Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CỰU QUAN CHỨC CỘNG SẢN HUNGARY RA TÒA VÌ TỘI ÁC CHIẾN TRANH

Hôm 16-10 vừa qua, Viện Công tố Budapest đã đệ cáo trạng lên Tòa án Thủ đô, buộc tội Biszku Béla, cựu Bộ trưởng Nội vụ Hungary thời cộng sản, vì tội ác chiến tranh và những tội khác.

Biszku Béla rời trụ sở Tòa án Trung tâm cấp Quận khu vực Buada ngày 10-9-2012 - Ảnh: Marjai János (MTI)


Trong 3 năm qua, nhân vật Biszku Béla được nhắc tới rất nhiều trên truyền thông Hungary, như một trong những kẻ thủ ác cuối cùng còn sống sót của quá khứ cộng sản Hungary. Vừa qua sinh nhật lần thứ 92, Biszku Béla là cựu lãnh đạo cộng sản đầu tiên tại Hung sẽ phải ngồi trên ghế bị cáo vì đã tham gia đàn áp cuộc cách mạng năm 1956.

Vị chính khách “có bàn tay sắt”

Là một trong những nhân vật trụ cột của làn sóng đàn áp sau cuộc cách mạng 1956, Biszku Béla được người đời đặt cho biệt hiệu “nắm đấm cứng nhất của thể chế độc tài mềm”. Sinh năm 1921 tại vùng Márok, chuyên nghề thợ nguội, gia nhập Đảng Cộng sản Hungary năm 1944, với thời gian Biszku đã leo mọi nấc thang của bộ máy đảng.

Khi cuộc cách mạng dân chủ 1956 bùng nổ, Biszku đã tổ chức những đơn vị vũ trang, thành viên là các đảng viên và công nhân trung thành với đảng, để chống lại quân khởi nghĩa. Vì thành tích đó, sau biến cố 1956, ông được tặng Kỷ niệm chương Vì chính quyền Công-Nông, một trong những phần thưởng lớn nhất của thể chế Kádár.

Trong hơn 20 năm sau đó, Biszku Béla từng là một yếu nhân của chế độ với những cương vị cao cấp như Bí thư thứ nhất Thành ủy Budapest (1956-1957), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Phó Thủ tướng, 1961-1962), Bí thư Trung ương đảng (1962), Ủy viên Bộ Chính trị (1957-1980)...

Trong 4 năm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ sau cách mạng 1956: Biszku được coi là người trực tiếp chỉ đạo chiến dịch đàn áp của chính phủ mới, với chừng 300 bản án tử hình và 20.000 án tù đày dành cho những người tham gia cuộc cách mạng.

Đặc biệt, Biszku đã can thiệp thô bạo vào hoạt động của cơ quan tư pháp. Nhiều bằng cứ văn bản cho thấy trong các phiên họp nội bộ của Trung ương Đảng, Biszku đã lên tiếng đòi tòa các cấp tại Hungary phải đưa ra những bản án “nghiêm khắc” hơn nữa, và rằng con số các bản án tử hình như vậy vẫn còn “quá nhẹ tay”.

Luôn chủ trương cứng rắn, năm 1978, Biszku bị cách chức và cho về hưu vì phản đối chính sách hòa dịu của Tổng bí thư Kádár János. Tuy nhiên, thời kỳ 1980-1989, Biszku vẫn giữ một trọng trách trong Hội đồng Công đoàn Toàn quốc (SZOT) và chỉ thực sự tời chính trường khi Hungary trải qua biến chuyển dân chủ vào năm 1989.


Biszku Béla (hàng 1, thứ hai từ trái sang) tại Đại hội lần thứ 7 Đảng Công nhân Cách mạng Thống nhất Đức (Đảng Cộng sản Đông Đức), năm 1967 - Ảnh tư liệu


Từ đó, không ai nghe đến cái tên Biszku, thậm chí nhiều người tưởng ông đã chết. Tuy nhiên, cách đây 3 năm, hai đạo diễn trẻ khi làm phim về các “đao phủ cộng sản” còn sống sót đã phát hiện ra ông đang sống tại một biệt thự ở Đồi Hoa hồng, khu “thượng lưu” ở Budapest, với mức lương hưu gấp 3-4 lần mức lương hưu của một người thường dân.

Tội ác và sự trừng phạt

Kể từ thời điểm bị phát giác, đã có nhiều nỗ lực đến từ nhiều hướng, nhằm trừng phạt một trong những yếu nhân của làn sóng đàn áp 1956. Với nhiều lý do và nhiều luận cứ khác nhau, nhiều người đã tố giác Biszku lên tòa, với mục đích truy cứu trách nhiệm hình sự đương sự theo những tội danh khác nhau.

Đầu tháng 8-2010, một dân biểu đảng cực hữu JOBBIK tố giác Biszku vị phạm một điều khoản trong Bộ Luật Hình Sự (BLHS) mới được sửa đổi của Cộng hòa Hungary, theo đó, có thể phạt tù giam tối đa 3 năm đối với người nào công khai phủ nhận các tội ác diệt chủng của các thể chế Quốc xã và Cộng sản, cũng như các tội ác chống nhân loại khác.

Bởi lẽ, trong thực tế, chưa bao giờ Biszku tổ ra hối hận vì những gì đã làm, ông ta vẫn khẳng định biến cố 1956 là “phản cách mạng”, và làn sóng đàn áp của chính quyền Kádár thời gian sau đó - trong đó có những án tử hình, đặc biệt là bản tử hình dành cho vị thủ tướng Nagy Imre - là “hợp pháp và công minh”.

Cuối tháng 10-2010, một luật gia gửi đề xuất tới chính quyền, viện dẫn Luật Quốc tế, đề nghị khởi tố Biszku béla về những tội ác chống lại sự nhân bản. Tuy đơn này bị bác, nhưng nó cũng khiến nội các Hungary, vào ngày cuối cùng của năm 2011, đã phê chuẩn một đạo luật mới cho phép trừng phạt cả tội ác cách đây gần 6 thập niên.

Mang tên Ðạo luật về sự trừng phạt những tội ác được thực hiện dưới chế độ cộng sản cũng như những tội ác chống sự nhân bản, đạo luật khẳng định những tội ác chống sự nhân bản không bao giờ hết thời hiệu. Đối tượng của đạo luật, không giấu giếm, chính là những kẻ như Biszku, hiện cùng lắm chỉ còn vài chục người.

Sau nhiều “phép thử” như vậy, chỉ tới vụ án hiện tại, Biszku mới thực sự phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị trừng phạt. Cáo trạng vạch ra rằng ông ta từng là thành viên Ban lãnh đạo thượng đỉnh của Đảng Cộng sản Hungary, và nắm mọi quyền hành trong tay khi đưa ra các quyết định đàn áp những người tham gia cách mạng 1956.

Trên cương vị Bộ trưởng Nội vụ, Biszku đã biết đến hai vụ thảm sát vào tháng 12-1956, khi các đơn vị vũ trang thân chính quyền mới nổ súng vào đoàn người vô tội, khiến gần 50 người bỏ mạng. Tuy nhiên, ông ta đã không đề xuất truy cứu trách nhiệm các thủ phạm theo luật định đương thời: theo Viện Công tố, chính ông ta là một trong những người chỉ đạo các hành vi tội ác đó.

Viện Công tố nhấn mạnh: ngay theo những luật định vào thời 1956, Biszku cũng phạm tội và thậm chí khung hình phạt có thể là án tử hình. Tuy nhiên, theo Bộ Luật Hình sự Hungary hiện tại, vị cựu lãnh đạo này cùng lắm chỉ có thể bị án tù chung thân, có thời hạn (phân biệt với án tù chung thân vĩnh viễn, là hình phạt trước kia chưa có nên không thể áp dụng).

Ý nghĩa của một vụ án

Trong vụ án Biszku Béla, nhiều câu hỏi được đặt ra. Lôi lại một chuyện cũ từ gần sáu thập niên trước, để trừng phạt một ông gia lâu nay đã trong cảnh gần đất xa trời, để làm gì? Phiên tòa xét xử Biszku mang tính chính trị, trả thù, hay hay đơn thuần vì nhu cầu công lý đòi hỏi?


Không hề hối hận trước ống kính truyền hình sau hơn nửa thập niên - Ảnh chụp màn hình

Ở đây, không thể phủ nhận một khía cạnh: với những nước bài quyết liệt, mà gần đây nhất là việc đưa khả năng trừng phạt những kẻ đã gây tội ác trong thể chế cũ vào bản Hiến pháp mới, đảng cầm quyền cánh hữu FIDESZ muốn gửi một thông điệp mang tính “dằn mặt” tới cánh tả, đặc biệt là Ðảng Xã hội Hungary, đảng đối lập lớn nhất.

Trở lại đạo luật cho phép trừng phạt Biszku Béla và những đồng phạm, FIDESZ đã không giấu giếm khi nói rằng, đảng này đã tạo cơ hội để “bồi đắp quá khứ”, và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết nếu có ai tố cáo, chứ họ không trực tiếp đứng ra làm việc đó. Và đóng vai trò tố giác, không ai khác, ngoài đảng cực đoan JOBBIK.

Một bộ phận của công luận Hungary nhận ra điều đó, và cho rằng đây là một ván bài chính trị được sử dụng nhằm “bê-tông hóa” quyền lực của phe cầm quyền. Thật mâu thuẫn khi xử Biszku, nhưng các dân biểu cầm quyền lại bỏ phiếu chống dự luật nhằm bạch hóa quá khứ của tất cả những ai đã tham gia và hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị cộng sản.

Tuy nhiên, bên cạnh và song song với những toan tính chính trị ấy, có lẽ vụ án Biszku vẫn thỏa mãn và phù hợp với nhu cầu trong sạch và trực diện với quá khứ, vốn dĩ là ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị đàn áp, tù đày, hoặc bị theo dõi, chỉ điểm bởi chính quyền cộng sản.

Nhìn lại hơn hai thập niên kể từ khi Hungary thay đổi thể chế chính trị, do đã có những biến chuyển dân chủ từng bước rất sớm từ thập niên 80 thể kỷ trước, nên sự chuyển tiếp hầu như không gặp phải khó khăn gì liên quan tới vấn đề đối diện với quá khứ cộng sản.

Các viên chức của chế độ cũ nhìn chung không bị kỳ thị, không ít quan chức cộng sản tiếp tục trở thành những yếu nhân trong Ðảng Xã hội Hungary (MSZP), một trong hai chính đảng mạnh nhất, đã nhiều lần cầm quyền tại Hungary từ năm 1990, cũng như trong bộ máy chính quyền các cấp.

Cũng chính vì thế mà một thập niên trở lại đây, xã hội Hungary trở nên nhạy cảm hơn với quý khứ cộng sản, cho đến nay vẫn bị coi là chưa được xử lý thỏa đáng. Nhiều văn nghệ sĩ, chính khách, nhân sĩ bị báo chí cánh hữu phanh phui là từng hợp tác với cơ quan mật vụ chính trị, khiến công luận dần dần có nhu cầu trong sạch hóa quá khứ.

Nếu có thể có một bài học “nhân quả” cho tương lai, thì thông qua phiên tòa Biszku, có thể khẳng định rằng công lý sẽ được thiết lập, dù sớm hay muộn, đối với những nạn nhân và những thủ phạm, và không có một tội ác nào bị bỏ quên, kẻ gieo gió ắt phải gặp bão, cho dù gần 60 năm đã trôi qua, như trong trường hợp Biszku Béla...

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest