Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Dưới mắt một ký giả Hungary: TẾT HÀ NỘI NHỮNG NGÀY XƯA

(NCTG) "Giao thừa. Tiếng pháo vang rền liên tục như một tấm thảm âm thanh. Người đi đón xuân ẩn trong làn khói pháo cay mắt mịt mùng. Những tràng pháo hoa màu sắc nở rộ trên Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội. Một cảnh tượng không thể nào quên: bóng đền Ngọc Sơn dưới làn nước hồ hòa quyện với những tia pháo hoa dần tan trên mặt nước".

Tết Hà Nội 1984 - Ảnh: Dunai Péter (Hungary)

Lời giới thiệu: 1986, một năm được coi là bản lề, đã đi vào lịch sử hiện đại Việt Nam như năm của "Đổi mới", có lẽ cũng là một trong những năm cuối cùng của thời kỳ "bao cấp" mà tới nay, vẫn được chúng ta nhớ lại như thời kỳ "áo chăn chưa ấm thân mình" (*) của thời hậu chiến ở Việt Nam.

Tròn 20 năm trước, một nhà báo Hungary, ông Dunai Péter, khi đó là phóng viên của "Tự do Nhân dân" (Népszabadság - nhật báo lớn nhất của Hung), đồng thời cũng là ký giả của Hãng Thông tấn Hungary MTI, đã có 3 năm làm việc ở Việt Nam. Theo lời ông, Việt Nam đã trở thành một cuộc phiêu lưu lớn của đời ông.

Và, trong cuốn sách "Một trăm ngàn cây số tại Việt Nam" (Százezer kilométer Vietnamban) được Nhà xuất bản Kossuth ấn hành ngay sau khi tác giả về nước, Dunai Péter đã kết thúc những dòng về cái Tết cuối cùng của ông tại đất Việt một cách cảm động: "Dù thoáng chút buồn bã, nhưng thời hạn của người ghi chép đã kết thúc. Tôi phải giã từ Việt Nam!"

 

Trích đoạn sau đây của cuốn sách cho chúng ta hồi tưởng và ôn lại về Tết Hà Nội những ngày xa xưa, dưới con mắt một ký giả ngoại quốc (ND).

 

*

Vào Tết Nguyên đán, ngày lễ hội lớn nhất của người Việt, nhà nước đã có cố gắng hơn so với các năm trước. Các hợp tác xã (thuộc sở hữu nhà nước) cũng bán hoa đào, mặc dù những người thực am hiểu về đào làm thành một "giai tầng" riêng. Các cụ già hiểu rõ phải "hãm" thế nào để những cành đào (có thể cao tới mét rưỡi) nở rộ đúng vào dịp Tết, và độ lớn của chúng cũng phù hợp.

Hoa đào có vai trò như cây thông Noel của người Hung chúng ta: gia đình Việt Nam nào cũng phải mua một cây, đặt vào chỗ trang trọng nhất trong gia đình, thường là dưới bàn thờ tổ tiên và những người đã khuất. Giá của đào cũng không rẻ: người ngoại quốc như chúng tôi bị "nói thách" với giá 150-200 đồng, nhưng với người Việt họ cũng không hạ giá hơn là mấy!

Hà Nội. Trời chiều nắng đẹp, 26 độ, bầu không khí rất dễ chịu. Không hề giống những ngày đông - đôi khi lạnh giá - của mùa Giáng sinh ở Hung. Chúng tôi hòa vào đoàn người vui vẻ, tươi tắn, nhiều khi bị họ cuốn theo. Những cửa hiệu, quầy hàng được dụng lên tức thời, bán tranh Tết cổ (Đông Hồ) có hình chú lợn màu tím mang lại may mắn, hoặc hình gà qué, trẻ sinh đôi hay cá vượt Vũ Môn... Ngoài ra, còn những bức họa trên dải lụa dài, có chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh và tổng bí thư Lê Duẩn hoặc những câu đối Tết.

Câu đối được in thành đôi trên những dải giấy dài màu đỏ, đa phần được viết bằng tiếng Việt, nhưng vẫn có thể thấy câu đối bằng chữ Hán hay Nôm. Điểm đặc biệt phản ánh tinh thần vui nhộn, tếu táo truyền thống của ngày Tết Việt Nam, là những từ ngữ ấy, cách viết ấy lại nối đuôi nhau, cái nọ sau cái kia. Như thế, chúng ta nhận được những câu văn có liên quan đến nhau, nhưng bản thân từng câu cũng đã có nghĩa. Chúng tôi được thấy, không chỉ những câu đối cổ truyền thống, mà cả những câu mới liên quan đến "lối sống XHCN", đến quá trình "xây dựng nền kinh tế XHCN", cổ vũ những nét tích cực và bài trừ những tiêu cực.

Một gia đình Việt Nam, dù nghèo khó thế nào, ngày Tết cũng phải có thịt, thuốc lá, bánh chưng (món ăn đặc thù ngày Tết của người Việt, gồm thịt lợn, đỗ, gạo...) để đón chờ thân nhân và khách khứa sẽ đến "xông nhà" vào những giờ khắc đầu tiên sau Giao thừa. Thông thường bạn bè, thân hữu đã thỏa thuận với nhau về thời điểm đến thăm nhau.

Những tập tục mê tín cổ xưa vẫn còn tồn tại. Chẳng hạn, một nguyên tắc không thể vi phạm là phụ nữ, nhất là phụ nữ mang thai, không được là người "xông nhà" vì khi đó, may mắn của gia đình trong cả năm sẽ mất. Giống như ở Hungary, tại Việt Nam, ngày đầu năm cũng đóng vai trò rất quan trọng vì ngày này sẽ quyết định cả năm. Gà, lợn bị làm thịt trong những giờ khắc cuối năm để đến ngày cuối năm khỏi phải sát sinh, theo truyền thống của Phật Giáo.

Khi trời vừa tối, những phố phường quanh Hồ Gươm - lúc khác không mấy khi có điện - như tắm mình trong ánh sáng điện của những chùm đèn treo trên cây. Dòng người tràn ngập xe buýt, lũ lượt về thủ đô trảy hội. Hàng chục, thậm chí mấy chục người, bám vào thành xe. Nhiều người trả cho phe vé, cho giới tài-xế xe buýt khoản tiền bằng hàng chục lần giá vé chính thức, chỉ để về được Hà Nội.

Giao thông còn lộn xộn hơn lúc bình thường. Chỉ độc một nguyên tắc duy nhất được tuân thủ: nhìn trước nhìn sau. Lái chiếc Toyota, tôi rẽ trái, đèn đã nháy, mũi xe đã lọt phân nửa vào khu phố nhỏ, đúng vào lúc từ phía trái, một chiếc xe máy Honda vượt chúng tôi với vận tốc như vũ bão. Năm người ngồi trên xe! Bố, mẹ, giữa là hai đứa trẻ và ngồi cuối cùng là người ông.

Bầu không khí ngày một nhộn nhịp, giới trẻ tươi tỉnh tràn ngập đường phố. Họ hát hò, bá vai bá cổ nhau, nhảy múa, bây giờ không ai kiểm tra việc tuân thủ chỉ thị cấm nhảy của chính quyền. Đa số khách bộ hành đều ăn vận tươm tất. Đàn ông Âu phục hợp mốt, phụ nữ thì thay vì loại quần đồng phục thường nhật màu đen, hôm nay mặc áo dài, bộ trang phục truyền thống. So với năm ngoái, năm nay tôi được thấy thêm nhiều cô gái trẻ đánh phấn, kẻ mắt và tô son môi...

Giao thừa. Tiếng pháo vang rền liên tục như một tấm thảm âm thanh. Người đi đón xuân ẩn trong làn khói pháo cay mắt mịt mùng. Những tràng pháo hoa màu sắc nở rộ trên Hồ Gươm, trái tim của Hà Nội. Một cảnh tượng không thể nào quên: bóng đền Ngọc Sơn dưới làn nước hồ hòa quyện với những tia pháo hoa dần tan trên mặt nước. Đồng hồ của Bưu điện Trung tâm đổ chuông. Người dân Hà Nội cùng 60 triệu cư dân trên mọi miền đất nước Việt Nam đón mừng năm mới với những hi vọng mới...

(*) Ý trong ca khúc "Nhớ về Hà Nội" (nhạc sĩ Hoàng Hiệp).

Tác giả bài viết: Trần Lê giới thiệu và dịch từ nguyên bản tiếng Hung