Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Báo chí Hungary: CÓ THỂ HỌC HỎI NHIỀU ĐIỀU TỪ VIỆT NAM!

"Đông - Trung Âu chúng ta cũng có thể học hỏi nhiều điều từ Việt Nam" là tựa đề một bài phân tích trên nhật báo "Dân tộc Hungary" (Magyar Nemzet) số ra ngày 20/1/2024, trong loạt bài rất "dày dặn" về chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tại Hungary (18-20/1).
Ảnh: Facebook của Thủ tướng Orbán Viktor
Là một trong số hiếm hoi các nhật báo chính luận còn tồn tại cho đến nay tại Hungary, tờ báo có lịch sử từ năm 1938 này đăng tải góc nhìn của nhà bình luận Klemensits Péter, cộng tác viên khoa học cao cấp thuộc Trung tâm Á - Âu, Đại học Neumann János (Budapest) về mối quan hệ Việt Nam - Hungary, cũng như về vai trò của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Bối cảnh bài phân tích là chuyến công du cấp chính phủ tới Hungary của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau 7 năm, cũng như phát biểu của Thủ tướng Orbán Viktor sau cuộc đàm phán cấp cao Hung - Việt: "Châu Á đang trỗi dậy không ngừng và chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn cho Hungary trong hệ thống kinh tế thế giới mới này".

"Sự trỗi dậy của các nước Châu Á không phải là một hiện tượng nhất thời, Phương Tây phải hiểu rằng không phải chỉ có mình họ trong việc đưa ra các luật chơi kinh tế", đó là phát biểu của Thủ tướng Viktor Orbán sáng thứ Sáu 19/1, đề cập đến chuyến thăm chính thức Hungary của người đồng nhiệm Việt Nam, ông Phạm Minh Chính. Tại cuộc họp báo chung được tổ chức vào chiều 18/1, Thủ tướng Hungary khẳng định rằng sự phát triển của Châu Á trong hệ thống kinh tế thế giới mới cũng mang lại những cơ hội lớn cho Hungary.
 
Ảnh: Facebook của Thủ tướng Orbán Viktor
Ảnh: Facebook của Thủ tướng Orbán Viktor

Trả lời tờ "Dân tộc Hungary", nhà phân tích Klemensits Péter nhắc nhở câu chuyện quá khứ, rằng mối quan hệ Hungary-Việt Nam đã có từ những năm 1950 và trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, miền Bắc Việt Nam là một đối tác quan trọng của Hungary. Ông nói thêm, Hungary đã ủng hộ cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam và sau khi nước CHXHCN Việt Nam ra đời với sự thống nhất hai miền Nam-  Bắc, quan hệ hữu nghị ấy vẫn được tiếp tục.

Trước đó, trong thời gian 1973-1975, Hungary cũng đã cử phái bộ đến Việt Nam với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình (hơn 600 quân nhân, lính biên phòng, ký giả báo chí, nhân viên dân sự và ngoại giao Hungary tham gia Ủy ban Kiểm soát và Giám sát Quốc tế (ICCS) với nhiệm vụ giám sát ngừng bắn tại Việt Nam, kiểm tra những vi phạm ngừng bắn, kiểm soát việc trao trả tù binh và giám sát sự giải trừ quân bị - ND), và sau đó các thành viên này cũng đã góp phần đào tạo 3.500 sĩ quan cho Việt Nam.

Kỷ lục thương mại giữa Hungary và Việt Nam

Trong 75 năm qua, quan hệ Hungary-Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc: năm 2018, hai nước đã nâng quan hệ lên mức đối tác toàn diện. Trong những năm gần đây, quy mô thương mại song phương ngày càng tăng: từ năm 2020 đến năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đã vượt quá 1 tỷ USD. Ông Klemensits Péter nói thêm rằng trước khi có virus Corona, thương mại đã gia tăng đáng kể, nhưng sau đó lại có sự sụt giảm nhẹ. Tuy nhiên, hiện tại, lại có thể quan sát trở lại xu hướng tăng trưởng.
 
Ảnh: VTV
Ảnh: VTV

Dẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Szijjártó Péter, chuyên gia này cho biết, mức xuất khẩu của Hungary sang Việt Nam lập kỷ lục, đạt 100 triệu USD/năm. Ông cũng nhắc lại rằng Hungary trước đây đã đề nghị cho Việt Nam vay tín dụng 500 triệu Euro và có sự hợp tác chặt chẽ giữa Budapest và Hà Nội trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nông nghiệp và quản lý nước. Tính đến mùa hè năm 2023, Hungary có 22 dự án ở Việt Nam, trị giá hơn 70 triệu USD.

Theo các số liệu chính thức, có khoảng 6.000 công dân Việt Nam sinh sống dài hạn ở Hungary, nhưng Ông Klemensits Péter nhấn mạnh thêm rằng chừng 4.000 trí thức Việt Nam trước đây đã theo học và tốt nghiệp đại học ở Hungary. Ông cho rằng tất cả những điều này tạo cơ hội thúc đẩy hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai nước. Ông nói thêm rằng Stipendium Hungaricum Hungary đã cung cấp 200 suất học cao hơn cho người Việt Nam.

Chính sách cân bằng giữa hai cường quốc

Về đường lối ngoại giao và chính sách đối ngoại của Việt Nam, ông Klemensits Péter nhắc tới việc quốc gia Viễn Đông này đã ký với Liên minh Châu Âu Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu - Việt Nam (EVFTA) vào năm 2019. Theo các số liệu thống kê, một lượng hàng hóa trị giá gần 128 tỷ USD đã được "nhập cảnh" EU từ Việt Nam sau khi hiệp định có hiệu lực. Chuyên gia Hungary nhấn mạnh, mục tiêu là xóa bỏ 99% quan thuế giữa EU và Việt Nam vào năm 2030.
 
Gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Trung Tâm Thăng Long - Ảnh tư liệu
Gặp gỡ cộng đồng Việt Nam tại Trung Tâm Thăng Long - Ảnh tư liệu

Nhà phân tích của Đại học Neumann János (Budapest) tin rằng các quốc gia Đông Nam Á có truyền thống rất giỏi trong việc cố gắng tìm kiếm "trung lộ" giữa các cường quốc, và Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia theo đuổi chính sách cân bằng. Sau lệnh cấm vận của Mỹ, Hà Nội đã giải quyết được mối quan hệ với Washington, trong khi quan hệ với Trung Quốc, với tư cách là nước láng giềng, cũng đã có lịch sử lâu đời, cho dù các mối quan hệ Trung-Việt không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

"Một mặt, chính sách đối ngoại của Việt Nam chắc chắn phù hợp với mong đợi của Trung Quốc, nhưng đồng thời, nước này cũng tìm cách đưa ra một trọng tâm chừng mực, thích hợp đối với Trung Quốc", ông Klemensits nhận xét. Lấy ví dụ, nhà phân tích nêu mối quan hệ giữa Washington và Hà Nội, bởi quan hệ Mỹ - Việt gần đây đã trở nên rất mật thiết, mở rộng sang các lĩnh cực hợp tác chính trị, an ninh và kinh tế.

"Việt Nam quan tâm đến việc thiết lập quan hệ hòa bình với tất cả các quốc sẵn sàng có thiện chí làm điều này. Tôi nghĩ trong vấn đề này, vùng Đông - Trung Âu chúng có thể học hỏi các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam", ông Klemensits Péter khép lại góc nhìn của mình. Trong số báo in mới nhất ra ngày 20/1, "Dân tộc Hungary" đã dành một trang báo lớn cho chủ đề Việt Nam và mối quan hệ Hung - Việt, một điều rất ít thấy với truyền thông Hungary trong các trường hợp tương tự.

(*) Bài viết đã đăng trên "Báo Điện tử Chính phủ Việt Nam".

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh tổng hợp từ báo chí Hungary