Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“Dịch” đạo văn tại Hungary : ĐẾN LƯỢT CỰU THỦ TƯỚNG CÁNH TẢ BỊ NHIỄM

Cuối tháng 4 vừa qua, các phương tiện truyền thông Hungary một lần nữa lại rộ lên nghi án đạo văn đối với cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, hiện nay đứng đầu tập hợp Liên minh Dân chủ và vẫn là một lãnh tụ đối lập sáng giá tại Hungary, được coi là đối thủ khả dĩ duy nhất của Thủ tướng Orbán Viktor.

Cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc bác bỏ nghi án đạo văn trong buổi lễ hôm Quốc tế Lao động 1-5 - Ảnh: iBarakonyi (index.hu)

Điều đáng chú ý là những thông tin được đưa ra hết sức dồn dập trong vụ này cho thấy, kể từ khi Tổng thống Schmitt Pál phải từ chức vì cáo buộc đạo văn, dường như Hungary đã có một phản ứng dây chuyền, đẩy đạo văn thành một cái cớ để triệt hạ các đối thủ chính trị.

Từ một luận văn bị thất lạc…

Câu chuyện bắt đầu ngay từ những ngày, những giờ cuối cùng trước khi Tổng thống Schmitt Pál từ chức, khi báo giới đã đặt giả thiết sẽ có hàng loạt vụ việc tương tự được phanh phui trong chính giới Hungary và chắc chắn liên minh cầm quyền sẽ đứng sau những động thái này như một hình thức “trả thù”.

Chỉ 6 giờ sau khi ông Schmitt Pál từ chức, viện dẫn ý kiến của một độc giả, một tờ báo của TP Pécs (miền Nam nước Hung) đã đặt câu hỏi phải chăng cựu Thủ tướng Gyurcsány Ferenc đã không làm luận văn tốt nghiệp khi ông theo học ở thành phố này vào thập niên 80 thế kỷ trước.

Cần biết, trong thời gian đó, ông Gyurcsány giữ cương vị Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản tại trường và theo thông lệ đương thời, những nhân vật như vậy rất được ưu tiên trong học hành, thi cử. Nghi vấn nói trên được lan truyền trên mạng và lập tức được báo chí nhập cuộc.

Tập hợp Liên minh Dân chủ mà ông Gyurcsány là yếu nhân sáng lập xác nhận rằng quả thực ông Gyurcsány Ferenc đã làm luận văn về nghề trồng nho, làm rượu vùng Balaton tại Khoa Cao đẳng Sư phạm năm 1984. Sau đó, ông tiếp tục luận văn về hoạt động của các doanh nghiệp và thị trường chứng khoán tại Khoa Kinh tế Ðại học Tổng hợp Pécs năm 1990.

Ðể chứng tỏ thực sự đã theo học và bảo vệ luận văn tốt nghiệp, ông Gyurcsány cũng đã công bố trên mạng xã hội Facebook bản sao học bạ của ông, có những thông tin về kỳ thi tốt nghiệp. Cựu thủ tướng cũng cho biết trên nguyên tắc, ông còn giữ những luận văn này, nhưng từ 20 năm nay ông đã chuyển nhà 6 lần và trong số vài ngàn cuốn sách thuộc tủ sách cá nhân, còn nhiều cuốn ông vẫn để trong thùng, chưa dỡ ra.

Trung tuần tháng 4, Ðại học Tổng hợp TP Pécs cho biết cả hai luận án của ông Gyurcsány không còn được lưu trong thư viện của khoa - trong đó, luận án năm 1990 thì đã bị thải năm 1996, nhưng mọi dữ liệu về nó thì vẫn được lưu trữ, còn luận án năm 1984 thì đã không cánh mà bay.

Sau đó vài ngày, cựu thủ tướng cũng tuyên bố, mặc dù đã bỏ công tìm kiếm nhưng ông không tìm ra hai bản luận án trong tủ sách cá nhân tại gia. Tuy nhiên, với thông báo của nhà trường, ông Gyurcsány cho rằng cáo buộc về việc ông không làm bằng đã bị bác bỏ.

… Đến sự trùng lặp khó hiểu trong đề tài

Sự việc tưởng đã chìm xuống cho đến cuối tháng 4, khi Kênh truyền hình HírTV liên tiếp đưa ra những thông tin cho thấy, bản luận án đầu về trồng nho, làm rượu của cựu thủ tướng dường như giống hệt luận án trước đó 4 năm của Rozs Szabolcs, anh vợ ông, người học cùng trường ông.

Ông Rozs Szabolcs, vào năm 1980, cũng cũng tốt nghiệp với bản luận án có tiêu đề và đề tài giống hệt như vị cựu thủ tướng tại trường Cao đẳng Sư phạm TP Pécs. Trả lời phỏng vấn báo chí, người anh vợ cho biết, kết quả tốt nghiệp là do những tìm hiểu, nghiên cứu riêng của ông và ông không biết cựu thủ tướng cũng chọn đề tài này, vì sự quan tâm của hai người khác nhau.

Tuy nhiên, ông Rozs Szabolcs cũng cho hay, vì ông và cựu thủ tướng có quan hệ thân thích, nên rất có thể cựu thủ tướng đã đọc được bản luận án của ông tại nhà ông, có điều ông không được biết về điều này. Ông Rozs Szabolcs cũng vẫn còn giữ bản nháp luận án tại giá sách của mình từ hơn ba mươi năm nay và khách khứa nếu muốn có thể xem bất cứ lúc nào.

Cảm thấy đây là một đề tài “nóng”, truyền thông Hungary đã lập tức nhập cuộc và họ phanh phui ra rằng, mặc dù không tìm thấy bản luận án của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, nhưng căn cứ các ý kiến phản biện, các thiếu sót, sai lầm trong bản luận án đó đều trùng hợp (kể cả về số trang) với bản luận án của người anh vợ.

Qua so sánh, các ký giả còn rút ra kết luận rằng luận án của cựu thủ tướng chỉ đề cập tới trồng nho chứ không nói tới làm rượu, mặc dù cả hai đề tài đều được nhắc tới trong tiêu đề. Trái lại, luận văn của người anh vợ ông thì rất đầy đủ, và có nghiên cứu cả về hai đề tài nói trên.

Phản ứng mâu thuẫn của vị cựu thủ tướng

Cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, hiện là Chủ tịch Liên minh Dân chủ (DK) đã có những tuyên bố mâu thuẫn khi bị truyền thông liên tục chất vấn.

Thoạt đầu, trả lời phỏng vấn Kênh truyền hình HírTv, ông Gyurcsány cho hay mặc dù học cùng trường nhưng ông không hề biết người anh vợ học khoa gì và viết luận án đề tài gì. Tuy nhiên, khi phóng viên nói rằng người anh vợ cũng tốt nghiệp với đề tài giống hệt ông, vị cựu thủ tướng thừ nhận một cách nước đôi: nếu vậy, hẳn là ông đã đọc bản luận án và nếu đã đọc, “rất có khả năng” là ông đã sử dụng từ đó.

Vài ngày sau, nhân dịp Quốc tế Lao động, vị cựu thủ tướng đã xuất hiện như một người bị xúc phạm. Trong phát biểu, ông cho rằng các địch thủ chính trị muốn sát hại ông với cáo buộc đạo văn. “Từ phút đầu tiên, họ đã muốn loại tôi khỏi chính trị, chính xác hơn là sát hại tôi về chính trị. Cho đến nay họ chưa làm được điều này, và cũng sẽ không làm được”, ông Gyurcsány khẳng định.

Không trả lời vào nội dung những cáo buộc, cựu thủ tướng cho hay ông có lý và ông sẽ chiến đấu để chứng tỏ cái lý đó. Trong bài viết trên mạng xã hội Facebook, ông Gyurcsány tuyên bố ông đệ đơn đề nghị cảnh sát điều tra về việc tại sao bản luận văn của ông biến khỏi thư viện trường. Ông cũng cho rằng loạt bài trên Kênh truyền hình HírTv là mang tính dối trá, nhằm để hạ bệ ông, và ông sẽ kiện tất cả những ai khẳng định rằng ông đạo văn.

Trước mắt, Liên minh Dân chủ của cựu thủ tướng đã đề nghị Cơ quan Quản lý Truyền thông và Thông tin Quốc gia Hungary phải xử lý Kênh truyền hình HírTv vì họ đã giả mạo tin tức và công kích ông Gyurcsány Ferenc một cách không đúng sự thật, khi loan tin cựu thủ tướng đã không tham dự kỳ thực tập, điều kiện tiên quyết để có được bằng tốt nghiệp.

Song song với những động thái này, Đại học Tổng hợp TP Pécs đã cho thành lập một ủy ban điều tra để tìm hiểu về việc lưu trữ những luận văn tốt nghiệp, và xác định lý do tại sao luận văn của cựu thủ tướng lại không cánh mà bay khỏi thư viện trường. Ủy ban cũng có nhiệm vụ làm sáng tỏ những nghi án đạo văn, và sẽ có 30 ngày để thực hiện nhiệm vụ được giao..

Hệ lụy của quá khứ

Nghi vấn đạo văn của cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc nổ ra ngay sau khi liên minh cầm quyền bị “mất mặt” vì Tổng thống Schmitt Pál - được coi là người của họ vì sẵn sàng ký thông qua bất cứ đạo luật nào họ họ đệ lên - đã phải ra đi vì đạo văn.

Đây cũng chính là lúc chính trường Hungary khủng hoảng vì nhiều cử tri đã mất đi sự tin tưởng từng đặt vào phe cầm quyền khiến họ chiếm tới hơn 2/3 ghế trong Quốc hội, nhưng phe đối lập thì chưa đưa ra được gương mặt nào thật sáng giá để ngõ hầu địch lại với Thủ tướng Orbán Viktor. Ông Gyurcsány Ferenc vốn có thể là một người như thế, nếu không bị quá nhiều bê bối chính trị, mà nghi án đạo văn lần này có thể coi là một đòn lớn.

Tuy nhiên, câu chuyện của vị cựu thủ tướng Hungary - cũng như của Tổng thống Schmitt Pál vừa phải từ chức cách đây ít lâu - cho thấy một hệ lụy có nguồn gốc sâu xa từ thời cộng sản. Ấy là, không ít quan chức và những người có thể lực tại các nước trong phe XHCN (cũ) ở Ðông Âu đã có được bằng cấp không nhất thiết do thực lực của họ, mà bởi sự biệt đãi đến từ chính quyền.

Nhiều khi, chỉ cần bởi áp lực, chỉ thị, hoặc một cú điện thoại từ “trên”, là đủ để một nhân vật quan trọng nào đó có được bằng đại học, hoặc cao hơn thế nữa. Luận văn, luận án do người khác làm hộ theo “đơn đặt hàng” cũng không phải là điều quá hiếm hoi.

Những vụ đạo văn bị phanh phui - hay ngay cả những nghi án đạo văn chưa được chứng thực - nhiều khi, đủ để làm tiêu tan sự nghiệp chính trị của giới chính khách. Một số ví dụ tại Đông Âu thời gian qua cho thấy, những bằng cấp, học vị có được một cách bất xứng trong quá khứ có thể gây nhiều phiễu cho không ít quan chức thuộc hệ thống quyền lực hiện tại.

Như thế, hệ lụy về bằng cấp, một mặt cần được trực diện để trong sạch hóa những vấn đề của quá khứ, cũng như trong sạch hóa nền khoa học, giáo dục, nhưng cũng dễ dàng trở thành con bài hữu hiệu để triệt hạ các đối thủ chính trị trong cuộc chơi nhiều khi không lành mạnh tại chính trường Đông Âu ngày nay.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest