Chuyện Hungary: CÚ ĐÁ... CHƯA TỚI ĐÍCH
- Thứ sáu - 04/01/2008 23:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thủ tướng "dối dân" Gyurcsány Ferenc
Số là, mùa hè 2006, thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc, trong một phiên họp nội bộ của nhóm dân biểu trong Đảng Xã hội (MSZP, đảng cầm quyền sau bầu cử Quốc hội tháng 4-2006) đã dùng những từ ngữ gây sốc để thú nhận rằng, giới chính khách Hung (trong đó có ông và đảng ông) đã dối dân triền miên trong 16 năm liền.
Sau đó vài tháng, đoạn băng ấy bị rò rỉ, báo đài, TV đăng tin ầm ĩ khiến dân Hung phẫn nộ, biểu tình chống chính phủ triền miên suốt mấy tháng liền tại quảng trường trung tâm, nơi tọa lạc tòa nhà Quốc hội. Trong những cuộc biểu tình ấy, khẩu hiệu, băng-ron, hò hét kích động "làm cách mạng", "lật đổ chế độ", chửi bới chính phủ... đến mức tối tăm mặt mũi là chuyện rất thường xuyên, "cơm bữa", và không thấy ai có ý cấm. Mà cấm cũng không được, vì "mở miệng" và "thể hiện chính kiến" là những quyền hiến định của người dân.
Đài tưởng niệm Hồng quân Liên Xô tại Budapest cũng bị đoàn biểu tình phá phách - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Nhân dịp này, mấy tổ chức chính trị cực đoan, người ít nhưng... hăng hái, mới bày trò kích động đoàn biểu tình... chiếm Đài Truyền hình Quốc gia để công bố các yêu sách của họ trước "quốc dân đồng bào") (Nói thêm, việc "chiếm" một cách tượng trưng, và đôi khi, trong thực tế, Đài Truyền hình và Đài Phát thanh, là truyền thống của dân Hung, một khi dân họ cảm thấy hai cơ quan truyền thông chính kia có biểu hiện... thiên vị đảng phái, không khách quan). Vụ bạo động chiếm Đài ấy, được truyền hình trực tiếp: đoàn biểu tình dùng gạch, đá, gây gộc... và nói chung là tất cả nhũng gì có trong tay, tấn công lực lượng cảnh sát được điều đến bảo vệ Đài, và kết quả là cảnh sát bị nện một trận tơi bời (vì không được trang bị đầy đủ, không được chuẩn bị xử trí trong những trường hợp như thế, và cái chính là không có chỉ thị cho phép họ... thẳng tay), Đài bị đốt phá. Thế giới được một phen chứng kiến cảnh thủ đô Budapest "khói lửa".
Chính phủ Hung, sau vụ ấy, căm lắm. Được biết là các nhóm cực đoan hàng ngày vẫn (công khai) "tập dượt" để chuẩn bị cho một trận "kịch chiến" tương tự sau đó chừng 1 tháng, nhân kỷ niệm Cách mạng 1956 của Hung, nội các Hung "rỉ tay" cảnh sát: cứ thẳng tay!
Cư dân Hungary đội mưa đi biểu tình chống chính phủ trước Nhà Quốc hội - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Giờ G đến. Kịch bản cũ diễn ra: các đoàn biểu tình, sau khi diễu hành và xỉ vả chính phủ chán chê trên đường phố, bắt đầu giở trò đập phá. Lập tức, cảnh sát vào cuộc (dĩ nhiên, sau khi đã thực hiện các thủ tục hình thức, theo lệ bộ, như gọi loa vài lần đề nghị giải tán, và đề nghị nếu ai không có việc gì thì nên tránh những địa điểm "nhạy cảm" như thế, v.v...), và đã "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" trong đa số các trường hợp mà họ gặp. Như thế, âm mưu (có thực) dùng biểu tình để phá hoạt trị an, gây bạo loạn bị đè bẹp, nhưng cũng có nhiều người bị đòn oan. Sau dịp ấy, "dân oan" kiện cáo cảnh sát Hung hàng loạt, cũng có người người thắng kẻ bại, nhưng cái chính là đài báo lại có dịp thẳng thừng chĩa mũi dùi vào chính phủ, cảnh sát). Ngoài ra, ước tính cảnh sát Hung có thể phải chi hàng trăm triệu Ft để bồi thường (và nếu trả chậm, thì có thể bị dân siết nợ như bỡn - chuyện này đã xảy ra!)
Đây là những chuyện mà NCTG ít nhiều đã đề cập tới.
Hôm nay, một trong những vụ "cảnh sát hành hung lương dân" như thế được đưa ra xử. Bằng cứ là một đoạn băng do Hír TV (một kênh truyền hình cánh hữu) quay được, có cảnh một toán cảnh sát đè sấp một thanh niên tên là K. Imre, còm tay, rồi lôi xềnh xệch anh này chừng hai chục mét. Anh thanh niên đó mới 17 tuổi, khai rằng anh ta đi xem hát, nhưng bị chặn lại ở vùng xảy ra "chiến sự". Trước đó, khi thấy cảnh sát đánh đập một người đứng tuổi, anh đã lớn tiếng chửi bới cảnh sát nên bị trả thù: cho dù không hề chống cự, chỉ giơ tay che mặt, anh đã bị toán cảnh sát đấm, đá vào đầu, lưng và tay. Ngày hôm sau, cảnh anh bị đánh đập được đưa lên TV; được bạn bè thông báo, 4 ngày sau đó, anh và gia đình đã đệ đơn kiện cảnh sát lên Viện Kiểm sát.
G. Sándor (khi ấy 23 tuổi), một trong số các cảnh sát dã chiến tham gia vụ đánh đập chàng thanh niên, bị nhận diện thông qua đoạn phim, trong đó, anh này một tay cầm bình xịt cay, tay kia lăm lăm dùi cui, chân thì tung cước về phía nạn nhân đang nằm dưới mặt đường. Viện Kiểm sát đề nghị bản án tù treo vì thấy hành vi "bạo hành lương dân khi thi hành công vụ" đã rõ ràng.
Câu chuyện có vậy, kể lể dài dòng, chắc nhiều độc giả thấy ngán. Như thường lệ, cái "hay" nằm ở phần cuối: chàng cảnh sát và luật sư thừa nhận là bị cáo có "tung cước" thật, nhưng đó là một động tác "giơ chân để... tìm chỗ đứng cho vững, chứ không có bằng cứ nào cho thấy cú đá ấy đã... trúng nạn nhân"! Và do vậy, họ đề nghị tòa xử tha bổng cho anh công an.
Rõ là thứ ngôn ngữ lắt léo... pháp đình!