Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BỊ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VÌ “LÀ NGƯỜI HUNGARY VÀ KHÔNG ĐỒNG TÍNH”

(NCTG) Tại New York, một vị giáo sư thỉnh giảng bị đuổi việc vừa tố cáo ông bị phân biệt đối xử vì ông có gốc Hungary, lại là đàn ông và không phải người đồng tính: sếp của ông chỉ thích các đồng nghiệp “gay”, và ông mất việc vì đã dám phàn nàn về điều này.

Ông Csaba Marosan đang chờ ngày ra tòa trong vụ trường Trocaire

Vị giáo sư đó là ông Marosán Csaba (53 tuổi), từng tốt nghiệp Đại học Y khoa Budapest, hiện ngụ tại Williamsville, New York (Mỹ), dạy ở Cao đẳng Y khoa Trocaire, một trường tư nhỏ đặt tại Buffalo. Về phần mình, nhà trường nói rằng ông Marosan bị sa thải đơn giản vì không đủ tiêu chuẩn, và cuộc điều tra của chính quyền hồi đầu tháng này nhằm tìm hiểu nguyên nhân của vụ việc đã diễn ra “qua quít và không đầy đủ”.

Vụ này không chỉ xoay quanh cá nhân Marosán Csaba mà còn lớn hơn thế nhiều” - vị giáo sư khoa học gốc Hungary trả lời báo chí, hôm thứ Năm 12-8, tại nhà riêng ở Williamsville. Ông tố cáo hai chức sắc của trường là Robert Mock và Thomas Mitchell đã tìm cách kỷ luật và buộc ông thôi việc. Còn nhà trường thì nói rằng hợp đồng của Marosan không được gia hạn vì giấy chứng nhận sức khỏe của ông không đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Ban giám hiệu, phong cách dạy học của ông cũng có nhiều vấn đề.

Luật sư của trường, James Grasso, nói: “Nếu lời buộc tội của ông Marosán là có thật thì sẽ không ai còn làm việc ở đây. Tất cả những lời buộc tội mà ông ấy đưa ra đều dựa vào suy diễn chủ quan của ông ấy. Không có bằng chứng hỗ trợ bởi vì mọi lời buộc tội đơn giản là đều sai cả”.

Thế nhưng các nhà điều tra về nhân quyền lại nhận thấy các bằng chứng ủng hộ lời buộc tội từ phía Marosán, đúng là ông bị đuổi việc vì đã gửi một đơn khiếu nại về sự phân biệt đối xử. Văn bản của nhóm điều tra viết: “Bằng chứng cho thấy chưa từng có vấn đề gì trong cách hành xử cũng như các phẩm chất của người khiếu nại, cho đến sau khi ông ta đưa đơn khiếu nại. Thậm chí bằng chứng còn cho thấy rằng người ta có thể thăng chức cho ông Marosán với cùng những phẩm chất hiện nay”.

Làm việc tại cơ sở nói trên - do Giáo hội quản lý - từ năm 2000, tháng Tư năm ngoái, Marosán đã đệ đơn khiếu nại lần thứ nhất lên Phòng Nhân quyền bang New York (Human Rights Division), phản đối việc các nhà quản lý bình phẩm về giọng Hungary và cách hành xử theo phong tục Hungary của ông; họ tỏ ra thích những nhân viên khác trẻ hơn, ít năng lực hơn, đồng thời cũng đối xử với ông kém ưu đãi hơn với các giáo viên nữ.

Tháng 12-2009 ông bị đuổi, và tới tháng tư vừa rồi ông lại khiếu nại, lần này bổ sung thêm phần buộc tội “phân biệt đối xử dựa trên khuynh hướng giới tính”. Ông tố cáo, có hai nhân viên nam thuộc “nhóm” của Robert Mock và Thomas Mitchell đã được thăng tiến, làm giám đốc phụ trách Ban khoa học của trường “mặc dù họ có ít kinh nghiệm, ít trình độ hơn bất kỳ ai trong khoa”.

Luật sư Grasso (bào chữa cho trường Trocaire) thì nói rằng Marosán đã làm đơn lần thứ nhất ngay sau khi bản thân ông bị sinh viên khiếu nại là đã dùng những từ ngữ tục tĩu trong giờ giảng. Marosán nói ông sẽ đưa vấn đề trường Trocaire ra Bộ Giáo dục Mỹ. Trong thời gian đó, ông sẽ chờ đợi một phiên điều trần công khai trước một thẩm phán về Luật Hành chính.

Tác giả bài viết: Hoàng Thư, theo AP