Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BỆNH NHÂN QUA ĐỜI, BÁC SĨ GỬI TRẢ LẠI TIỀN BIẾU

(NCTG) Ca phẫu thuật bất thành, một nữ bệnh nhân qua đời, do đó vị bác sĩ mổ đã gửi trả lại gia đình bệnh nhân khoản tiền biếu 50 ngàn Ft qua đường bưu điện, từ địa chỉ chỉ bệnh viện.
Ông András và bà Rozália trong dịp Giáng sinh cuối cùng trước khi bà qua đời - Ảnh: Gy. Balázs Béla
Nhật báo “Blikk” theo sát vụ này cho hay: ông Molnár András, cựu thành viên dàn nhạc nổi tiếng gồm hơn 100 nghệ sĩ Tzigane đã kinh ngạc khi nhận lại được tiền. Vợ ông phải vào viện để thực hiện một ca mổ tưởng chừng đơn giản, nhưng trong quá trình phẫu thuật người bác sĩ đã làm tổn thương một động mạch và làm đứt đường ống mật.

Kỳ phẫu thuật định mệnh

Theo gia đình người đã khuất, bà Rozália (64 tuổi) được phẫu thuật hôm 8-12 năm ngoái vì chứng đau dạ dày, khi nhập viện, nội soi thì các bác sĩ cho là bà bị loét dạ dày, và có thể có một khối u lành tính. Gia đình được trấn an rằng thế unào tới Giáng sinh thì bà cũng được xuất viện thôi, tuy nhiên bệnh nhân đã từ trần 20 ngày sau ca mổ.

Con gái bà, cô Mónika kể lại với báo giới rằng do sơ suất trong ca mổ nên thân mẫu cô đã bị mất máu rất nhiều, bà được tiếp máu và đưa ngay vào phòng hồi sức cấp cứu sau cuộc phẫu thuật trong trạng thái mê man bất tỉnh. Trong 20 ngày cuối đời, bà được được mổ lại nhiều lần, nhưng không tỉnh lại được và qua đời vì nhiễm độc máu.

Biển bản mổ tử thi cho rằng không xảy ra lỗi chuyên môn, tuy nhiên các bác sĩ phẫu thuật đã thiếu thận trọng khi mổ thành bụng. Căn cứ vào đó, bệnh viện đã bác yêu cầu bồi thường của gia đình, cho rằng ca mổ đã được tiến hành theo đúng mọi quy định của ngành Y, các bác sĩ đã rất cẩn thận khi hành nghề, sở dĩ bệnh nhân tử vong là do sự cố không lường trước được.

Trả lại khoản tiền biếu

Hai chúng tôi đã cùng chung sống gần nửa thế kỷ trong tình yêu thương. Tôi không làm sao từ giã được bà nhà...”, ông Molnár András, nghệ sĩ kèn của “Dàn nhạc 100 thành viên người Tzigane” đau buồn chia sẻ với truyền thông. Nỗi đau của ông như bị nhân lên khi vào tháng 2 vừa qua, gia đình ông nhận được một giấy lĩnh tiền ở bưu điện.
 
Khoản tiền biếu bác sĩ được trả lại qua đường bưu điện - Ảnh: Grnák László
Khoản tiền biếu bác sĩ được trả lại qua đường bưu điện - Ảnh: Grnák László

Đó chính là khoản tiền biếu bác sĩ mà gia đình đã đưa trước ca mổ. “Hai chúng tôi tới bác sĩ trước kỳ phẫu thuật một ngày, và mẹ tôi đưa cho bác sĩ 50 ngàn Ft tiền biếu. Trước đó ba mẹ tôi bàn là trước ca mổ đi biếu ngần ấy, phần còn lại để sau”, cô con gái bà Rozália kể lại. “Phần còn lại”, đương nhiên, đã không được gia đình chuyển cho bác sĩ.

Bác sĩ gửi trả tiền biếu của chúng tôi từ địa chỉ bệnh viện, và thoạt đầu chúng tôi đã không định nhận”, cô Mónika cho hay. Luật sư của gia đình, ông Ábrahám László thì cho rằng, mặc dù ông không biết viện có nội quy như thế nào về tiền biếu, nhưng việc bác sĩ gửi trả lại là sòng phẳng. Tuy nhiên, theo ông, điều này cũng cho thấy, bác sĩ thừa nhận phần lỗi về mình.

Câu chuyện khoản tiền biếu

Tờ “Blikk” đã tìm gặp Ban lãnh đạo bệnh viện để tìm hiểu viện có quy định gì về việc trao và nhận tiền biếu. Viện cho hay họ không hay biết gì về câu chuyện này, và cũng không cho phép nhận tiền biếu. Nếu có kiện cáo, viện sẽ mở cuộc điều tra.

Theo Bộ Quy chuẩn Đạo đức Nghề nghiệp của Hiệp hội Bác sĩ Hungary, tiền biếu không thể là lý do khiến bệnh nhân được ưu tiên. “Phong bì” không thể là yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng điều trị, các bác sĩ cần chăm lo cho bệnh nhân ở mức độ cẩn trọng cao nhất bất kể họ có được tiền biếu hay không.
 
Theo chồng và con gái người đã khuất, phải có ai chịu trách nhiệm về tổn thất này - Ảnh: Balázs Béla
Theo chồng và con gái người đã khuất, phải có ai chịu trách nhiệm về tổn thất này - Ảnh: Balázs Béla

Mỗi cơ sở y tế có thể có quy định riêng trong vấn đề này, nhưng một nguyên tắc chung là nếu bệnh nhân tự nguyện đưa tiền biếu, thì bác sĩ chỉ được nhận sau khi chấm dứt điều trị, căn cứ Bộ Quy chuẩn Đạo đức Nghề nghiệp.
 
Hoàng Tuấn tổng hợp, theo “Blikk”

(*) Bạn từng có trải nghiệm cá nhân với khoản tiền biếu bác sĩ? Ý kiến của bạn ra sao về chuyện “phong bì” trong ngành Y? Hãy chia sẻ với NCTG.