảng 40 phút sau, tốp cảnh sát mới “ra tay” và đưa từng người biểu tình ra khỏi nơi cấm người lạ được vào. Tuy nhiên, theo nguồn tin có mặt tại hiện trường, nhóm biểu tình không bị bắt giữ, mà được tự do ra về sau khi đã bị “bưng” khỏi khu vực trước tòa Nhà Quốc hội.

Chuyện xảy  ra vào ngày 14-3, một ngày trước Quốc lễ 15-3 kỷ niệm cuộc cách mạng và đấu tranh cho tự do dân tộc năm 1848 của người Hungary. Trước đó ba ngày, Quốc hội nước này - với hơn hai phần ba số ghế thuộc phe cầm quyền - đã phê chuẩn sự tu chính lần thứ tư bản Hiến pháp mới, có hiệu lực từ đầu năm 2012.


Đòi dân chủ trong bão tuyết - Ảnh: Kettős Mérce

Trong lần tu chính này, phe chính phủ bị cho là đã thực hiện những toan tính chính trị nhất thời nhằm bê-tông hóa quyền lực của họ thông qua phương tiện Hiến pháp, mà họ có toàn quyền sửa đổi tùy thích - không cần đến sự đồng thuận của các chính đảng đối lập - do chiếm được tỉ lệ áp đảo trong Quốc hội.

Liên minh cầm quyền đã tìm cách đưa những đạo luật từng bị Tòa Bảo hiến (Tòa án Hiến pháp) hủy bỏ vì lý do vi hiến vào Hiến pháp, để “qua mặt” cơ quan này. Cạnh đó, thẩm quyền của Tòa Bảo hiến cũng bị thu hẹp lại một cách đáng kể, khi Tòa không có quyền dựa vào những quyết định đã ra trong hơn 20 năm qua như những tiền lệ.

Nhiều ý kiến cho rằng, động thái của Quốc hội Hungary đã làm vô hiệu hóa Tòa Bảo hiến, cơ quan bảo vệ Hiến pháp ở mức tối thượng, một định chế dân chủ đã hoạt động hết sức hiệu quả trong vòng hơn hai thập niên qua, kể từ khi Hung thay đổi thể chế chính trị.


“Hiến pháp không phải trò chơi” - Ảnh: index.hu

Một cựu yếu nhân của Tòa, ông Sólyom László, từng giữ cương vị Chánh án Tòa Bảo hiến thời gian 1990-2000, về sau là Tổng thống Cộng hòa Hungary nhiệm kỳ 2005-2010, cũng đã lên tiếng phê phán cung cách chuyên quyền, độc đoán của liên minh cầm quyền, đứng đầu là đảng cánh hữu FIDESZ.

Mặc dù những dư luận quan ngại - và cả những lời góp ý thẳng thắn - đến từ Liên hiệp Châu Âu và phương Tây, sự tu chính vẫn được thông qua hôm 11-3. Cuộc biểu tình mang tính “đột nhập” vào “khu cấm địa” hôm 14-3 để gây dư luận của nhóm thanh niên đã nhắc tới ở đầu bài, chính để nhằm phản đối quyết định đó.

Những cuộc biểu tình lớn đã cũng đã diễn ra hàng loạt tại Hungary, đặc biệt là ở thủ đô Budapest, trước và sau khi Hiến pháp mới bị sửa đổi. Ngày 7-3, sau khi đã chiếm trụ sở của đảng cầm quyền FIDESZ trong vòng 10 tiếng, vài trăm thanh niên mang băng-rôn, biểu ngữ “Hiến pháp không phải trò chơi” đã đi bộ và biểu tình ngồi trước trụ sở Tòa Bảo hiến.


Biểu tình ngồi chặn đường các nghị sĩ để phản đối tu chính Hiến pháp - Ảnh: index.hu

Nhiều người biểu tình “dọa” rằng sẽ gây áp lực liên tục và dồn dập, chừng nào Quốc hội Hungary không rút lại những điều khoản trong lần tu chính Hiến pháp thứ tư này... Đây được coi là hành động “thị uy” mở màn cho cuộc xuống đường lớn sau đó hai hôm nhằm bảo vệ Hiến pháp, tại đường Hiến pháp (Alkotmány út), đoạn trước Nhà Quốc hội Hungary.

Vào đúng ngày mà các dân biểu chuẩn bị bỏ phiếu cho lần tu chính thứ tư, cũng có chừng hai chục học sinh trung học đã nghỉ học - đa số còn không nói trước với phụ huynh về hành động của mình - để đứng chặn đường các nghị sĩ ở trước Nhà Quốc hội, đề nghị họ đừng biểu quyết phê chuẩn điều mà giới học sinh coi là hạn chế tính pháp quyền của nhà nước.

Một số khẩu hiệu đã được đưa ra như “Tổ quốc chỉ có ở nơi có pháp luật”, “Đừng phản bội nhà nước pháp quyền!”, “Đừng phản bội chính các vị thời trẻ!”. Sau khi không tuân thủ lệnh của cảnh sát là phải rời khỏi hiện trường, họ đã tiếp tục phản đối bằng cách biểu tình ngồi và sau đó, bị cảnh sát “bưng bê” từng người một đưa lên xe, chở về đồn.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp