Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Chủ tịch Hội Bác sĩ Hungary: SỰ TĨNH LẶNG TRƯỚC CON BÃO

(NCTG) Tất cả các nhân viên y tế đều biết rằng điều gì sẽ xảy ra, nhưng họ không lo sợ: trong số họ, tỷ lệ lây nhiễm gấp mười bình thường - ông Kincses Gyula, Chủ tịch Hội Bác sĩ Hungary (MOK) nói.
Bác sĩ Kincses Gyula, Chủ tịch Hội Bác sĩ Hungary - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Ông Kincses Gyula nhấn mạnh với mạng tin 444.hu: các số liệu quốc tế cho thấy dịch bệnh gây nguy hiểm nhất cho các nhân viên y tế, những người rất thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân, chịu nhiều căng thẳng và do đó kiệt sức, hệ miễn dịch của cơ thể suy giảm và dễ nhiễm Coronavirus. Ví dụ như ở Tây Ban Nha, chừng 15% người bị nhiễm Covid-19 - gần 10 ngàn người - là các nhân viên ngành Y tế.

Chủ tịch MOK cho rằng các nhân viên y tế Hungary đều biết hiểm nguy trước mặt mình: “Tất cả đều đoán được điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi đọc được những số liệu quốc tế. Tôi thực hiện một tính nhẩm cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm trong số các nhân viên y tế là gấp 10 lần so với trong người dân thông thường. Chúng tôi biết và cảm nhận được điều sẽ xảy ra, nhưng tôi không thấy sự hoảng hốt giữa các đồng nghiệp”.

Tôi chỉ thấy giữa họ sự chờ đợi căng thẳng. Đây là sự tĩnh lặng trước cơn bão. Chúng tôi biết bệnh dịch sẽ đổ dồn xuống đầu chúng tôi. Nhưng mọi thứ diễn ra theo kiểu, chúng tôi nghe thông báo của Ban chỉ đạo Phòng chống Coronavirus, gật gù rồi phải về nhà, trấn an mình. Chúng tôi không thấy kế hoạch, đường đi nước bước. Không thấy những biện pháp xử lý khủng hoảng trong tổng thể của nó”.
 
Ảnh: Huszti István (index.hu)
Ảnh: Huszti István (index.hu)

Theo ông Kincses Gyula, hệ thống y tế Hungary chưa được làm quen với những thử thách lớn như thế. Trong vòng 10-20-30 năm qua, nền y tế sống trong sự an toàn quá mức, khiến con người không còn nỗi sợ hãi và do đó, không còn sự chuẩn bị. Những kế hoạch phòng chống dịch bệnh bắt buộc thì vẫn có, nhưng chúng cũng như kế hoạch cứu hỏa, có được nhắc tới ở nơi làm việc rồi thôi, không ai để tâm đến nó cả.

Cuộc chiến chống dịch bệnh buộc Hungary phải có hàng loạt thay đổi trong y tế, kể cả những điều mà lâu nay chính quyền và giới y tế đang vận lộn khổ sở. Cần phải giảm những cuộc gặp gỡ không cần thiết giữa bác sĩ và người bệnh, tạo điều kiện cho sự chẩn bệnh, tư vấn từ xa, gia tăng áp dụng kỹ thuật số. “Chúng ta vẫn luôn có kỳ vọng từ bao đời, nhưng đến thế kỷ 21 thì không thể như thế nữa”, ông Kincses Gyula nói.

Đó là việc người dân chờ đợi ngành Y tế giải quyết được mọi vấn đề của mình, “như thể thợ sửa một chiếc xe”. Người dân coi đây là nhiệm vụ của ngành Y tế, chứ bản thân họ, bệnh nhân thì không cần làm gì, không có trách nhiệm gì. Chủ tịch Hội Bác sĩ Hungary cho rằng, sau kỳ dịch bệnh này, chúng ta sẽ hoàn toàn có tư duy khác khi nói đến ngành Y tế: những sự chờ đợi sẽ được chỉnh vào đúng chỗ của chúng.

Ông Kincses Gyula nói rằng ngành Y tế Hung - bên cạnh những thiệt hại do nhiều bác sĩ Hungary ra nước ngoài làm việc - cũng có những điểm lợi, do họ có thể chia sẻ, tư vấn cho các bác sĩ trong nước biết những kinh nghiệm phòng chống Coronavirus, ví dụ ở Đức, Pháp hay Ý. Ông cũng cho biết thêm: các bác sĩ nhận được rất nhiều ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, từ hiện kim, hiện vật đến những điều nhỏ nhặt.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh