CHARLES SIMONYI, NGƯỜI HUNG THỨ HAI LÊN VŨ TRỤ!
- Thứ bảy - 07/04/2007 15:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, nếu như chuyến bay của Farkas Bertalan với các đồng nghiệp Liên Xô trước kia được tiến hành theo phương châm “quốc tế vô sản” của khối XHCN (tương tự như chuyến của Phạm Tuân và Gorbatco) thì lần này, Charles Simonyi đã phải móc hầu bao khá sâu để chi phí cho chuyến “viễn du”. Charles có thể làm điều đó một cách dễ dàng, nếu chúng ta biết rằng nhà khoa học Hung 58 tuổi này (đã mang quốc tịch Hoa Kỳ từ lâu nay) được tờ tạp chí “Forbes” liệt vào hàng 400 người Mỹ giàu có nhất (thứ hạng 374) với gia sản 1 tỉ USD.
Từ giã trước khi lên đường: Charles Simonyi sẽ “cư ngụ” trên vũ trụ cho dến ngày 20-4-2007 - Ảnh: Maxim Marmur (AFP)
Charles Simonyi (Simonyi Károly) là con trai của giáo sư, viện sĩ Simonyi Károly (1916-2001), nhà vật lý lớn của nước Hung, Giải thưởng Kossuth và Giải thưởng Quốc gia, tác giả cuốn “Lịch sử Vật lý” lừng danh (được coi là “Thánh Kinh” về lịch sử vật lý), người thày của nhiều thế hệ du học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam tại Hung. Năm 1966, khi mới 18 tuổi, Charles Simonyi di cư sang Đan Mạch; hai năm sau, ông sang Mỹ, tiếp tục theo học Toán và Tin học tại Đại học Berkeley, rồi lấy bằng tiến sĩ tại Đại học Stanford. Bắt đầu nghiên cứu Tin học tại hãng Xerox PARC, Charles Somonyi là người phát triển chương trình soạn thảo văn bản đầu tiên mang tên Bravo (cho loại máy điện toán cá nhân Alto), cho phép người sử dụng có thể kiểm tra trước “hình dạng” của văn bản trước khi in (WYSIWYG). Năm 1981, ông gia nhập tập đoàn Microsoft và tại đó, ông đứng đầu nhóm lập trình và thiết kế các chương trình Word và Excel. Năm 2002, Charles đột ngột rời bỏ Microsoft và cùng một đồng nghiệp là ông Gregor Kiczales (GS Đại học British Columbia), họ thành lập hãng Intentional Software Company.
Bắt đầu những buổi huấn luyện cho chuyến du hành vũ trụ từ tháng 9-2006 tại Trung tâm huấn luyện các du hành gia mang tên Gagarin (Nga), vào hồi 17 giờ 35 phút chiều thứ Bảy 7-4 (giờ Hungary), cùng hai đồng sự người Nga, Charles Simonyi theo con tàu Soyuz TMA-10 (Nga) lên Trạm Quỹ đạo Quốc tế (ISS). Theo dự tính, ông sẽ trở về Trái đất trên con tàu Sojuz TMA-9 với hai du hành gia Mikhail Tyurin (Nga) và Michael Lopez-Alegria (Mỹ). Mục đích của chuyến đi, theo Charles, là để thu thập kiến thức với “cái giá” chừng 20-25 triệu USD!