Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẶT CÂU HỎI KHÔNG VỪA Ý CHÍNH QUYỀN, BỊ BÊU RIẾU TRÊN TRUYỀN HÌNH

(NCTG) Một nữ ký giả Áo, do “dám” đặt vài câu hỏi có thể “trái chiều” với nhóm dân biểu Nghị viện Châu Âu (EP) của đảng cầm quyền Hungary FIDESZ, đã bị Đài Truyền hình Trung ương nước này làm cả một phóng sự bôi nhọ. Sự việc này đang gây phẫn nộ trong dư luận quốc tế và truyền thông độc lập Hungary.
Chương trình bôi nhọ mang tính “lịch sử” của Đài Truyền hình Quốc gia Hungary - Ảnh chụp màn hình
Trong chương trình “Thời sự” (Híradó) buổi tối của Kênh M1, cô Franziska Tschinderle - ký giả của tuần báo Áo “Profil” - bị bêu riếu vì đã “khiêu khích bằng những câu hỏi” đối với phái đoàn nghị sĩ FIDESZ trong EP. “Tội” của cô, là đã đặt 3 câu hỏi qua điện thư (email), liên quan tới cuộc gặp gỡ hôm 1-4 qua của các thủ lĩnh cánh hữu 3 nước Hungary, Ý và Ba Lan, các vị Orbán-Salvini-Morawiecki.

Một trong số 3 câu hỏi đó, là tại sao các thành viên “Mặt trận Quốc gia Pháp” (Front National) và Đảng Tự do Áo (FPÖ) không được nhận lời mời tới dự cuộc “hội ngộ cánh hữu” này. Kênh M1 nói rằng nữ ký giả đã đưa ra khẳng định thất thiệt về cuộc gặp gỡ, với “mục đích là để tấn công trước một Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo Châu Âu đang nổi lên mạnh mẽ”, viện dẫn các nhà phân tích ẩn danh.

Trong chương trình, tên và ảnh của nữ ký giả Áo được đưa lên. M1 cho hay, cô đã viết nhiều bài báo “phản biện” về Thủ tướng Orbán Viktor và chỉ sử dụng báo chí cánh tả Hungary làm nguồn tin, hoặc chỉ hỏi các nhà phân tích cánh tả. Phóng sự được biên soạn bởi Bende Balázs, kẻ từng được nhận học bổng Soros và năm ngoái, đã tuyên bố truyền thông nhà nước “không ủng hộ liên minh đối lập”.

Franziska Tschinderle bị coi là “nhà báo nghiệp dư”, và M1 cho rằng mục tiêu tiềm ẩn của cô là gán phong trào cánh hữu đang hình thành hiện tại với các lực lượng cực hữu Châu Âu. Trả lời mạng hvg.hu của Hungary, nữ ký giả cho hay: một đồng nghiệp của cô nói cho cô biết, cô đang bị truyền thông nhà nước Hungary “đấu tố”. Nhưng cô sẽ không từ bỏ những bài viết của mình về hiện trạng Hung.

Bất chấp việc bị các phương tiện truyền thông của chính quyền Hungary bôi nhọ, Franziska Tschinderle sẽ vẫn tiếp tục các phóng sự của cô về sự suy tàn của nền dân chủ tại Hungary. Bởi lẽ, “tất cả chuyện này không phải là về chúng tôi, cũng không phải về việc chúng tôi không nhận được hồi âm cho các câu hỏi đặt ra. Đây là về các đồng nghiệp chúng tôi ở Budapest và nói chung, ở Hungary.

Họ là những người phải đối mặt với điều này hàng ngày, hàng tuần. Họ xứng đáng được đoàn kết, và có thể đảm bảo rằng chúng tôi sẽ không ngừng đưa tin về sự suy giảm dân chủ tại nước láng giềng của chúng tôi
”, nữ ký giả phát biểu với hvg.hu. Khẳng định này cũng được cô đưa lên ngay tại mặt báo nơi cô làm việc, tờ “Profil”. Sự kiện này đã làm bùng nổ làn sóng bất bình rất lớn tại Cộng hòa Áo.
 
Cuộc họp lịch sử Orbán - Salvini - Morawiecki để “chiến đấu cho sự phục hưng của Châu Âu”, Budapest ngày 1/4/2021 - Ảnh: Facebook của Thủ tướng Orbán Viktor
Cuộc họp lịch sử Orbán - Salvini - Morawiecki để “chiến đấu cho sự phục hưng của Châu Âu”, Budapest ngày 1-4-2021 - Ảnh: Facebook của Thủ tướng Orbán Viktor

Christian Rainer, người xuất bản kiêm TBT tờ “Profil” đã dành riêng một xã luận cho chương trình của M1: “Đây là một cuộc tấn công chưa từng có tiền lệ, đúng hơn là mang tính điển hình, nhằm vào quyền tự do báo chí và một nhà báo”, ông viết trên mạng Twitter. “Chúng tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng cho ra một tuyên bố”. “Nội các Orbán nghĩ khác về tự do báo chí”, theo Truyền hình Quốc gia Áo ORF.

Ông Christian Rainer tuyên bố rằng tờ báo không lên kế hoạch tiến hành các thủ tục pháp lý với Kênh Truyền hình Quốc gia Hungary, nhưng ông mong đợi phản ứng từ các chính trị gia, thậm chí từ Brussels. Không phải đợi lâu, từ mọi đảng phái chính trị của Áo đến các tổ chức, cơ quan báo chí, tất cả đều bình luận về vụ việc theo hướng lên án chương trình “đấu tố” “lịch sử” kéo dài 3,5 phút của M1.

Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg - thành viên đảng cầm quyền ÖVP, phát biểu rằng đặt câu hỏi phản biện là nhiệm vụ cơ bản của giới truyền thông và điều này sẽ được Đại sứ Áo tại Hungary nhấn mạnh. Eva Blimlinger, Phát ngôn viên Đảng Xanh, cho rằng ở Hungary hầu như không còn tự do báo chí và thông tin, “sự chuyên cần của giới ký giả không còn là vấn đề ở tivi do Orbán điều hành”.

Theo bà Eva Blimlinger, chính quyền Hung “chỉ cần sự tuyên truyền”. Andreas Schieder, người đứng đầu phái đoàn EP của đảng đối lập - Đảng Dân chủ Xã hội (SPÖ) - gọi sự tấn công vào các nhà báo là điều không thể chấp nhận được, tự do báo chí phải được bảo vệ bằng mọi cách chống lại các thế lực độc tài. Về vấn đề này, Phát ngôn viên của nhóm nghị sĩ SPÖ - Jörg Leichtfried cũng lên tiếng.

Một số chính phủ cánh hữu và dân túy độc tài muốn hạn chế pháp quyền, tự do ngôn luận và tự do báo chí, và điều này là không thể chấp nhận được”, theo ông Jörg Leichtfried. Còn đảng NEOS (Nước Áo mới và Diễn đàn Tự do) theo khuynh hướng tự do thì cho rằng, điều mà “kênh truyền thông nhà nước của Viktor Orbán” gọi là một hành động khiêu khích, thì tại Áo đó chính là báo chí phản biện.

Vụ tấn công là một ví dụ về việc quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí liên tục bị phá bỏ ở Hungary, một quốc gia mà Chính phủ Áo, trên hết là Thủ tướng Kurz, đang ở rất gần và không có sự phê phán”, NEOS bày tỏ quan điểm. Chi nhánh tạo Áo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) thì gọi hành động của M1 (Hungary) là thái quá và không thể chấp nhận được, và yêu cầu một lời xin lỗi.
 
Nữ ký giả Áo Franziska Tschinderle - Ảnh: Facebook của nhân vật
Nữ ký giả Áo Franziska Tschinderle - Ảnh: Facebook của nhân vật

Rubina Möhring, Chủ tịch tổ chức báo chí này cho biết, “đây là một nỗ lực nhằm ngăn chặn và chế giễu báo chí phản biện, thông qua cánh tay nối dài của chính phủ Hungary”. Công đoàn Báo chí GPA cũng yêu cầu Đài Truyền hình Hungary phải xin lỗi: “Báo chí phê bình trong một đất nước hợp hiến không nên bị ngăn cản, hoặc thậm chí chế giễu. Đây là một cuộc tấn công mới vào tự do truyền thông”.

Theo Câu lạc bộ báo chí Concordia, sự thể hiện quan điểm kinh tởm như vậy chỉ có thể được vang lên trên truyền hình nhà nước bị lũng đoạn bởi chính quyền của Orbán Viktor. Và cuối cùng, Armin Wolf - tượng đài báo chí Áo, được coi là ký giả chính trị được chuẩn bị kỹ càng và đáng sợ nhất của Áo - viết rằng chính phủ của Thủ tướng Orbán Viktor không có mối quan hệ tốt đẹp với tự do báo chí.

Hội Nhà báo Hungary (MÚOSZ) cũng có bài viết mang tựa đề “Nhà báo đặt những câu hỏi khiêu khích - Phẫn nộ tại Áo với phóng sự của M1” tổng hợp diễn biến của sự việc. Mặc dù không nêu quan điểm, nhưng MÚOSZ dẫn ghi chép của Chủ tịch Hargitai Miklós trên mạng Facebook, trong đó ông nêu rõ những gì mà các phương tiện truyền thông công cộng phải làm, trên cơ sở Bộ luật Dịch vụ Công.

Nữ ký giả Franziska Tschinderle đã công bố 3 câu hỏi của cô, lý do khiến cô bị Truyền hình Quốc gia Hung bêu riếu trên 1 chương trình riêng, điều có lẽ chưa từng có trong hơn 3 thập niên qua của nền Đệ tam Cộng hòa Hungary:

1. Khi Orbán, Salvini và Morawiecki hợp lực ở Budapest và tuyên bố thành lập một liên minh mới khả dĩ, tại sao không có ai từ “Mặt trận Quốc gia Pháp” (Front National) hoặc Đảng Tự do Áo (FPÖ) tham dự cuộc họp lịch sử này?

2. Mục đích của liên minh là gì và lực lượng nào đang cân nhắc tham gia?

3. Việc thành lập một liên minh bài bác Liên Âu không phải là hiện tượng mới và đã có từ những năm 80 thế kỷ trước. Đã nhiều lần, liên minh như thế đã thất bại do bất đồng quan điểm về các vấn đề như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ hay các cuộc tấn công bài Do Thái. Hiện tại, làm sao để tránh được sự chia rẽ này?

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh