Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐẠI HỌC HUNGARY THIẾT KẾ MÁY TRỢ THỞ CHO 50 NGƯỜI MỘT LÚC

(NCTG) Máy trợ thở đang là yếu tố mấu chốt trong cuộc chiến chống Coronavirus, khi các bệnh nhân nặng không thể tự hô hấp và cần tới sự hỗ trợ của máy. Vấn đề là hiện tại, đa số các quốc gia trên thế giới đều thiếu máy trợ thở.
Coronavirus tấn công mạnh vào hệ hô hấp của bệnh nhân, nên nhiều trường hợp rất cần máy trợ thở
Để đáp ứng nhu cầu đó, các nghiên cứu viên Đại học Óbuda (Budapest) đang phát triển một thiết bị cho phép trợ thở cho nhiều người cùng một lúc, và có thể áp dụng trong những hoàn cảnh ngoài bệnh viện. Giới nghiên cứu tại các đại học khác của Hungary, cùng các bác sĩ và giới công nghiệp cũng đã bắt đầu tham gia dự án này.

Mang tên MassVentil Project, sơ đồ các sản phẩm được thực hiện trong dự án này, dự tính, sẽ được tặng miễn phí cho người sử dụng. Được biết, ý tưởng về máy trợ thở dùng hàng loạt cho nhiều bệnh nhân đã nảy sinh từ đầu tháng 3/2020, trước khi Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố là “đại dịch toàn cầu”.
 
Máy trợ thở hiện tại chỉ dùng được cho một bệnh nhân
Máy trợ thở hiện tại chỉ dùng được cho một bệnh nhân

Xuất phát từ PGS. TS. Kozlovszky Miklós, Trưởng khoa Tin học Neumann János, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu, Đổi mới và Dịch vụ (EKIK) BioTech của Đại học Óbuda, mục đích của thiết bị là cùng một lúc cứu mạng sống cho nhiều người, và đồng thời bảo vệ sức khỏe của các nhân viên y tế, giảm rủi ro trong công việc.

Mấu chốt của vấn đề là hơi thở của bệnh nhân cũng cần được chuyển ra ngoài qua một hệ thống lọc, như thế giảm thiểu được nguy cơ các y, bác sĩ cũng bị lây nhiễm. Thoạt tiên, thiết bị còn được dùng tạm với những đồ “có trong tay”, và mô-tô của máy là một... máy hút bụi. Tuy nhiên, tới 20/3, máy đã có phiên bản “nghiêm” hơn.
 
Hơi thở (ra) của bệnh nhân thường được dẫn luôn vào không gian chung của bệnh viện
Hơi thở (ra) của bệnh nhân thường được dẫn luôn vào không gian chung của bệnh viện
 
Quan trọng là làm sao có thể sử dụng máy trong những hoàn cảnh dã chiến ngoài bệnh viện
Quan trọng là làm sao có thể sử dụng máy trong những hoàn cảnh dã chiến ngoài bệnh viện

Lúc đó, máy đã có động cơ riêng và bộ phận cảm nhận trong, và bốn ngày sau thì có thêm những cơ chế điều tiết cần thiết cho quá trình trợ thở. Tuy dự án đã có nhiều người tham gia, nhưng ê-kíp của Đại học Óbuda vẫn mời thêm các lập trình viên, kỹ sư điện tử và đội ngũ chuyên viên có tay nghề để thành công trong dự án này.

Các chi tiết liên quan tới kỹ thuật của dự án được công bố trên trang MassVentil.org và cũng có thể liên hệ với các nhà nghiên cứu tham gia dự án này ở đây, theo thông tin của Đại học Óbuda.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh, theo index.hu