Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CUỘC SĂN ÐUỔI TRỨNG LẬU TẠI EU

(NCTG) Ai không chuyển sang nuôi gà đẻ trong loại chuồng kiểu mới và tốn kém, kẻ đó có thể bị khiển trách hoặc thậm chí cấm bán trứng, theo bài viết của tác giả Pócs Balázs, đăng trên nhật báo “Tự do Nhân dân” (Népszabadság) ngày 31-1-2012.

Trại nuôi gà đẻ trứng ở Hungary. Có tiền để mở rộng chuồng hay không? - Ảnh: Sopronyi Gyula (“Tự do Nhân dân”)


Lại thêm một đòn giáng vào Hung: Ủy ban Châu Âu tiến hành thủ tục khởi tố Hungary vì gà mái đẻ. Ðây không phải chuyện đùa – thật đến nỗi giá trứng sẽ tăng vọt.

Ủy ban ở Brussels đã hết kiên nhẫn với việc 14 nước Châu Âu - trong đó có Hung - cho đến giờ vẫn bỏ ngoài tai quy định về việc bảo vệ gà mái (sic.!) được đề ra từ 13 năm trước. Mặc dù Hungary mới gia nhập Liên hiệp Châu Âu được 8 năm, nhưng trước ngưỡng cửa EU 1 năm nước này vẫn cho phép xây các khu chuồng gà kiểu cũ.

Ông Földi Péter, chuyên viên thuộc Hội đồng Sản phẩm Gia cầm giải thích rằng “lương năng bình dân” (a józan paraszti ész) khiến nhiều người nuôi gà (ở Hungary và một nửa Châu Âu) đã chờ tới giây phút cuối cùng. – Họ không tin rằng người ta sẽ thực hiện điều điên rồ này – chuyên gia thú nhận. Ông cho rằng đây là một quyết định chính trị thiếu sáng suốt được đưa ra trên cơ sở cảm tính, dưới sức ép của các phong trào bảo vệ động vật.

Tăng độ cao của chuồng gà, gà nuôi thưa ra, mỗi gà đẻ được diện tích rộng hơn: đó là những điểm mới trong quy định của EU. Cố nhiên nghe thì có vẻ hay, nhưng các nhà chăn nuôi cảnh báo rằng gà đẻ là giống động vật hung hăng, chỉ cần chút căng thẳng nhỏ nhất hay thức ăn có vấn đề là chúng sẽ đánh nhau – nhất là bây giờ lại có chỗ để làm điều đó. Thường xuyên còn xảy ra chuyện ăn thịt lẫn nhau.

Theo luật của EU, chỗ cho gà bới cũng phải được đảm bảo. Có điều, chuyện này không dễ giải quyết, vì thế người ta thường cho vào chuồng những tấm cỏ nhân tạo (thực chất là các tấm nhựa màu xanh lá cây). Nhưng phân gà không lọt được qua đó, chóng bị bẩn nên lợi bất cập hại.

Như vậy, không quá khó hiểu khi 14 nước thành viên Liên hiệp Châu Âu (Bỉ, Bulgaria, Cyprus, Pháp, Hy Lạp, Hà Lan, Ba Lan, Litvania, Hung, Malta, Ý, Bồ Đào Nha, Romania, Tây Ban Nha) ngần ngại chưa đưa vào luật từng nước những điều khoản liên quan tới việc chăm sóc gà đẻ. Không chỉ việc áp dụng các công nghệ mới tốn kém, mà các chi phí thường xuyên cũng tăng do ít gà ở một chuồng hơn, gà ở thưa hơn thì hoạt động nhiều hơn nên phải cho ăn nhiều hơn.

Bất kỳ lúc nào Ủy ban Châu Âu cũng có thể cử một đoàn kiểm tra tới Hungary như bước đầu tiên của thủ tục khởi tố vì sự bất tuân các bổn phận - đoàn gồm các bác sĩ thú y có quyền kiểm tra bất cứ ở đâu. Trong 530 trại gà tại Hungary, có hơn một trăm trại báo là chưa chuyển sang công nghệ mới – và các chuyên gia cũng không muốn ước tính xem có bao nhiêu trại lặng thinh, không nói gì.

Từ đó sinh ra trứng lậu. Bởi lẽ Ủy ban Châu Âu cũng làm cứng, họ tuyên bố: trứng từ các trại “lỗi thời” chỉ được bán trong phạm vi nội địa và tại đó, cũng chỉ với mục đích sử dụng trong công nghiệp (bột trứng phục vụ làm mì) – và cũng chỉ tới hết tháng Bảy. Nếu trứng này được bày bán ở cửa hàng thì coi như trứng lậu...

Dầu sao đi nữa, sự việc đã trở nên nghiêm trọng. Vài nước thành viên đã tính đến việc tăng giá, chẳng hạn ở Hungary, giá cũng đã vượt ngưỡng 40 Ft thì ngưỡng 50 Ft cũng chẳng còn xa. Tất nhiên, tăng cũng phải có giới hạn vì còn phải giữ khách, đó là chuyện khác.

- Nhiều người chăn nuôi không có khả năng chuyển đổi công nghệ, cho dù họ có được nhận trợ giúp đi nữa. Năm ngoái Chính phủ cũng đã cho đấu thầu, nhưng người được nhận thầu cũng phải ứng trước chi phí đầu tư. Đại đa số không ai muốn vay ngân hàng, tiền thì không ai có nên người ta bỏ cuộc luôn - ông Földi Péter liệt kê các khó khăn.

Việc thay đổi công nghệ ở các trại gà bình quân tốn 5.000 Ft mỗi con. Trại trung bình với 60-70.000 con chủ trại phải chi 300-350 triệu Forint; những trại được coi là lớn thì đều hơn 100.000 con, chi phí hơn nửa tỉ Forint. Không khó đoán xem bao giờ những chi phí phát sinh này mới hoàn vốn.

Nếu xét các nước bị khởi tố vi phạm trách nhiệm thì thấy chủ yếu là các nước Nam Âu và Đông Âu. Ba nước Ý - Tây Ban Nha - Bồ Đào Nha với lượng gà đẻ khổng lồ, hy vọng vẫn có thể trì hoãn thêm việc áp dụng đường lối của EU. Phía bên kia, Đức là nước có các phong trào bảo vệ động vật rất mạnh mẽ thì đang hối thúc việc đưa các quy định này vào thực thi.

Trong EU cũng xảy ra chuyện quy tội lẫn nhau. Các quốc gia bị cảnh cáo khẳng định rằng ở nơi khác cũng có vấn đề này, nhưng một số nước đã tự tô hồng bản thân trước Ủy ban Châu Âu. Và vì những nước này vẫn bán trứng thu được từ các chuồng trại kiểu cũ nên họ đã đạt được lợi thế trong cạnh tranh. Vậy hãy kiểm tra ở khắp mọi nơi! – các nhà chăn nuôi ở Nam và Đông Âu (trong đó có Hungary) đề nghị.

Như vậy, cùng các đoàn khảo sát, sẽ phát sinh cả những vụ kiện cáo liên quan tới gà đẻ!

Tác giả bài viết: Sương Thu chuyển ngữ