Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỚI BÁC SĨ VẠCH RA NHIỀU NHỨC NHỐI TRONG Y TẾ HUNGARY

(NCTG) Chỉ trong vòng hai ngày, đã có hơn 700 người gia nhập nhóm “1001 bác sĩ phản đối tiền biếu” hoạt động trên mạng xã hội Facebook, khiến phong trào này trở thành tiếng nói mạnh mẽ nhất của giới bác sĩ trong việc vạch ra vấn nạn y tế tại Hungary.
Y tế Hungary - vốn là thế mạnh của nước này - hiện đang gặp rất nhiều khó khăn - Ảnh: Koszticsák Szilárd (MTI)
Thành lập từ tháng 3 năm nay, thành viên của nhóm nói trên là các bác sĩ không nhận “phong bì” của bệnh nhân. Nhóm chính thức hiện diện trên các phường tiện truyền thông đại chúng Hungary khi hôm 21-12, họ gửi một thư ngỏ cho Quốc vụ khanh Bộ Y tế Ónodi-Szűcs Zoltán, và tất cả những ai có liên quan tới vấn đề y tế.

Lá thư đăng tải trên mạng index.hu được 64 bác sĩ ký, và đã gây nên một cơn địa chấn nho nhỏ: trong vòng hai ngày, đã có hơn 250 bác sĩ ký ủng hộ. Trước nay, những vấn đề của nền y tế Hungary chưa bao giờ được người trong ngành vạch ra một cách quyết liệt như vậy, ngoại trừ một vài bác sĩ về hưu, và đôi ba cá nhân.

Được biết, để tỏ rõ thái độ nghiêm túc và quyết tâm, các bác sĩ đã viết rõ tên, chuyên môn và số hiệu của mình trong thư ngỏ, cho thấy họ không thể tiếp tục im lặng trước ba vấn đề được coi là cốt tử của nền y tế Hungary, mà xung quanh nó, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều bê bối không được chính quyền giải quyết và xử lý:

- Tiền biếu của bệnh nhân (hálapénz), một đề tài cấm kỵ ngay cả trong giới bác sĩ. Theo những người ký tên vào thư ngỏ, trái với tên gọi - khoản tiền để tri ân - khoản tiền biếu này không hề có liên quan gì đến sự tri ân, mà thực ra là một sự tham nhũng chung giữa bác sĩ và bệnh nhân, không làm tăng chất lượng điều trị cho người bệnh.

Đồng thời, nó làm hủy hoại niềm tin giữa đôi bên, khiến lớp trẻ không có khả năng được đào tạo và cả bác sĩ lẫn người bệnh đều phải hổ thẹn.
 
Một số phòng, khoa tại các bệnh viện ở TP. Szeged đã cho treo biển tại các phòng bệnh, tuyên bố không nhận “phong bì” và nếu bệnh nhân nào muốn thể hiện sự hài lòng với các nhân viên y tế, có thể cảm ơn bằng lời hoặc qua thư từ
Một số phòng, khoa tại các bệnh viện ở TP. Szeged đã cho treo biển tại các phòng bệnh, tuyên bố không nhận “phong bì” và nếu bệnh nhân nào muốn thể hiện sự hài lòng với các nhân viên y tế, có thể cảm ơn bằng lời hoặc qua thư từ

- Tiền lương của người làm trong ngành Y tế. Có những bác sĩ có tay nghề, giàu kinh nghiệm với thâm niên công tác mà lương cầm tay tính theo giờ chưa được 1.000 Ft. Một điều có tầm quan trọng không kém mà ít được nhắc tới là giới hộ lý, y tá còn trong cảnh cùng quẫn hơn, cho dù họ là những cột trụ của nền y tế, như lá thư khẳng định.

- Cuối cùng là điều kiện làm việc ngày một tồi tệ, cơ sở vật chất nghèo nàn, điều kiện ăn uống, dinh dưỡng trong viện kém cỏi. Đó là chưa nói tới việc Hungary đang rất thiếu bác sĩ và y tá, về các thiết bị y tế tối tân (như chụp cắt lớp vi tính CT và chụp cộng hưởng từ MR) thì thua xa các nước láng giềng như Slovakia và Cộng hòa Czech.

Bộ Y tế Hungary, sau khi nhận được thư ngỏ, đã có hồi âm nhấn mạnh rằng chính quyền đã làm tất cả để tăng lương cho nhân viên ngành Y tế, cũng như cải thiện điều kiện làm việc. Tuy nhiên, nhóm “1001 bác sĩ phản đối tiền biếu” cho rằng không một thành viên nào của nhóm đồng tình với hồi âm đó, và Bộ cần có câu trả lời thuyết phục hơn.

Lá thư của hơn ba trăm bác sĩ đã được nhiều tổ chức chuyên môn trong ngành Y tế Hungary hưởng ứng. Hiệp hội các Bác sĩ Hungary cho rằng, hiện trạng nền y tế Hung tệ đến mức đã là sự rủi ro cho an ninh quốc gia. Thông qua Hiệp hội, các bác sĩ đòi được tăng lương ở mức đáng kể, đồng thời chấm dứt thói quen “phong bì bác sĩ”.

Một tổ chức khác thì nhắc lại chiến dịch cách đây ba năm của họ mang tên “Nhận tri ân từ bệnh nhân, tiền từ Nhà nước”, và công bố kết quả một nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ chiến dịch đó: 19% các bác sĩ được hỏi hoàn toàn lên án tệ “phong bì”, 70% phản đối nhưng cho rằng ở hoàn cảnh hiện tại thì vẫn cần thiết.

Nghiên cứu trên kết luận rằng, đa số giới bác sĩ và cư dân Hung đều nghĩ rằng bên cạnh việc tăng thu nhập của người lao động trong ngành Y tế ở mức chấp nhận được, cần trừng phạt cả người đưa lẫn người nhận “phong bì”.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu