Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“CHỈ MỞ ĐƯỢC 2-3 TUẦN THÔI, NẾU AI CŨNG VÔ TRÁCH NHIỆM THẾ NÀY!”

(NCTG) Đó là ý kiến của một chủ tiệm nằm ở chân Cầu Erzsébet (phía bên Pest), khi thấy những tấm ảnh trên báo chí về đoàn người đông nghịt và đa số không đeo khẩu trang trong ngày đầu tiên quán xá được mở sau nửa năm phải đóng cửa. Giới nghiên cứu và lãnh đạo Budapest cũng tỏ ra quan ngại trước việc này.
Niềm phấn khích khi một phần tự do trở lại, nhưng liệu có rủi ro? - Ảnh: Kaszás Tamás (index.hu)
Là chủ tiệm KIOSK, anh Hlatky-Schlichter Hubert cho rằng không hay ho gì khi có qua đông người chen lấn nhau trong nội đô, và nếu tình hình cứ tiếp tục như thế này - đâu đâu cũng như hội hè ngoài phố - thì “sẽ đến lúc người dân than vãn “sao lại phải đóng cửa”, vì hậu quả của nó có thể là như vậy”. Mặc dù hy vọng tiên đoán của mình sẽ sai, anh nhấn mạnh: “Được mở tiệm không có nghĩa là dịch đã chấm dứt, và dịch sẽ không hết nhanh được”.

Mạng index.hu ghi nhận bầu không khí rất náo nức, như thể một phần cuộc sống đã trở lại, khi chính quyền cho phép các hàng quán được mở phần ngoài sân, vườn, vỉa hè, tầng thượng... Gần nửa năm nay, những dịp gặp mặt, giao lưu, trò chuyện bên ly cà phê hoặc bàn ăn bị đình chỉ, nhưng câu hỏi được đặt ra là mở bây giờ có quá sớm không, có “lạc quan tếu” không, khi hàng ngày vẫn có hơn 200 ca tử vong và biến thể Ấn Độ đang hoành hành.

Anh Hlatky-Schlichter Hubert cho hay có thể đáp ứng các quy định phòng dịch, nhưng tùy từng vị trí mà có thể yêu cầu thực khách ra sao. Ví dụ, giữ cự ly an toàn, khách ngồi bàn không cần đeo khẩu trang, nhưng khi đứng dậy đi lại hoặc vào trong nhà hàng thì cần, để bảo vệ chính mình và ê-kíp phục vụ (đa phần đã được tiêm chủng và luôn phải rửa tay, khử trùng). Có điều, khó thực hiện khi khách đã “uống vào”, hoặc đã tới mức vui nhộn “quá đà”.
 
Khách tại sân ngoài của một cơ sở ẩm thực Budapest - Ảnh: index.hu
Khách tại sân ngoài của một cơ sở ẩm thực Budapest - Ảnh: index.hu

Bác sĩ nội khoa Vajó Zoltán một chuyên gia về dị ứng học và miễn dịch học lâm sàng thì nhận định, bản thân việc mở hàng quán không phải là vấn đề, vì nếu hạn chế lượng khách, giữ cự ly quy định thì nó không nguy hiểm như trong một không gian kín, ví dụ rạp phim. Chỉ có điều, người dân khi được “cởi trói” sẽ có xu hướng “xả láng” hết mình (một điều dễ hiểu) và không quan tâm nữa tới những biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cần thiết.

Vị giáo sư cho biết thêm, rủi ro cũng đến từ việc người đi “ăn nhậu” thường là giới trẻ, dạng đối tượng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. “Cũng như mọi thứ khác, chỉ về sau mới biết được, không xuống nước thì khó biết bơi ra sao”, ông nói. Trong khi đó, chính phủ Hung vận động rầm rộ vụ mở cửa, bảo “đứng về phía dân làm hàng quán” nên trong cả năm nay sẽ miễn phí sử dụng diện tích công cộng cho họ, theo Phát ngôn viên Szentkirályi Alexandra.

Điều mà khi khác khiến tôi tự hào, thì bây giờ làm tôi âu lo” là suy nghĩ của Thị trưởng Budapest, ông Karácsony Gergely, trong một ghi chép trên mạng xã hội Facebook. Vị chính khách nói rằng ông hiểu mong muốn tự do của cư dân thủ đô, nhưng ông muốn khuyên mọi người hãy thật cẩn trọng, vì “mở cửa từng bước không có nghĩa là dịch bệnh đã lùi xa”, mà là “chính phủ trao một phần lớn trách nhiệm cho công dân”, và do đó “cần hành xử tỉnh táo”.
 
Niềm vui khi có dịp tái gặp mặt - Ảnh: Marjai János (24.hu)
Niềm vui khi có dịp tái gặp mặt - Ảnh: Marjai János (24.hu)

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh