Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CÁC “BÀ BẦU” VÀ PHỤ NỮ CHO CON BÚ ĐƯỢC ĐẶC CÁCH TIÊM CHỦNG TỪ 27-3

(NCTG) Theo kế hoạch ban đầu, lẽ ra thứ Sáu 26-3 Hungary phải nhận được 191.638 liều vaccine AstraZeneca, nhưng rốt cục chỉ có 21.600 liều được chuyển giao. Dầu vậy, nước Hung cũng đã nhận được 3.835.035 liều vaccine các loại, đủ tiêm cho 2.042.427 người, và đã có hơn 1,8 triệu người được chích ngừa, trong đó có 71% số người trên 65 tuổi đã đăng ký, theo thông báo của chính quyền nước này.
Trái với suy nghĩ ban đầu, mang thai trong mùa dịch rất nguy hiểm - Ảnh: Martin Bureau (AFP)
Tổng cộng, Magyarország đã đặt 31.014.000 liều vaccine, đủ dùng cho 17.687.000 người. Hiện tại, nước này đang sử dụng 5 loại vaccine, trong đó có 3 loại thuộc dự án vaccine chung của Liên Âu (Pfizer−BioNtech, Moderna và AstraZeneca), và 2 loại theo chương trình “Vaccine Phương Đông” (Sputnik V và Sinopharm) thuộc thẩm quyền cá nhân của Hungary.

Cũng trong chính sách “Vaccine Phương Đông”, 2 loại thuốc chích ngừa mới vừa được Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia Hungary (OGYÉI) thông cáo cấp phép hôm 22/3 là CanSino (Trung Quốc) và CoviShield (Ấn Độ) đang còn trong vòng đàm phán, nhưng sẽ có nhanh và sẽ được sử dụng sau khi Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia (NNK) phê chuẩn.

Theo thông báo chính thức, chính phủ Hungary đã đặt hàng như sau:

- Pfizer-BioNtech: 10.870.000 liều (1.296.735 liều đã đến),
- Moderna: 1.744.000 liều (134.400 liều đã đến),
- AstraZeneca: 448.300 liều (448.300 liều đã đến),
- Sputnik V: 2.000.000 liều (855.600 liều đã đến),
- Sinopharm: 5.000.000 liều (1.100.000 liều đã đến).


Cũng trong dự án vaccine chung của Liên Âu, còn loại đơn liều của Johnson & Johnson, nhưng chưa được chở đến (Hungary cũng đặt tổng cộng 4.860.000 liều, đủ tiêm cho ngần ấy người). Như vậy là Hungary mới nhận được chừng 8% từ dự án Liên Âu, và 28% từ chương trình “Vaccine Phương Đông”, cho thấy sự vượt trội của chính sách “Hướng Đông”.
 
Tiêm chủng được coi là lối thoát khả dĩ duy nhất qua mùa dịch - Ảnh: index.hu
Tiêm chủng được coi là lối thoát khả dĩ duy nhất qua mùa dịch - Ảnh: index.hu

Vaccine càng là vấn đề nóng bỏng khi dịch bệnh giai đoạn 3 ở Hungary vẫn không có dấu hiệu ngừng: nước này tiếp tục lập “kỷ lục bi thảm về số ca nhiễm phải dùng máy trợ thở (1.512 ca), trong khi 24h qua vẫn có tới 10.167 ca nhiễm mới và 253 ca tử vong, khiến số người bị thiệt mạng ở Hung vì Covid-19 tiệm cận con số 20 ngàn, kể từ ngày 4-3 năm ngoái.

Dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nặng nề tới các “bà bầu” hoặc phụ nữ đang cho con bú, nên trái với quy chuẩn trước đây, các đối tượng trên sau khi đăng ký, sẽ được ưu tiên tiêm chủng tại các điểm tiêm chủng ở hệ thống các Đại học Y khoa của Hungary, kể từ ngày hôm nay, 27-3-2021. Việc giới thiệu đi tiêm, là do các bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ sản phụ khoa.

Cụ thể, sau khi NNK cho phép tiêm chủng với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú vào ngày 26-3, chính quyền đã quyết định tiêm vaccine Pfizer hoặc Moderna - 2 loại thuốc chủng ngừa “thế hệ mới” được đánh giá cao nhất - cho họ, căn cứ đánh giá lợi, hại của bác sĩ điều trị và mong muốn của đương sự. Điều kiện là trước đó, họ cần đăng ký trực tuyến.

Với các “bà bầu”, mũi tiêm đầu dành cho người đang mang thai ở giai đoạn 2 hoặc 3, và mũi kế tiếp sau khi sinh nở. Phụ nữ đang cho con bú có thể tiêm chủng vào bất cứ lúc nào, mũi thứ hai cách mũi đầu 5 tuần. GS. Merkely Béla, Hiệu trưởng Đại học Y khoa Semmelweis (SOTE, Budapest) cho hay trường đã sẵn sàng tiêm “đặc cách” cho 2 dạng đối tượng trên.
 
Một “bà bầu” xét nghiệm nhanh Covid-19 tại TP. Bonn, Đức ngày 17/1/2021 - Ảnh: Ute Grabowsky (Photothek)
Một “bà bầu” xét nghiệm nhanh Covid-19 tại TP. Bonn, Đức ngày 17-1-2021 - Ảnh: Ute Grabowsky (Photothek)

Trong một diễn biến có liên quan, Kênh RTL Klub đưa tin mới đây, một bà mẹ 7 con ở TP. Eger đã phải mổ đẻ ở tuần 37, nhưng sau đó phải thở máy và qua đời (gia đình bà hiện đang quyên góp và nhờ cộng đồng giúp đỡ vì gặp khó khăn lớn). Một bà mẹ trẻ khác (23 tuổi) ở tỉnh Fejér bị nhiễm Covid-19 khi mang thai, nhưng còn kịp mổ đẻ, và qua đời sau đó.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh