Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYẾN THĂM CỦA CHỦ TỊCH VIỆT NAM SAU 47 NĂM

(NCTG) Nhân chuyến thăm chính thức của chủ tịch Trần Đức Lương và phái đoàn cấp cao Việt Nam, nhật báo lớn nhất của Hungary, tờ "Tự do Nhân dân" (số ra ngày 19-5-2004) đã đăng tải bài viết của Dunai Péter, một ký giả kỳ cựu, từng có nhiều năm là phóng viên thường trú tại Việt Nam.

Tổng thống Hungary Mádl Ferenc hội đàm với chủ tịch Trần Đức Lương - Ảnh: TTXVN

Bài viết nhấn mạnh: "Đây là chuyến thăm chính thức Hungary đầu tiên, kể từ khi Hung gia nhập Liên hiệp châu Âu, của một nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á!" Xin giới thiệu đến quý độc giả! (BBT)

*

Từ gần nửa thế kỷ nay, không có vị chủ tịch nước Việt Nam nào đặt chân đến mảnh đất Hungary (lần cuối là vào năm 1957, khi đó lãnh tụ lừng danh Hồ Chí Minh đã qua Hung). Để bù đắp lại khoảng thời gian "trống" đó, ngày 19-5-2004, chủ tịch Việt Nam Trần Đức Lương cùng một đoàn doanh nghiệp đông đảo đã đến thăm chính thức Budapest, theo lời mời của tổng thống Mádl Ferenc.

Mục đích chính của chuyến đi là tái đàm phán những hiệp định quốc gia trước đây (đã hết hiệu lực khi Hung gia nhập Liên hiệp châu Âu), đặt mối quan hệ Hung - Việt trên những nền tảng mới, trong hoàn cảnh mới. Trong vùng Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia đầu tiên mà Hungary, trên cương vị một nước thành viên khối EU, đặt lại mối quan hệ. Đây cũng là một bổn phận mà Hungary phải thực hiện, chiểu theo các luật EU: từ ngày 1-5-2004, nước Hung phải chấm dứt tất cả các hiệp định song phương và đa phương, và bắt đầu ký các hiệp định mới theo chuẩn EU.

Mối quan hệ tốt đẹp truyền thống giữa Hung và Việt Nam có thể đem lại thuận lợi cho Budapest: là một thành viên EU, Hungary có thể tham gia thực hiện và tổ chức chương trình viện trợ cho nước ngoài của Liên hiệp châu Âu, mà chính Việt Nam là một "ứng cử viên" nặng ký nhất.

Ở vùng Đông Nam Á, hiện nay, đang diễn ra một cuộc chiến giữa sự phát triển kinh tế năng động, giữa các đại diện của hệ giá trị dân chủ, và các thế lực bảo thủ mà đại diện chủ yếu là giới Hồi giáo bảo thủ. Tình hình này diễn ra ở Thái Lan, Philippines, cũng như Indonesia. Việt Nam, một quốc gia ổn định, khước từ mọi hình thức cực đoan, đã làm tăng tính bền vững của khu vực.

Hungary có lợi ích là tận dụng những khả năng tiềm ẩn trong các mối quan hệ ngoại thương Hung - Việt. Kim ngạch ngoại thương giữa Hung và Việt Nam (năm ngoái là 66 triệu USD) chỉ vỏn vẹn 0,2% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, nghĩa là ít hơn rất nhiều so với những gì hai nước có thể có. Cho dù, chừng ba ngàn người Việt Nam, từng du học và vẫn giữ những kỷ niệm đẹp đẽ về đất nước này, đa số hiện đang giữ cương vị lãnh đạo, có thể là "nhân tố con người" vô cùng lớn, nếu Hungary thực sự biết tận dụng.

Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia nghèo nhất trong vùng (chỉ số GDP/ đầu người chỉ nhỉnh hơn một phần mười của Hung chút đỉnh), đất nước này trong vòng một thập niên rưỡi trở lại đây đã có mức tăng trưởng kinh tế rất tốt (5-9% hàng năm). Với dân số hơn 80 triệu người, Việt Nam có thể là thị trường tiêu thụ tốt đối với tân dược và dụng cụ y tế Hung (hai mặt hàng vốn được người Việt quen biết và đánh giá cao từ hơn nửa thập kỷ qua), cũng như đối với các thiết bị năng lượng và viễn thông Hungary.

Từ Việt Nam, Hungary có thể nhập khẩu cà phê, chè, gạo, đồ may mặc và đồ gỗ. Phụ nữ Việt Nam nổi tiếng là có bàn tay vàng trong may mặc: từ cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, các hãng thời trang của Pháp như Guy Laroche và Pierre Cardin đã sử dụng nguồn nhân lực phụ nữ Việt Nam (làm công ăn lương). Và tại Việt Nam, cũng đã có xưởng may "Hung" (cũng như trại gia cầm "Hung"). Bàn tay phụ nữ cũng khéo léo trong việc lắp đặt những linh kiện điện tử (như trong trường hợp Đài Loan), đây là yếu tố có khả năng đặt nền móng cho sự phát triển (đã có thể nhận biết được) của ngành công nghiệp Tin học Việt Nam. Các đối tác Hung có thể nghiên cứu vấn đề này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Hung - Việt, tổ chức tại Budapest ngày 20-5-2004.

Ngoài ra, từ một nước phải nhập khẩu gạo, Việt Nam đã đứng đầu thế giới trong số các quốc gia xuất khẩu gạo, và có lẽ trên phương diện xuất khẩu dầu thô, chẳng bao lâu nữa, xứ sở này cũng sẽ có vai trò lớn hơn bởi sản lượng hiện tại đã gấp đôi nhu cầu cần dùng trong nước.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh chuyển ngữ