Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BIỂU TÌNH PHẢN ÐỐI HIẾN PHÁP MỚI TẠI BUDAPEST

(NCTG) Bản Hiến pháp mới của Hungary, sẽ được thông qua trong vài ngày tới bởi một Quốc hội mà hơn 2/3 số dân biểu là thuộc liên minh cầm quyền, đã và đang phải chịu những phê phán gay gắt từ nhiều phía, kẻ cả từ các tổ chức dân sự, như trong cuộc biểu tình tổ chức thứ Sáu 15-4 vừa qua.

Biểu tình phản đối bản Hiến pháp mới tại phố Hiến pháp

Chừng 2 ngàn người đã tụ tập vào hồi 6 giờ chiều theo kêu gọi của nhóm “Một triệu người vì quyền tự do báo chí”, hoạt động trên mạng xã hội Facebook, đã từng tổ chức ba cuộc biểu tình lớn để phản đối Ðạo luật Truyền thông mà theo họ là mang tính bóp nghẹt tự do báo chí, ngôn luận.

Trong dịp này, tên gọi của chiến dịch vận động được đổi thành “Một triệu người chống lại Hiến pháp” - ám chỉ bản Hiến pháp mới mà các dân biểu thuộc liên minh cầm quyền, Liên đoàn Thanh niên Dân chủ FIDESZ và Ðảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP, sẽ bỏ phiếu thông qua vào thứ Hai tuần sau.

Ðược tổ chức một cách đầy biểu tượng tại phố Hiến pháp (Alkotmány utca), một phố chính dẫn ra quảng trường Kossuth (nơi tọa lạc Nhà Quốc hội Hungary), đa số các diễn giả trong cuộc biểu tình đều cho rằng, bản Hiến pháp mới làm suy sụp nhà nước pháp quyền, chỉ phục vụ những lợi ích quyền lực của đảng cầm quyền FIDESZ, thiếu sự đồng thuận và chỉ gây chia rẽ trong xã hội.

Ông Dénes Balázs, người đứng đầu tổ chức dân sự Hiệp hội Vì các quyền tự do, chỉ trích từng điều khoản trong dự thảo Hiến pháp mới, nhưng ông cũng phê phán quá trình phê chuẩn Hiến pháp, chẳng hạn, việc phe cầm quyền vội vã tìm cách sửa Hiến pháp cũ. Ông Dénes cũng khẳng định, hoàn toàn không có “ràng buộc lịch sử” nào để phải sửa bản Hiến pháp hiện hành.

Theo ông Dénes, bản Hiến pháp mới để ngỏ nhiều vấn đề nên những điểm đáng lo ngại nhất sẽ chỉ xảy ra sau đó, khi các đạo luật chủ chốt của thể chế cộng hòa được đưa ra phê chuẩn trên cơ sở viện dẫn “bộ luật mẹ”. Kết thúc bài phát biểu, ông hô hào: “Tất cả những ai coi trọng nhà nước pháp quyền, hãy chống lại bản Hiến pháp! Nền cộng hòa muôn năm!”.


Ðòi để người đồng tính được quyền kết hôn

Tại cuộc biểu tình, đáng chú ý là sự hiện diện rất mạnh mẽ của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người đồng tính. Như có thể chờ đợi, việc một điều khoản của bản Hiến pháp mới cấm khả năng để người đồng tính được kết hôn đã gặp phải sự phản đối rất gay gắt. “Hôn nhân cần sự đồng ý của hai người, chứ không cần hai người trái giới tính” - đó là nội dung một khẩu hiệu xuất hiện trong đoàn người biểu tình.

Trong dịp này, một tổ chức mới - tập trung nhiều tổ chức nhân quyền và bảo vệ quyền lợi của người đồng tính - cũng ra mắt với tên Liên minh vì Sự bình đẳng cho người đồng tính. Nhân danh tổ chức, một phụ nữ dị tính, mẹ của ba người con đã lên tiếng đòi hỏi tất cả mọi người đều phải được bình đẳng tại Hungary, ai cũng được quyền hôn nhân. Bà còn phản đối vì Hiến pháp mới không cấm triệt để sự phân biệt đối xử đối với người đồng tính.

Thay mặt Hội những người phản đối phụ quyền, bà Sproncz Júlia lưu ý rằng, căn cứ điều khoản về bảo vệ bào thai, rất có thể Tòa án Hiến pháp sẽ buộc Quốc hội Hungary phải ra đạo luật cấm nạo, phá thai. Ðặc biệt, dường như đây cũng là dụng ý của Ðảng Nhân dân Dân chủ Thiên Chúa giáo KDNP theo xu hướng bảo thủ, mà chủ tịch đảng, Phó thủ tướng Semjén Zsolt từng dùng cụm từ “những đồng bạn của chúng ta đang ở tuổi bào thai” khi nhắc tới bào thai.

Hãy để các bà mẹ - chứ không phải đại diện đảng KDNP - đại diện cho lợi ích bào thai”, bà Sproncz Júlia đòi hỏi, và bà đã được đám đông tán thưởng nhiệt liệt, kèm những lời chê bai vị chủ tịch đảng KDNP.

Ðề cập tới khả năng một đạo luật cấm nạo, phá thai sẽ được đưa ra, nhiều diễn giả cho rằng, những số liệu thống kê cho thấy sự cấm đoán không làm tăng dân số Hungary (thường xuyên sụt giảm từ nhiều năm nay), mà chỉ làm gia tăng những ca tử vong vì nhiều bà mẹ buộc phải nạo, phá thai một cách bất hợp pháp và nguy hiểm.

Ðáng chú ý là những vấn nạn của sắc dân Tzigane cũng được nêu ra một cách mạnh mẽ trong cuộc biểu tình. Nhiều diễn giả gốc Tziagane phản đối việc Hiến pháp mới dự kiến bãi bỏ cơ quan phụ trách các vấn đề sắc tộc thiểu số, và chỉ trích chính sách chống lại người nghèo của Chính phủ Hungary. Blogger Balogh Artúr, một nhà “dân báo” và nghiên cứu chính trị học gốc Tzigane - từng gây sự chú ý với hành động rải truyền đơn chống chính phủ ngay trong một buổi nói chuyện của Thủ tướng Hungary Orbán Viktor - cũng lên tiếng trong dịp này.

Cuộc biểu tình đã diễn ra trong bầu không khí hiền hòa và thân mật. Sự hiện diện của vài nhân viên cứu hỏa - vừa tham gia cuộc biểu tình lớn của các cơ quan công lực trước Nhà Quốc hội cách đó vài bước - đã nhận được những tràng pháo tay vang dội. Nhiều diễn giả nhấn mạnh cần tiếp tục biểu tình và bày tỏ sự vui mừng trước việc nhiều tổ chức dân sự đối lập vừa được thành lập. Không ít người cho hay, họ hoàn toàn không tin tưởng vào các đảng đối lập trong Quốc hội.

Ông Istvánffy András, đại diện cho nhóm 4K!, đã diễn đạt mạnh mẽ nhất, khi cho rằng cần hình thành một cộng đồng chính trị mới.

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo index.hu