Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN “XÚC PHẠM BIỂU TƯỢNG DÂN TỘC” TẠI HUNGARY

(NCTG) Quyền tự do biểu đạt có thể đi xa tới đâu, có giới hạn như thế nào trong mối tương quan tới những biểu tượng được coi là đại diện cho dân tộc, quốc gia, là một câu hỏi được chú ý nhân sự kiện nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị bắt giữ, dường như với lý do không chấp hành lệnh triệu tập của cơ quan chức năng trong vụ việc “liên quan đến xịt sơn lên cờ tổ quốc” (?).
Đốt cờ Mỹ ở ngoài tòa Bạch Ốc sau khi ông Donald Trump thắng cử (“The New York Times”)
Hãy xem vấn đề này hiện hữu trong hệ thống luật Hungary như thế nào!

Bị trừng phạt

Xúc phạm biểu tượng dân tộc” (nemzeti jelkép megsértése) được nhắc tới trong Luật Hình sự Hungary là một hành vi thuộc nhóm các hành vi chống lại sự bình an công cộng, và việc trừng phạt nó là nhằm “đảm bảo lợi ích xã hội gắn liền với việc tôn trọng những biểu tượng của nước Hung”, theo điều 334.§ Luật Hình sự.

Cụ thể hơn, Luật Hình sự Hungary quy định khung hình phạt tối đa là 1 năm tù giam đối với những ai “sử dụng ngôn từ xúc phạm hoặc hạ thấp Quốc ca, Quốc kỳ hoặc Vương miện Thiêng liêng của Hungary, cũng như làm nhục những biểu tượng ấy theo cách khác, nếu không cấu thành tội danh nặng hơn”. Ở một mức độ nhẹ hơn, người phạm tội có thể bị phạt tiền, hoặc buộc phải lao động công ích.

Theo dòng lịch sử, trở về quá khứ, tội danh này từng được điều tiết bởi điều 269/A.§ đạo luật IV năm 1978 (tức Luật Hình sự Hungary thời cộng sản). Sau biến chuyển dân chủ 1989-1990, đã có đề xuất được gửi lên Tòa án Hiến pháp Hungary đòi xóa bỏ điều luật này, vì cho rằng hình phạt như vậy là vi hiến.

Để hồi đáp, trong nghị quyết số 13/2000. (V.12.), Tòa Bảo hiến Hungary lý giải rằng, “không phải là không thể chỉ trích những định chế và biểu tượng thể hiện sự thống nhất của dân tộc (...), nhưng trong một số tương quan nhất định, chúng nằm ngoài sự đa nguyên của biểu đạt vốn được Hiến pháp bảo vệ”.

Nói cách khác, các biểu tượng quy định trong Hiến pháp Hungary được xem như biểu trưng cho sự đoàn kết thống nhất dân tộc và do đó, chúng mang tính bất khả xâm phạm và cần được tôn trọng. Xúc phạm chúng một cách công khai và cố ý bằng lời lẽ hay hành động (như xé, đốt, bôi bẩn cờ...) là hành vi phạm tội.

Viện dẫn điều luật này, trong những năm gần đây, đã có trường hợp một ca sĩ nhạc Rap của Hungary bị một nhóm cực hữu tố giác vì tội văng tục trong một ca khúc khi anh này trích đoạn phần lời của bản Quốc ca Hung. Thậm chí, hát Quốc ca dở, trình bày một cách “sai lạc” so với bản gốc cũng từng bị nhiều người coi là “xúc phạm biểu tượng dân tộc”.

Giới hạn mong manh

Tuy nhiên, chính nội dung bản nghị quyết kể trên - mang tính tiền lệ cho việc cấm đoán sự xúc phạm những biểu tượng dân tộc - cũng cho thấy bản thân các thẩm phán Tòa Bảo hiến có lẽ đã do dự, thậm chí có thể còn mâu thuẫn, khi họ khẳng định rằng không phải là không thể chỉ trích những biểu tượng dân tộc.

Hơn thế nữa, nghị quyết còn nhấn mạnh, những ý kiến mang tính phê phán, hay mang nội dung tiêu cực liên quan tới những biểu tượng dân tộc không thể bị trừng phạt bởi Luật Hình sự, mà là một phần của tự do biểu đạt được Hiến pháp bảo vệ. Câu hỏi đặt ra là, cần phải hiểu sự do dự và mâu thuẫn ấy như thế nào?

Hiệp hội vì các quyền tự do (TASZ), một tổ chức bảo vệ dân quyền và nhân quyền nổi tiếng ở Hungary, cho rằng đây là một trường hợp mà vấn đề giới hạn của quyền tự do ngôn luận được đặt ra. Với những công cụ của Luật Hình sự khiến quyền tự do biểu đạt bị ảnh hưởng hết sức nặng nề, cần trừng phạt những biểu hiện gì?

Đặt câu hỏi như trên, TASZ phân tích rằng bên cạnh việc Hungary cấm sử dụng những biểu tượng độc tài của hai thể chế cộng sản và quốc xã - cũng như cấm phủ nhận tội ác của hai thể chế đó - thì cấm đoán các hành vi xâm phạm những biểu tượng dân tộc là sự hạn chế quyền tự do biểu đạt ở mức rất đáng tranh luận.

Liên quan tới các biểu tượng dân tộc, TASZ cho rằng trái với từ “dân tộc” dùng ở đó, các biểu tượng này không đại diện cho dân tộc, mà đại diện cho nhà nước Hungary hiện tại. Tỉ như, Quốc kỳ Hungary, theo Hiến pháp, là biểu tượng chính thức của nước Hung cộng hòa hiện tại. Mà như thế thì cố nhiên phải có thể xúc phạm chứ!

Hiểu theo nghĩa đó, trong thực tế, các biểu tượng dân tộc vẫn bị xúc phạm không ít lần, chẳng hạn trong những trận túc cầu khi cổ động viên hai đội hú hét và làm ầm ĩ khi quốc ca của nước đối diện được vang lên. Phải chăng sự cấm đoán thông qua Luật Hình sự là câu trả lời thích hợp cho việc một biểu tượng, và thông qua đó, một nhà nước bị xúc phạm?
 
*

Nhìn ra thế giới, có thể thấy nhiều quốc gia có những đạo luật tương tự như của Hungary, và cũng có những nơi như Hoa Kỳ không trừng phạt việc hủy hoại quốc kỳ, chuyện thường gặp trong các cuộc biểu tình tuần hành, bằng cách liệt nó vào hàng những hành động mang tính biểu tượng để thể hiện quyền tự do biểu đạt được Tu chính án thứ nhất bảo vệ.

Hẳn nhiên, có thể và nên tôn trọng những biểu tượng thực sự của một dân tộc nếu chúng đại diện và biểu trưng cho những giá trị lịch sử, truyền thống, sự đoàn kết và đồng lòng của dân tộc đó. Theo chiều ngược lại, có thể không tôn trọng, nhưng cần ý thức được rằng xúc phạm những biểu tượng đó kéo theo sự trừng phạt về mặt hình sự.

Cho dù, bản thân hành động hủy hoại hay “nói xấu” một biểu tượng dân tộc nào đó không nhất thiết đồng nghĩa với mục đích “phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc”, mà đơn thuần có thể là một hành vi “bất tuân dân sự” nhằm khẳng định chính kiến, quan điểm của cá nhân trong một vấn đề nhất định, và đây là chuyện cũng không hiếm gặp trên thế giới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh