Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẠO LUẬT TRUYỀN THÔNG HUNGARY XEM THƯỜNG GIÁ TRỊ TỰ DO CỦA CHÂU ÂU

“Người Hungary có quyền tự hào vì năm 1956, họ đã chống cự lại chiến xa Xô-viết và năm 1989, đã hỗ trợ việc gỡ bỏ bức màn thép. Nhưng họ không thể tự hào về Đạo luật Truyền thông mới, được đi vào thực thi đúng vào lúc Hungary nhận vai trò Chủ tịch luân phiên Liên hiệp Châu Âu” - bài xã luận của BBT tờ “Thời báo New York” (New York Times), số ra ngày thứ Ba vừa qua, khẳng định.

Thủ tướng Orbán Vitor (phải) và Tổng thống Cộng hòa Schmitt Pál, người đã ký phê chuẩn khẩn cấp Đạo luật Truyền thông mới của Hungary trong vòng 5 ngày

Đây chỉ là một trong hằng hà sa số những phê phán đến từ nước ngoài về một đạo luật bị coi là phản dân chủ, đi ngược lại những quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở mức đáng ngạc nhiên nhất. Điều trớ trêu là đạo luật ấy lại dược ra đời ở một xứ sở có truyền thống yêu tự do, dân chủ, và đã có những nỗ lực vô cùng lớn trong thế kỷ 20 để đạt được tự do và dân chủ.

Xã luận của “Thời báo New York” cho rằng, đạo luật mà đảng của Thủ tướng Orbán Viktor - Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ - thông qua, “là một bước lùi đáng tiếc về hướng kiểm duyệt chính trị, điều mà Hungary đã phải chịu đựng dưới thời ngự trị của CNCS”. “Một đạo luật như thế không có chỗ đứng tại Châu Âu dân chủ”, bài xã luận nhấn mạnh.

Nhưng điều đau đớn nhất ở đây, như “Thời báo New York” cũng nhận ra, là sự thay đổi thay hướng xuống dốc của một cá nhân, một chính đảng, cách đây 21 năm, khi mới thành lập, đã có những công lao không thể phủ nhận trong việc đưa Hungary theo con đường dân chủ pháp quyền: “Cuối thập niên 90, Orbán được biết đến với hoạt động phản kháng chống lại sự đè nén của Xô-viết, và quyết tâm để Hungary trở thành một quốc gia độc lập - hai thập niên sau, ông và đảng của ông đã quên đi những lý tưởng một thời của mình”.

Ngài Orbán khiến chúng ta có cảm tưởng như ông là một lãnh tụ của khối Xô-viết một thời, khi ông bác bỏ và cự lại rằng “những lời phê phán đến từ Tây Âu, hoặc từ nơi xa hơn không làm chúng ta phải hoảng hốt” - “Thời báo New York” viết tiếp, rồi khẳng định:

Nhưng Hungary không chịu im lặng khuất phục. Sau khi Quốc hội nước này phê chuẩn Đạo luật Truyền thông mới vào tháng 12/2010, rất nhiều tờ báo đã phản đối với trang đầu trống rỗng. Do đó, họ đáng được nhận sự ủng hộ mạnh mẽ và kiên trì của quốc tế. Ông Orbán hẳn đã quên rằng lịch sử bi thương của Hungary đã dạy người dân: báo chí tự do với chức năng kiểm soát chính phủ không thể chấp nhận trạng thái này”.

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, vì sao Hungary - xứ sở đã hy sinh rất nhiều để tự giải phóng khỏi các chế độ độc đoàn, chỉ sau vỏn vẹn 20 năm lại ban hành một đạo luật hạn chế tự do như vậy? Tại sao đảng FIDESZ xuất phát từ tinh thần yêu chuộng tự do của một nhóm nhỏ thanh niên có học thức, đã góp phần mang lại dân chủ cho quê hương mình, nay lại đi theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa bảo thủ?

Giới phân tích tại Budapest cho rằng, đạo luật phản tự do báo chí của Hungary có quan hệ nhân quả với xu hướng cánh hữu bảo thủ - nếu không muốn nói là cực hữu - của thời trước Đệ nhị Thế chiến. Để nắm bắt được phần nào sự hình thành và phát triển của cánh hữu bảo thủ ở Hungary, cần điểm lại những mốc chính trong các giai đoạn phát triển của Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ, đảng cầm quyền ở Hungary hiện tại.
 
*

FIDESZ ra đời ngày 30-3-1988 với sự tham dự của 37 trí thức trẻ, được coi là lực lượng cấp tiến đương thời, trong đó có thủ lĩnh Orbán Viktor, hiện là thủ tướng Hungary.

Trong vòng 2 năm đầu, tức là từ khi thành lập tới lúc Hungary tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội tự do đầu tiên vào năm 1990, FIDESZ được biết đến như một lực lượng trẻ, theo xu hướng tự do, cấp tiến, đoạn tuyệt với những khuynh hướng chính trị khác thời cộng sản.

Chủ trương một nhà nước pháp quyền, một nền dân chủ nghị trường, một phong cách chính trị không thể mua chuộc và sự đa dạng trong văn hóa, ngay từ khi ra đời, FIDESZ đã có ảnh hưởng và được sự ưa chuộng của cư dân Hungary.

Trong các cuộc đàm phán Bàn tròn Dân tộc để thương lượng với chính quyền về giải pháp thay đổi thể chế chính trị tại Hungary, FIDESZ đã có 3 đại diện, trong đó có thủ lĩnh Orbán Viktor. Ngay trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên, đảng này đã có 22 dân biểu trong Quốc hội và đến năm 1992, FIDESZ gia nhập Quốc tế Tự do, quy tụ các đảng theo xu hướng tự do.

Tuy nhiên, cũng từ thời điểm đó trở đi, hai lãnh tụ sáng lâp của FIDESZ là Orbán Viktor và Kövér László đã đề xướng một lối đi mới cho đảng: từ bỏ xu hướng tự do, thực hiện “tập trung dân chủ” trong nội bộ đảng, chuyển sang hướng bảo thủ và cánh hữu.

Sau những cuộc tranh luận gay gắt trong đảng, một thủ lĩnh khác của FIDESZ là Fodor Gábor đã cùng một nhóm các đồng sự có uy tín - vẫn muốn giữ tính chất tự do của đảng – rời FIDESZ gia nhập đảng khác. Kể từ đó, FIDESZ trở thành một đảng trung hữu, rồi cánh hữu theo xu hướng bảo thủ. Năm 2000, FIDESZ rời Quốc tế Tự do để gia nhập Đảng Nhân dân Châu Âu và Liên minh Dân chủ Châu Âu, nơi quy tụ các đảng cánh hữu, bảo thủ.

Trong những năm sau, FIDESZ ngày càng thiên về những giá trị bảo thủ, tập trung những lực lượng, những tổ chức chính trị theo hướng dân tộc chủ nghĩa cánh hữu. Tên đảng cũng được đổi thành FIDESZ – Liên minh Công dân Hungary, ám chỉ một phong trào quần chúng bảo thủ do thủ lĩnh Orbán Viktor khởi xướng, chủ trương đưa các vấn đề chính trị ra đường phố để gây sức ép với chính quyền.

Trong nội bộ đảng, bản Điều lệ mới của FIDESZ càng tạo điều kiện để hoạt động của đảng được tập trung vào Ban lãnh đạo thượng đỉnh và trong đó, Chủ tịch đảng có quyền tối thượng trong các quyết định nhân sự.

Về nội trị, FIDESZ thường đưa ra những hứa hẹn, khẳng định mang tính dân túy tác động trực tiếp vào các cử tri, đưa ra hình ảnh một chính đảng dân tộc biết bảo vệ quyền lợi của công dân Hungary trước ảnh hưởng của nước ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đối với nền kinh tế Hungary.

Đối với nhiều triệu người Hungary sinh sống tại các quốc gia lân cận, FIDESZ đưa ra lời hứa trao họ quyền song tịch một cách đương nhiên, và đã thực hiện lời hứa đó sau khi thắng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân năm 2010.

Những năm gần đây, đường lối chính trị của FIDESZ thích hợp để các xu hướng cánh hữu, thậm chí cực hữu nảy nở - những đảng phái, tổ chức này, trong những khoảng thời gian nhất định, đã song hành và có những điểm tương đồng trong quan điểm đối với FIDESZ.

Phải kể đến ở đây sự hiện diện của đảng cực hữu JOBBIK, đã thăng tiến mạnh mẽ trong vài năm qua và hiện có mặt trong Quốc hội Hungary, gây lo ngại cho các chính khádch Châu Âu với những tư tưởng cực đoan của họ. Ở những bước đi đầu và ngay cả trong quá trình phát triển, JOBBIK ít nhiều đã nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ của FIDESZ.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2010, liên minh với Đảng Dân chủ Nhân dân Thiên Chúa giáo KDNP, liên danh FIDESZ – KDNP đã giành tới hơn 2/3 số ghế trong Quốc hội Hungary, khiến nội các mới – trong thực tế - có thể thông qua bất cứ đạo luật nào, kể cả việc thay đổi Hiến pháp.

Luật Truyền thông mới của Hungary đã ra đời trong bối cảnh đó…
 
*

Tại sao phe hữu, thậm chí cực hữu lại có được sự hiện diện áp đảo trong trong chính quyền ở Hungary? Liên quan tới vấn đề cánh hữu thắng thế tại nước này, một nhà nghiên cứu xuất sắc - ông Ungváry Rudol - đã có những nhận định chuẩn xác và sâu sắc.

Tại Hungary, sau khi thay đổi thể chế cách đây hơn 20 năm, nước này không có một phe hữu bảo thủ, dân chủ theo nghĩa của Tây Âu, mà kỳ thực cánh hữu Hungary đã mang trong mình di sản của phe hữu Hungary trước năm 1945

Cánh hữu Hungary hiện tại, cũng như ý thức hệ của nó, được đặc trưng bởi tính dân túy và chủ trương lập lại trật tự trong xã hội. Chính vì thế, nó đã đem lại cho đa số các giai tầng trong xã hội những gì mà họ đã không nhận được từ cánh tả.

Đồng thời, tại Hungary, chưa hình thành một đa số dân chủ theo nghĩa của Tây Âu, để có thể cân bằng và trong trường hợp cần thiết, hạn chế những hậu quả của đường lối chính trị và ý thức hệ cánh hữu một cách hiệu quả.

Những đặc tính nói trên của tình hình chính trị Hungary cho phép chúng ta đưa ra lời lý giải việc cánh hữu lên nắm quyền tại nước này.

Hai thập niên sau khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, phe trung tả - tự do, vốn nhiều lần có cơ hội nắm quyền và có cơ hội tạo dựng được vị trí trong xã hội và trong thiện cảm các cử tri, nhưng đã thất bại trong việc kiến tạo một nước Hung vững mạnh về kinh tế, ổn định trong đời sống chính trị và khiến người dân có thể an cư, lạc nghiệp.

Ngược lại, họ lại sa vào tham nhũng, gây ra nhiều bê bối lớn, khiến cử tri chán ngán và khiến cánh hữu có điều kiện tạo dựng ra hình ảnh rất xấu cho họ, như những hậu duệ của phe cộng sản một thời, nay thay hình đổi dạng để trục lợi và không nghĩ đến lợi ích người dân, đất nước.

Trong tình cảnh kinh tế Hungary sa sút rồi đi tới khủng hoảng, xã hội có nhiều biến động, người dân mất niềm tin trầm trọng vào những lời hứa và những biện pháp của các nội các xã hội - tự do, cánh hữu đã hoạt động hiệu quả khi hướng người dân vào những lời hứa như sẽ lập tại trật tự, ổn định xã hội, sẽ cân bằng lợi ích của cư dân và tư bản nước ngoài, v.v…

FIDESZ đã nhiều lần bay tỏ quan điểm về một nước Hungary cứng cỏi, không mù quáng chạy theo Liên hiệp Châu Âu mà bỏ qua lợi ích của đất nước và dân tộc, không lùi bước trước những ý kiến của ngoại quốc.

Về đối nội, họ hứa hẹn sẽ nghiêm khắc trừng phạt giới chính khách tham nhũng, trục lợi - những phần tử mà họ coi là thoát thai từ chế độ cộng sản cũ -, và trước mắt, sự tác động theo hướng đó vào tâm tư, tình cảm và cả lý trí của cử tri đã khiến họ đại thắng trong kỳ bầu cử mùa xuân 2010 trước một phe tả - Đảng Xã hội – yếu ớt, gặp đầy sai lầm và đã hoàn toàn đánh mất lòng tin của người dân.
 
*

Trên cái nền đó, Đạo luật Truyền thông mới đã ra đời, để lại những hệ lụy vô cùng tiêu cực cho hình ảnh một nước Hungary yêu chuộng dân chủ.

Đáng chú ý, Đạo luật Truyền thông mới chỉ là một phần của cái gọi là Hiến pháp Truyền thông, mà sự chuẩn bị, bàn thảo về nó đã diễn ra từ khoảng 1,5 năm nay, từ khi FIDESZ chưa lên nắm quyền.

Xuất phát từ một nhu cầu có thể coi là chính đáng – đưa ra sự thống nhất trong công tác quản lý đối với tất cả các phương tiện truyền thông, các nhà cung cấp nội dung và dịch vụ truyền thông – kể từ khi còn trên cương vị một đảng đối lập lớn nhất, FIDESZ đã đề xuất và ráo riết thực hiện ý định của mình, là xóa bỏ những điều luật cũ, bị coi là đã lỗi thường, lạc hậu, để đưa ra một chuỗi các luật mới được coi là “theo tinh thần Châu Âu”.

Nửa năm nay, từng bước một, đề án quản lý truyền thông theo hướng “tuyên huấn” của chính phủ mới được đưa vào phê chuẩn và thông qua trong Quốc hội, với những mục đích bề ngoài rất hữu lý, như bảo vệ thanh, thiếu niên trước ảnh hưởng xấu của truyền thông, để truyền thông phục vụ những lợi ích quốc gia một cách không thiên kiến, cân bằng, để công tác quản lý về kinh tế, tài chính và nội dung được đồng bộ, thống nhất.

Kết quả là sau nhiều bước, kể từ mùa hè năm ngoái đến hạ tuần tháng 12 vừa qua, FIDESZ đã thành công trong việc áp đặt và tạo dựng một đạo luật Truyền thông theo hướng siết chặt tự do báo chí ở mức khủng khiếp tại Châu Âu, theo nhận định của các bình luận viên trong và ngoài nước.

Lý do ở đây, có thể là bởi FIDESZ ý thức được sức mạnh ghê gớm của truyền thông và công luận Hungary trong những biến cố dân chủ ở nước này, và trong cả những sự kiện diễn ra vài năm trở lại đây, mà chính FIDESZ đã tận dụng để “hạ” nội các xã hội, khi phe này phạm phải những sai lầm nghiêm trọng trong đường lối và cách hành xử với cư dân.

Và do đó, tận dụng ưu thế áp đảo trong Quốc hội, FIDESZ đã đưa ra những điều luật để vô hiệu hóa tự do ngôn luận, tự do báo chí trong thực tế, khiến việc phê phán hoặc đưa ra những nhận định bất lợi cho chính quyền trên bất cứ phương tiện truyền thông nào – như đài, báo, truyền hình, thậm chí cả blog - có thể dễ dàng bị quy chụp và trừng phạt bằng công cụ của pháp luật.

Về mặt tổ chức, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông bị đặt dưới sự quản lý, thậm chí theo dõi gắt gao của một Hội đồng Truyền thông, mà tất cả các thành viên đều là người do FIDESZ cắt cử. Hội đồng Truyền thông còn được trao một quyền lực gần như vô biên trong việc giám sát truyền thông, và quyết định sự sống còn của các cơ quan truyền thông.

Hình phạt được đưa ra trong luật để nhằm vào các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, là phạt tiền ở mức độ rất lớn – có thể khiến một tờ báo, một kênh truyền hình, và cả những cá nhân tham gia dịch vụ truyền thông phải phá sản - đối với những sự vi phạm mà bản chất của nó rất phụ thuộc vào những góc nhìn khác nhau, không thể lường trước được.

Theo nhận xét của truyền thông nước này, như vậy, luôn có một thanh gươm lơ lửng trên đầu mọi ký giả khi họ tác nghiệp, đặc biệt là tác nghiệp trong những đề tài chính trị nhạy cảm.

Mặt khác, luật mới còn đưa ra những hạn chế, những hạn ngạch về nội dung truyền thông, khiến giới truyền thông cho rằng họ bị can thiệp quá sâu vào những gì họ làm, để tất cả thế giới truyền thông có thể mang màu sắc, chức năng như một cơ quan tuyên huấn, nếu thực hiện mọi điều khoản của Luật Truyền thông.
 
*

Nhưng, như “Thời báo New York” đã nhận định, “Hungary không chịu im lặng khuất phục”. Ngay trước ngày Đạo luật Truyền thông được thông qua, đã có gần 1.500 người tụ tập tại Quảng trường Tự do ở trung tâm thủ đô Budapest (nơi tọa lạc trụ sở của Đài Truyền hình Hungary) để biểu tình phản đối. Những người biểu tình đã yêu cầu các chính khách không tham gia cuộc xuống đường này để đảm báo tính trọng sạch của nó.

Trong số báo đầu tiên của năm mới, hai tờ nhật báo lớn nhất của Hungary là “Tự do Nhân dân” và “Tiếng Dân” đã để cả trang đầu để đưa nội dung phản đối Luật Truyền thông mới. Đặc biệt, “Tự do Nhân dân” dành toàn bộ trang đầu để đưa lời cảnh báo “Tự do báo chí đã chấm dứt tại Hungary” viết bằng 23 ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp Châu Âu.
 

Trang đầu của số báo lịch sử

Cho dù chính phủ Hungary đã nhiều lần tuyên bố họ không hề có ý sửa đổi luật mới dưới sức ép của dư luận ngoại quốc, nhưng có thể trước sau họ cũng phải có những nhượng bộ nhất định nếu Tòa án Hiến pháp Hungary lên tiếng.

Bởi lẽ, nhiều chính đảng ở nước này – như đảng Chính trị có thể khác LMP, Đảng Xã hội MSZP, Đảng cực đoan JOBBIK, cùng nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức dân sự đã có những biện pháp yêu cầu Tòa án Hiến pháp phải lý giải và nêu quan điểm trong câu hỏi một số điểm trong luật mới có hợp hiến hay không.

Những hành động gây sức ép của xã hội dân sự cũng được tiến hành. Ban tổ chức cuộc biểu tình vào tháng 12 qua cho biết, vào ngày 14/1 tới, họ sẽ tiếp tục biểu tình trước Nhà Quốc hội đòi thu hồi cái mà họ gọi là “đạo luật kiểm duyệt”. Hiện tại, đã có chừng 1.500 người đăng ký tham dự cuộc tuần hành.

Một nhóm sinh viên đại học đã khởi xướng phong trào “Một triệu người vì tự do báo chí” trên mạng xã hội Facebook, cho đến nay đã có hơn 50 ngàn người tham dự. trong những ngày qua, dân Hungary còn cổ vũ nhau lan truyền một thông điệp qua điện thoại với nội dung: “Vô cùng thương tiếc tự do báo chí và tự do ngôn luận, đã qua đời ở tuổi 21. Chúng tôi tin chắc rằng chúng sẽ phục sinh”.

Như xã luận của nhật báo “Tự do Nhân dân” chia sẻ: với việc đưa vào thực thi Đạo luật Truyền thông mới từ đầu năm nay, tự do báo chí đã cáo chung tại Hungary và đây là một khẳng định vô cùng nghiêm trọng mà trong 20 năm qua, tờ báo chưa bao giờ đưa ra. Việc để cả trang đầu tiên để đăng tải lời cảnh báo bằng 23 thứ tiếng cũng là một hình thức phản đối mà tòa soạn báo chưa bao giờ lựa chọn.

Tuy nhiên, như tờ báo nhấn mạnh, cho dù tự do báo chí đã chấm dứt tại Hungary, nhưng chính quyền không bao giờ có thể hủy diệt được quyền tự do đó!

(*) Bài viết đã trích đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest