Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN DÂN TZIGANE HUNG TRÀN SANG THỤY ĐIỂN, HAY LÀ MỘT VẤN NẠN CỦA CHÂU ÂU

(NCTG) Từ trung tuần tháng 11-2006, ở Hung, đã dấy lên một làn sóng người Tzigane (Di-gan) sang Thụy Điển xin tị nạn chính trị. Cụ thể, từ vài thành phố nghèo (Komló, Mohács...) thuộc tỉnh Baranya (miền Nam nước Hung), tính đến nay, đã có hơn 300 người, thường đi theo từng gia đình, sang một thành phố nhỏ ở Thụy Điển là Malmo, và đệ đơn tị nạn chính trị.

* SỰ KIỆN:

Trong số đó, đã có một số gia đình trở về Hung khi nhận thấy họ không tìm được "miền đất hứa" như hy vọng, tuy nhiên, nhiều gia đình hiện vẫn tiếp tục chuẩn bị lên đường. Là một nước thành viên Liên hiệp Châu Âu, người Tzigane gốc Hung có quyền đi lại tự do trong EU mà không cần chiếu khán: do đó, mặc dù chính phủ hai nước Hung và Thụy Điển họ họp bàn và tìm cách giải quyết vấn đề di dân này, nhưng trên nguyên tắc, dân Tzigane có thể ở lại Thụy Điển trong khoảng thời gian tối đa là 3 tháng, mà không thể trục xuất họ.

Tính chất của kỳ di dân này, theo cả hai phía Hung và Thụy Điển, là tị nạn kinh tế. Thụy Điển cho biết họ không thấy có lý do gì để chấp nhận quy chế tị nạn chính trị cho đoàn người Tzigane này (một lý do chính là họ đến từ một quốc gia thuộc EU), và đến nay, vẫn chưa đơn tị nạn nào được chấp nhận. Phía Thụy Điển cũng tuyên bố rằng trái với những thông tin thất thiệt về "thiên đường Thụy Điển", xứ này không có công ăn việc làm cho những người nhập cư ít học và không biết ngoại ngữ (như trường hợp người Tzigane Hung), cũng như, người đến nước này xin tị nạn không được khoản tiền trợ cấp nào thật đáng kể, trong trường hợp phải hồi hương. Tuy nhiên, phía Thụy Điển, theo đúng nguyên tắc, vẫn phải xét từng đơn tị nạn và cho dù họ có bác đơn thì cũng không thể trục xuất được người Tzigane về nước trước thời hạn 3 tháng như đã nói ở trên. Về phía Hung, ngay những người Tzigane xin tị nạn cũng không giấu mục đích của họ là sang Thụy Điển tìm việc làm, và đại diện chính quyền tự quản Tzigane Hung cũng xác nhận điều này (nghĩa là họ loại trừ lý do chính trị). Lý do khiến các gia đình Tzigane đến Malmo, chứ không phải thành phố nào khác, được lý giải là bởi từ Hung, chỉ có những tuyến bay giá rẻ đến đó.

Đoàn người Tzigane xin tị nạn ở Thụy Điển cũng từ chối sự giúp đỡ ngoại giao của các đại diện chính quyền tự quản Tzigane ở Hung, họ cho rằng các chính khách càng dây dưa vào chuyện này bao nhiêu thì khả năng kiếm được việc để ở lại làm việc của họ càng giảm bấy nhiêu. Một số người trong đoàn được báo chí phanh phui là thực ra cũng khá giả, và theo những phát biểu với báo giới, nếu không được tị nạn ở Thụy Điển thì họ sẽ tiếp tục dến các nước Bắc Âu khác vì theo họ, ở đó "dễ thở" hơn ở Hung. Vả lại, theo họ, là công dân EU, họ có quyền đi và chọn nơi nào dễ sống để làm đất định cư. Chính giới Hung tin rằng có nhiều khả năng là trong dịp này, đã có những nhóm đứng sau người Tzigane, tổ chức các chuyến đi và cung cấp những thông tin thất thiệt cho họ, nhằm kiếm lợi nhuận kinh tế. Một điều chắc chắn là một số người Hung gốc Tzigane sống ở Malmo đã đưa ra nhiều viễn ảnh đường mật, khiến dân Tzigane ở Hung bị đánh lừa.

Về phần chính quyền Hung, một mặt lo ngại Thụy Điển có thể tái lập chế độ thị thực đối với công dân mình, mặt khác không có cách nào ngăn cản được dòng người Tzigane sang Thụy Điển, có thể làm tổn hại hình ảnh của Hung tại EU. Cần nhắc lại là cách đây 5 năm, khi Hungary chưa gia nhập Liên hiệp Châu Âu, nhiều gia đình Tzigane Hung đã sang Pháp xin tị nạn chính trị, với lý do tại Hung họ bị phân biệt đối xử. Cho dù chính giới Hung không nghĩ rằng những lý do được họ đưa ra trong dịp đó tại Tòa án Nhân quyền Châu Âu sẽ được chấp nhận, nhưng một thực tế là Pháp đã duyệt đơn xin tị nạn chính trị cho một số gia đình trong đoàn, và có lẽ đây cũng là lý do khiến lần này, chính phủ Hung ít có những lời xác quyết liên quan đến tính chất di dân của người Tzigane tại Thụy Điển.

* VẤN ĐỀ TZIGANE Ở CHÂU ÂU

Thực ra, vấn đề Tzigane không chỉ xuất hiện ở Hungary hay vùng Đông Âu, mà còn là một vấn nạn của cả Liên hiệp Châu Âu, nơi con số người gốc Tzigane là rất nhiều, nhưng không có thống kê chính xác vì ở nhiều nước, việc hỏi về sắc tộc không được pháp luật cho phép trong các kỳ thống kê.

Trước hết là việc phân biệt đối xử. Trong lịch sử thế kỷ XX, Tzigane luôn là sắc tộc bị xua đuổi, đàn áp và kỳ thị tại Châu Âu. Thời Đức quốc xã, họ còn bị coi là sắc tộc hạ đẳng, bị đưa đi Lò thiêu, bị làm vật thí nghiệm trong tay các "bác sĩ tử thần". Tại các xứ XHCN cũ ở Đông Âu thời xưa, danh chính ngôn thuận người Tzigane không bị phân biệt đối xử, nhưng họ vẫn là những "công dân hạng hai" ở xứ sở họ cư ngụ.

Hiện tại, theo một thống kê mới đây nhất của Trung tâm Theo dõi về tệ kỳ thị chủng tộc và phân biệt đối xử của Châu Âu, có trụ sở ở Vienna (Áo), tại EU, dân Tzigane hay bị kỳ thị nhất, đặc biệt trong giáo dục, công ăn việc làm và khi đi tìm nhà cửa. Ở Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia, trẻ em gốc Tizgane rất bị kỳ thị, nhiều khi phải học các trường lớp riêng, cách ly, với chất lượng kém. Người Tzigane rất khó tìm việc và thuê nhà, và nếu có việc cũng thường bị mức lượng kém hơn so với đồng nghiệp. Tỉ lệ thất nghiệp và thất học của người Tzigane đặc biệt cao. Trong các vụ đụng độ với cảnh sát, sắc dân Tzigane cũng thường là nạn nhân.

Là một sắc tộc quen với lối sống du canh du cư, lang bạt, ở rất nhiều nơi, người Tzigane không hội nhập được với xã hội và điều này càng khiến sự kỳ thị với họ gia tăng. Tại Hungary, cho dù chính phủ đã dành riêng nhiều khoản tiền lớn để trợ giúp người Tzigane đến trường, học hỏi và vào đời, nhưng sự thực ít người Tzigane nào quan tâm và tận dụng khả năng đó. Các hội đoàn mang danh đại diện và bảo vệ quyền lợi cho sắc dân Tzigane, nhiều khi cũng chỉ coi dân Tzigane là phương tiện cho những lợi ích chính trị và kinh tế của họ. Đây cũng là tình hình ở nhiều nước Đông Âu, trong đó có Romania là nơi mà số dân Tzigane lên tới con số hai triệu...

Việc người Tzigane Hung, một nước thuộc EU, tràn sang Thụy Điển xin tị nạn, cũng như cách xử lý của chính quyền Thụy Điển trong dịp này, có lẽ sẽ đặt ra những tiền lệ cho Châu Âu trong việc giải quyết vấn đề Tzigane, tới nay vẫn còn nan giải...

Tác giả bài viết: H.Linh, theo báo Hung