Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỚI CHỨC Y TẾ HUNG ĐỀ NGHỊ “ĐỪNG ĐƯA TIN NHẠY CẢM”

(NCTG) “Đề nghị các nhân viên y tế đừng công bố những số liệu y tế nhạy cảm” là yêu cầu mà bà Müller Cecília, Giám đốc Y tế Quốc gia, thành viên Ban chỉ đạo Phòng chống Koronavirus đưa ra khi báo chí Hung đặt câu hỏi về một ca tử vong do Covid-19 gây ra tại Hung.
Bác sĩ Müller Cecília, nhân vật quen thuộc trong các họp báo của Ban chỉ đạo Phòng chống Coronavirus - Ảnh chụp màn hình
Đã từ lâu nay, lãnh đạo Hungary trong các cuộc họp báo và trên trang thông tin chính thức về đại dịch Covid-19 không hề cung cấp bất cứ thông tin gì về người bệnh, kể cả giới tính, tuổi tác hay nơi ở của họ, cho dù giới truyền thông nước này liên tục đặt câu hỏi.

Đó là điều đáng ngạc nhiên, vì trong mấy trường hợp đầu tiên, khi các ca lây nhiễm là người nước ngoài (công dân Iran), chính quyền đã cho “rò rỉ” khá nhiều thông tin về bệnh nhân. Và do đó, báo chí có thể làm tốt và chuẩn hơn vai trò đưa tin của mình cho công luận.

Bảo mật dữ liệu cho người bệnh, tôn trọng những thông tin liên quan đến đời tư của họ, là điều cần làm. Tuy nhiên, giấu biệt mọi dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về nơi ở của bệnh nhân, theo nhiều người là điều không tốt, vì nó hạn chế quyền được biết của người dân.

Dân biểu Quốc hội độc lập Hadházy Ákos còn đi xa hơn một bước khi trong một video mà chia sẻ trên mạng xã hội Facebook, ông cho rằng việc giấu giếm khu vực nơi bệnh nhân sinh sống chứng tỏ những dữ liệu về Coronavirus của chính quyền Hung là giả mạo.

Bản thân Hadházy Ákos, trên cương vị một ĐBQH, cũng tìm mọi cách để tìm hiểu về những ca lây nhiễm Covid-19, ông đã gửi nhiều thư cho các bệnh viện và trường đại học, nơi khả năng có những ca lây nhiễm mà chính quyền nhất định không công bố dù được chất vấn.

Là một dân biểu, theo Đạo luật về Quốc hội, Hadházy Ákos có quyền yêu cầu các cơ sở nhà nước phải đáp ứng được yêu cầu cung cấp thông tin cho người đại diện của dân, và trên nguyên tắc các cơ quan nhà nước được hỏi phải phục vụ và ủng hộ công việc của ĐBQH.

Trả lời nhật báo “Dân tộc Hung” (Magyar Nemzet), bà Müller Cecília đáp rằng những số liệu tổng hợp tại Hungary được đăng tải trên trang chính thức và được Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia (NNK) kiểm chứng, ngoài ra, “việc cung cấp các số liệu khác là không cần thiết”.

Thậm chí, có lúc nó còn là có hại, vì một phần nó dựa trên những số liệu không xác thực”, người đứng đầu NNK nói thêm. Cho dù, tại đa số các nước trên thế giới, việc công khai hóa giới tính, tuổi tác và nơi ở của các bệnh nhân và các ca tử vong là bình thường, để dễ bề kiểm soát.

Nhiều dịp bị báo chí hỏi trong các cuộc họp báo (mà thời gian gần đây không còn gì thú vị), nhưng bà Müller Cecília chỉ lặp lại một câu trả lời... như máy, rằng việc công bố khu vực sinh sống của những người nhiễm bệnh là không có ý nghĩa gì cả, chỉ cần biết là tại tất cả các tỉnh ở Hungary đã có sự hiện diện của Coronavirus!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh