Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÊ BỐI TRONG NGÀY QUỐC LỄ 15-3 CỦA HUNGARY

(NCTG) Thi hào Petőfi Sándor cũng bị kiểm duyệt, và vài trăm “diễn viên” thì được trả tiền để đứng vỗ tay Thủ tướng Orbán Viktor khi ông phát biểu tại Bảo tàng Quốc gia - đó là những bê bối mà báo chí Hungary mới phanh phui sau dịp đại lễ.

Chừng 500 thanh niên được trả tiền đã trà trộn vào đám đông trên những bậc thang Bảo tàng Quốc gia để… vỗ tay những khi cần thiết


Bảo tàng Quốc gia là nơi diễn ra buổi lễ thường niên kỷ niệm cách mạng 1848 của chính phủ Hungary. Đây cũng là một địa điểm lịch sử, vì nó chính là nơi cuộc cách mạng dân chủ, đòi tự do cho Hungary được khởi đầu bởi các trí thức trẻ - “những chàng trai tháng Ba” (Márciusi ifjak) - trong đó có đại thi hào Petőfi Sándor với thi phẩm “Bài ca Dân tộc” (Nemzeti Dal) có tác động như một đạo quân.

Trong năm nay, tinh thần Petőfi Sándor cũng hiện diện thông qua một thi phẩm mang ý niệm cách mạng sục sôi, mà ông sáng tác một ngày sau khi cách mạng bùng nổ. Tuy nhiên, theo phát hiện của báo chí, nữ nghệ sĩ đọc bài thơ đó đã chẳng nêu tựa đề và tác giả của bài thơ thì chớ, mà cũng không cho biết là cô chỉ “trích đoạn” thi phẩm.


Nữ nghệ sĩ “kiểm duyệt” đại thi hào Petőfi Sándor theo “kịch bản nghệ thuật”


Bởi lẽ, 6 khổ thơ đã bị cô “kiểm duyệt bỏ”, đúng ở những chỗ Petőfi nói về tự do báo chí và về sự bất lực của Quốc hội Hungary thời đó!

Hơn thế nữa, nhóm ký giả mạng tin origo.hu còn “khám phá” ra nhiều thanh niên lai vãng tại Bảo tàng Quốc gia để... vỗ tay những khi cần thiết, cho dù, như lời một người trong số đó, họ không quan tâm đến chính trị, cũng chả để ý Thủ tướng Orbán Viktor nói gì. Có điều, họ đã được trả 1.500 - 2.000 Ft cho màn “vỗ tay luôn luôn” này trong suốt buổi.

Mạng origo.hu cho rằng, có chừng 500 thanh niên đã được “tổ chức” như thế - đáng chú ý là hãng “tổ chức sự kiện” thuê họ không hề đưa ra hóa đơn, chứng từ gì. Tờ báo nhắc lại rằng, bằng “động thái” này, Chính phủ Hungary đã lặp lại một “truyền thống” khá cũ, từ cuối thập niên 90, khi một vị bộ trưởng là Torgyán József (Đảng Tiểu chủ Độc lập) đã bố trí để một đám đông “quần chúng” - là những “diễn viên phụ” được trả tiền - tung hô khi ông đăng đàn.


Phỏng vấn những thanh niên được nhận tiền để thủ vai quần chúng vỗ tay


Bộ phận phụ trách truyền thông của Chính phủ Hungary đã có hồi âm khá độc đáo, khi bị báo chí “truy” về những bê bối trên. Trong một thông cáo, việc “kiểm duyệt” thơ Petőfi được lý giải, là do “lý do nghệ thuật”, khi các bài thơ, văn xuôi và ca khúc thường được trích đoạn và “biên tập” trong chương trình, chứ không được đọc nguyên văn. Tuy nhiên, việc tại sao lại “biên tập” đúng vào đoạn nói đến tự do báo chí - vấn đề nổi cộm trên chính trường Hungary thời gian gần đây - thì không được nhắc đến.

Còn về vài trăm người được trả tiền để trà trộn vỗ tay trong đám đông, Văn phòng Chính phủ biện bạch: cảnh tượng “quần chúng” đứng trên những bậc thang của Bảo tàng Quốc gia là cần thiết, vì nó là “một phần của chương trình kỷ niệm”.


Hình tượng Petőfi bị bịt miệng, được dùng trong cuộc biểu tình đòi tự do báo chí diễn ra cùng ngày, đã trở thành sự thật?

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp