Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐỒNG HỒ CÁT VÀ THỜI KỲ MỚI

(NCTG) “Quả thực, nước Hung và người Hung đã bước vào Thời kỳ mới này sau một quá trình chuẩn bị kiên trì và dai dẳng. Còn chúng ta, những người Việt sống trên đất nước này, đã chuẩn bị cho kỷ nguyên mới này ra sao?”.

Đồng hồ cát trong quá trình xây dựng, chuẩn bị cho vận hành

Từ ngày 1-5 tới, nước Hung bước vào một thời kỳ mới: trở thành thành viên chính thức của Liên hiệp Châu Âu.

Những giây phút của thời kỳ này sẽ được biểu hiện bằng Bánh xe Thời gian (Időkerék), một chiếc Đồng hồ cát lớn nhất thế giới, được đích thân thủ tướng Hung, ông Medgyessy Péter khởi động đúng lúc nửa đêm thứ Sáu 30-4. Bánh xe Thời gian được xây dựng trên khu đất nằm ở phía sau Bảo tàng Mỹ thuật, ngay cạnh Quảng trường Những người Anh hùng (Hösök tere) ở thủ đô Budapest.
 
Đồng hồ cát lớn nhất thế giới

Bánh xe Thời gian là một chiếc Đồng hồ cát có đường kính 8m, chiều dầy 2,5m và nặng 60 tấn. Lớp ngoài được bao che bằng các phiến đá granto màu đỏ sẫm. Bên trong có hai cái phễu thủy tinh khổng lồ đặt nằm đối diện nhau. Trong phễu đựng 4,5m3 khối cát. Đây không phải là thứ cát tự nhiên, mà là cát đã được tinh chế với công nghệ đặc biệt: cát tinh thể có dạng hình cầu, khối lượng hoàn toàn đồng đều, đã luyện trong môi trường cao áp, tinh mịn, không chứa phân tử nước.

Trong một giây, 137 mm3 (ly khối) các tinh thể cát này chảy từ phễu này sang phễu kia. Một máy tính có phần mềm đặc biệt đảm bảo điều khiển chính xác dòng chảy của các hạt cát này phù hợp theo niên lịch (số ngày thay đổi theo tháng, năm nhuận...) Trong Bánh xe cũng có gắn một webcamera (ống kính mạng) hiện đại, có nhiệm vụ ghi và truyền lên mạng những hình ảnh của khách thăm quan liên tục trong năm. Từ ngày 1-5, bạn có thể đến thăm quan trực tiếp Bánh xe Thời gian tại “hiện trường”, hay trên địa chỉ trực tuyến www.idokerek.hu

Vào thời điểm cuối cùng hàng năm, bánh xe sẽ được quay một nửa vòng khi khối cát đã chảy (gần) hết từ phễu trên xuống phễu dưới. Và cứ như vậy, những hạt cát nhỏ li ti lại cần mẫn chuyển đng năm này qua năm khác, vẽ lên những phút giây (thời gian) trôi đi liên tục theo vòng luân hồi.

Theo các tác giả của Bánh xe Thời gian thì Đồng hồ cát này không nhằm mục đích đo (chính xác) thời gian trong thời đại điện tử ngày nay. Ở đây, Đồng hồ cát chỉ là một tác phẩm nghệ thuật, mang tính biểu tượng, để chúng ta có thể nhận biết sự liên tục của dòng chảy thời gian theo các ý nghĩa vật lý, triết học, nghệ thuật... của nó. Vào thời khắc cuối năm, người ta sẽ dùng sức cơ bắp (các ròng rọc và tay quay), chứ không dùng máy móc tự động điều khiển để quay nửa vòng bánh xe khổng lồ này. Bằng cách đó, các tác giả cũng muốn gợi lại để cho các thế hệ hậu sinh thấy nỗi nhọc nhằn và sự sáng tạo của loài người trong suốt các thời đại đã trôi qua.

Cùng với nhiệm vụ vận hành, bảo dưỡng Bánh xe Thời gian, Quỹ Văn hóa Khronosz (thành lập năm 1997) sẽ tổ chức các hoạt động nghệ thuật (triển lãm, sáng tác, biểu diễn, khảo cứu, hội thảo...) liên quan đến khái niệm thời gian, một khái niệm vật lý và triết học tuy rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày, song không dễ dàng khi phải giải thích một cách thật tường minh.

Thời kỳ mới

Bắt đầu từ thời khắc này, [đối với người Hung] vấn đề là làm những gì và làm thế nào để [nước Hung, dân tộc Hung] có được một vị thế xứng đáng trong cộng đồng các dân tộc Âu châu [EU]” - Thủ tướng Medgyesi Péter đã khẳng định như vậy. Những hạt cát đầu tiên đã lăn qua khe nối giữa hai cái phễu trong Bánh xe Thời gian, đánh dấu một Thời kỳ mới đã bắt đầu trên đất nước Hung, vừa kỷ niệm 1.100 năm lập quốc.

Hơn một trăm năm trước, vào thời những bức tượng đồng của Szent István (vị vua đầu tiên của nước Hung) và Những người Anh hùng được đúc ra và dựng lên sừng sững trên Quảng trường Anh hùng hoành tráng nhân kỷ niệm một ngàn năm lập quốc Hungary, quốc gia này còn được xếp hạng trong số các nước tiền tiến ở Châu Âu (và thế giới) về nhiều lĩnh vực công nghiệp, khoa học và văn hóa.

Đa số dân Hung sẽ hoan hỉ vui mừng, nhưng cũng không khỏi chút ngỡ ngàng, khi thức dậy vào sáng thứ Bảy này, thấy mình đã là “công dân Châu Âu”. Anh Bozsóki Imre, từ hơn một năm nay, đã suy tính về gợi ý của một người bạn khuyên anh nhận việc tại Đan Mạch, nơi lương bác sĩ “cao gấp 4-5 lần” và trang thiết bị bệnh viện thì (Hung) 15-20 năm sau “chưa chắc đã bằng”. Tuy đã đi thăm bạn hai lần, nhưng anh “chưa quyết định”. Mới đây gặp tôi, Imre bảo: anh cũng đã bắt đầu theo học thêm các lớp tiếng Đan Mạch, “không khó lắm” với vốn tiếng Đức và Anh đã khá “cao thủ” của anh.

Cũng mới đây, tôi đã bắt đầu thỉnh thoảng chợt băn khoăn về câu hỏi của Imre: “Sẽ tiếp tục như thế nào?”. Quả thực, nước Hung và người Hung đã bước vào Thời kỳ mới này sau một quá trình chuẩn bị kiên trì và dai dẳng. Còn chúng ta, những người Việt sống trên đất nước này, đã chuẩn bị cho kỷ nguyên mới này ra sao? Nên chăng, cộng đồng Việt Nam nên tổ chức những buổi hội thảo, học hỏi, chẳng những kinh nghiệm hội nhập của Hungary, mà còn của các nước Đông Âu trong vùng (khối Visegrád)?

Bởi lẽ, những kinh nghiệm ấy chẳng những vô cùng cần thiết đối với cộng đồng chúng ta, mà còn không thể thiếu được khi Việt Nam thực sự hòa nhập với thế giới trong một tương lai gần...

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Phạm Khuê