Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÊ BỐI QUANH MỘT PHÁT BIỂU CỦA DÂN BIỂU MSZP HAVAS SZÓFIA

(NCTG) Sau cựu thủ tướng, cựu ngoại trưởng Horn Gyula, lại một chính khách Đảng Xã hội Hungary (MSZP) gây bê bối với một nhận xét liên quan đến sự kiện 1956: nữ dân biểu Havas Szófia (cháu ông Horn) cho biết, khi nghĩ về 1956, bà ít khi nghĩ đến một cuộc cách mạng, vì vào thời điểm ấy, những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan (nyilas - Chữ thập nhọn) cũng được phóng thích khỏi các nhà tù.

Dân biểu Havas Szófia

Phát biểu kể trên được đăng tải trên “Tuần báo Kinh tế Thế giới” (HVG) số gần nhất. Vị chính khách phụ trách một số vấn đề y tế Hung tuyên bố: “Chẳng hạn, trong trường hợp 1956, tôi không hay nói về cách mạng vì dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể gọi những tên nyilas được phóng thích khỏi nhà tù là người cách mạng. Cũng như vậy, đối với các nhóm thanh niên lăm lăm súng máy đi lùng người Do Thái hết khu nhà này đến khu nhà khác, hệt như hồi 1944”.

Sau khi số báo HVG được ấn hành, thứ Sáu tuần trước, nhóm dân biểu MSZP phụ trách vấn đề 1956 - trong số đó, có ông Mécs Imre, từng bị án tử hình vì tham gia cuộc cách mạng 1956, về sau trở thành một nhân sĩ nổi tiếng của Hungary - đã đề nghị bà Havas phải xin lỗi. Thông cáo của nhóm này nêu rõ: trên cương vị cá nhân, Havas có thể nói bất cứ điều gì mà bà nghĩ, nhưng với tuyên bố này, bà đã xúc phạm nặng nề xã hội Hungary đương thời, đặc biệt là những người đã hy sinh đời mình cho nền tự do của nước Hung.

Thứ Ba qua, tại Quốc hội Hung, dân biểu SZDSZ Gusztos Péter cũng lên tiếng yêu cầu bà Havas Szófia phải xin lỗi. Trong phát biểu của mình, ông Gusztos khẳng định: 1956 không phải là “tác phẩm” của những kẻ nyilas, kể cả khi một số tên tội phạm có thể cũng được trả tự do khi đó. Vị dân biểu này nói thêm: ông biết bà Havas Szófia sẽ không chịu xin lỗi, vì vậy điều quan trọng là đảng MSZP phải có ý kiến về vụ này.

Trả lời tờ báo điện tử [origo], dân biểu Havas Szófia cho rằng lời của bà đã bị hiểu sai và theo bà, ông Gusztos Péter - vì lý do tuổi tác - chẳng liên quan gì đến phát biểu của bà về sự kiện 1956 (*). Vị dân biểu MSZP “khuyên” ông Gusztos hãy nghiên cứu các “trước tác” của cựu tổng thống Hung Göncz Árpád (người từng bị án tù chung thân vì tham gia sự kiện 1956): ông Göncz từng nói rằng “có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu cách diễn giải về 1956”. (Cựu tổng thống Hung đã không muốn trả lời tờ [origo] trong vụ này.)

Ông Rainer M. János, giám đốc Học viện ’56, một nhà nghiên cứu lịch sử thời kỳ 1956, khi được hỏi ý kiến về phát biểu của bà Havas, cho biết: không hề có chuyện những kẻ nyilas được thả trong thời gian diễn ra cách mạng 1956! Theo ông Rainer, số nyilas bị bỏ tù khá ít, vì sau khi Đảng Cộng sản lên nắm quyền ở Hung, chỉ các lãnh tụ nyilas mới bị ngồi tù và đại đa số những tên này đều được tự do từ đầu năm 1956.

Sử gia Rainer M. János nói thêm: có thể hiểu “nội tình” phát biểu của bà Havas nếu chúng ta biết thân phụ của bà - anh trai của ông Horn Gyula - đã thiệt mạng trong cách mạng 1956 (**). Tuy nhiên, ông Rainer cảm thấy lạ lùng khi một dân biểu lại coi 1956 - sự kiện được đại bộ phận trong xã hội coi là cách mạng - là phản cách mạng. “Không sao nếu có những ý kiến như thế, nhưng nếu một dân biểu nghĩ vậy thì không may mắn chút nào” - ông Rainer M. János nhận định.

Bà Havas Szófia mới được nhận chức dân biểu và tuyên thệ ngày 10-9 qua, sau khi một dân biểu khác là Bakonyi Tibor từ chức.

Ghi chú:

(*) Thực ra, nếu xét về tuổi tác thì khi cách mạng Hung diễn ra, bà Havas mới… 1 tuổi nên nếu xét trên cơ sở ấy, bà cũng không có tư cách để phát biểu!

(**) Ông Horn Géza thiệt mạng trong một tai nạn đến nay còn nhiều điểm không rõ ràng. Em trai của ông, cựu thủ tướng, cựu ngoại trưởng Horn Gyula cho rằng đây là sự trả thù của những người tham gia cách mạng 1956 vì anh của ông là một cán bộ đảng tích cực. Tuy nhiên, Học viện ’56 cho rằng hoàn toàn không có bằng cứ gì cho khẳng định này.

Tác giả bài viết: H.Linh, theo [origo]