Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN HUNGARY

* Báo chí Hung, trong vòng vài ngày, ồn ào vì chuyện một bác sĩ trưởng ở Bệnh viện János, có uy tín trong nghề, đã không điều trị cho một sĩ quan cảnh sát, vì "những lý do lương tâm".

Câu chuyện xuất phát từ cô vợ anh cảnh sát, vốn là một y tá của bệnh viện. Ngày 27-10-2006, khi thấy chồng bị đau nhức chân từ 2 ngày và "tín nhiệm" nơi mình làm việc, cô đã xin bác sĩ khám cho chồng cô. Tuy nhiên, ông bác sĩ này, theo lời "tố cáo" của cô vợ, đã dùng những lời lẽ khiếm nhã để chối tờ việc khám bệnh: "Hẳn là cậu ta suốt ngày chạy rông theo đoàn người biểu tình hòa bình, nên mới bị đau chứ gì? Cứ để vài ngày là khắc tự khỏi!" Rồi, vẫn theo cô vợ, ông bác sĩ viện cớ "lương tâm", không điều trị cho anh cảnh sát. Uất ức, cô vợ vừa khóc vừa gọi điện cho chồng, và sau đó, báo chí Hung được biết đến và "khai thác tận tình" trường hợp hy hữu này!

Điều thú vị nhất là cả ông bác sĩ lẫn anh cảnh sát đều có tên trùng với tên vị thủ tướng Hung trong cách mạng 1956: Nagy Imre!

Mọi sự được khuấy lên nhanh chóng. Cảnh sát Hung tiến hành truy cứu hình sự bác sĩ Nagy Imre với tội danh "không cứu người bệnh". Bệnh viện János mở cuộc điều tra nội bộ để xem sự thể ra sao. Báo chí Hung hồ hởi phỏng vấn các luật sư xem khi nào thì một bác sĩ có quyền viện dẫn "lý do lương tâm" để từ chối điều trị bệnh nhân...

Tuy nhiên, như người Hung thường nói, những eo xèo này không vượt quá 3 ngày (minden csoda 3 napig tart). Nhóm chuyên gia ÁNTSZ, được giao nhiệm vụ điều tra vụ việc này, cho biết Bệnh viện János không hề có lỗi gì. Về phần mình, bác sĩ Nagy Imre cho biết: vào ngày hôm đó, ông đang chuẩn bị cho một ca phẫu thuật thì nhận được lời đề nghị khám bệnh cho đại úy Nagy Imre. Vì các đồng nghiệp và người bệnh đã chờ ông trong phòng mổ, nên dĩ nhiên ông phải từ chối đề nghị đó. Mặt khác, theo đúng quy định của bệnh viện, nhiệm vụ khám bệnh nhân mới nhập viện là thuộc phần bác sĩ trực, và đại úy Nagy Imre cũng đã được điều trị như thế. Hơn nữa, trong khi được khám, chính vợ anh cũng có mặt trên tư cách y tá, và là người tiêm thuốc giảm sưng cho anh.

Mở đầu ồn áo trên các phương tiện truyền thông, nhưng kết cục của câu chuyện lại chỉ được nhắc đến rất... hạn chế, trong một khung tin nhỏ. Đúng như tựa đề một vở hài kịch của Shakespearre, "có gì đâu mà rộn?"

* Phe đối lập và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền Hung đồng thanh phê phán cảnh sát Hung trong cái gọi là "vụ bạo hành" ngày 23-10 vừa qua. Đảng FIDESZ còn hiệu triệu hàng vạn người xuống đường, cầm đuốc tuần hành phản đối "tệ bạo hành cảnh sát", trong ngày 4-11-2006 vừa qua, thực ra là ngày quốc tang tưởng nhớ những anh hùng của cách mạng 1956.

Vài trăm cảnh sát đã bị thương, có người bị thương nặng, trong khi thực thi nhiệm vụ thời gian qua. Cảnh sát phải đeo phù hiệu để nhận diện, nhưng người "biểu tình" thì có thể đeo mặt nạ... - Ảnh: [index]

Cảnh sát Hung bị chê trách tứ bề trong gần 2 tháng qua. Thoạt tiên, gần như bị "cấp trên" bỏ rơi (không tiếp viện đầy đủ), họ bị những tên hu-li-gan hành hung đến mức thảm hại trong đụng độ tại Đài Truyền hình Hung, để rồi người đứng đầu cảnh sát bị phê phán là "không dứt khoát". Đến khi, cảnh sát "dứt khoát" trước những cuộc bạo loạn, phá rối trật tự trị an, thì bị coi là bạo hành. Một chuyện thực ra không lớn, hay được nêu ra để chỉ trích họ: cảnh sát Hung, khi bảo vệ trật tự trị an trong mấy tuần qua, thường không đeo phù hiệu, nên không thể nhận dạng họ được.

Điều này, những kẻ phê phán có cái lý của họ. Một khi không thể nhận dạng được người cảnh sát, rất có khả năng anh ta sẽ lạm dùng quyền lực của mình với "lương dân". Mặt khác, người dân có quyền đòi hỏi cảnh sát, khi thực thi nhiệm vụ, phải lễ độ báo cho họ biết tên tuổi, chức vụ và mục đích của "công vụ" đó. Những điều này rất đúng và hay, trên giấy tờ...

Vì thực tế nhiều khi khác hẳn. Để đối phó với những nhóm côn đồ, đã quen với những trận ẩu đả, gây lộn sau các trận bóng đá, cảnh sát rất khó... lễ độ. Nhất là khi, nhưng trong thới gian qua, hu-li-gan Hung thường trùm kín đầu, chỉ để hở mắt, hoặc đeo mặt nạ để không ai nhận diện được chúng. Nếu muốn "biểu tình hòa bình" như phe đối lập nói, tại sao lại cần "hình sự hóa" đến thế?

Ở nhiều nước trên thế giới, biểu tình được cho phép ở mức độ... thoải mái nhất, nhưng người đi biểu tình không được phép che mặt mũi, hoặc làm những "động tác" để che giấu nhân thân, khiến không ai nhận diện được họ.

Bộ Tư pháp và Trị an Hung đã đề xuất: khi sửa đổi đạo luật về mít-tinh, biểu tình..., Quốc hội Hung hãy lưu ý đến điểm này... Những kẻ phản đối cảnh sát, có lẽ cũng nên "tiên trách kỷ..."

Tác giả bài viết: H.Linh