Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÀI HỌC XUNG QUANH MỘT CÂU VĂNG TỤC CỦA VỊ BỘ TRƯỞNG

(NCTG) Câu chuyện Đạo luật Truyền thông mới đầy bê bối của Hungary đã đến một khúc rẽ quan trọng khi Thủ tướng Orbán Viktor, như một thỏa hiệp với Châu Âu (và ngược lại hoàn toàn với thái độ cứng rắn nhất mực của ông trước kia), đã tuyên bố rằng Hungary sẵn sàng xem lại các điều khoản của luật, tất nhiên không phải dưới áp lực của ngoại quốc, mà xuất phát từ những luận cứ hữu lý của EU.

Thủ tướng Orbán Viktor tại Quốc hội Hungary khi biểu quyết Đạo luật Truyền thông (1 giờ 30 phút sáng 21-12-2010) - Ảnh: Facebook của ông Orbán Viktor


Đặc biệt, một bộ trưởng thuộc Nội các Orbán, trong trao đổi với báo chí nước ngoài, đã thừa nhận rằng “chúng tôi làm hỏng mẹ nó việc rồi!”. Khẳng định gây sốc này được một ký giả tờ “The Economist” đăng trong mục blog Ý kiến của báo, chiều 7-1 vừa qua, và được báo chí Hungary đồng loạt đưa lại ngay vào buổi tối hôm ấy.

* Câu văng tục “tội nợ”

Theo nhà báo Anh nọ, trong bữa tối được tổ chức vào ngày hôm trước để mời các ký giả ngoại quốc tới Hungary nhân dịp nước này giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU, vị bộ trưởng nọ, thoạt tiên, đã lặp lại những luận cứ trước đây của Thủ tướng Orbán Viktor, theo đó Đạo luật của Hungary cũng không có gì khác sự quản lý truyền thông của các nước thành viên EU khác.

Rồi, chuyện vào lời ra, ông bộ trưởng thừa nhận luật Hungary như thế thì quả là cũng có khắc nghiệt hơn ở những nơi khác, nhưng ông biện hộ rằng, chính quyền vùng Đông Âu cần phải thế để chống lại tệ bài Do Thái và bài Tzigane ở khu vực này. Dấn thêm một bước dài, rốt cục, theo ký giả Anh, sau khi làm vài ly “vương tửu Tokaj” tráng miệng, vị bộ trưởng Hungary không còn giữ miệng nữa: “Phải, công nhận, chúng tôi làm hỏng mẹ nó việc rồi!”. (“OK, we fucked it up”).

Đặt khẳng định mang màu sắc “trái chiều” này của một thành viên nội các giữa những lời phê phán nhằm vào cả Thủ tướng Orbán Viktor (bị ký giả coi là kẻ độc tài, muốn lan truyền chủ trương “lấy sức mạnh làm trung tâm” thành khẩu hiệu của Châu Âu) lẫn Tổng thống Schmitt Pál (mà theo bài báo, từ một cựu vận động viên, nay trở thành cổ động viên chính của FIDESZ), nhà báo của “The Economist” đã khiến vị bộ trưởng nọ - dù không được nêu danh tính - lâm vào tình thế vô cùng khó xử.

Điểm nhạy cảm hơn nữa, là cụm từ “We fucked it up” lại gần như giống hệt một câu nói của Cựu thủ tướng Gyurcsány Ferenc, khi ông này, vào mùa hè 2006, đã thú nhận trước nhóm dân biểu của đảng ông trong một phiên họp nội bộ, rằng từ năm 1990 tới lúc đó, các chính khách Hungary đã dối trá triền miên, “dối ngày, dối đêm”, và “chúng ta đã làm hỏng mẹ nó hết rồi!”.

(Phát biểu ấy của ông Gyurcsány - sau khi bị rò rỉ trên truyền thông, không rõ bằng cách nào - đã dẫn tới những cuộc bạo loạn trên đường phố Budapest kéo dài suốt mấy tháng trời, khiến Đảng Xã hội hoàn toàn đánh mất niềm tin của dân chúng và là một trong những lý do khiến họ thảm bại trong cuộc bầu cử Quốc hội mùa xuân năm ngoái.

Riêng ông Gyurcsány thì vĩnh viễn bị gán với cái “mác” “vị thủ tướng dối dân” và về sau - vì động thái này - ông đã phải đối mặt với thủ tục bất tín nhiệm trong chính phủ, cho dù khi phát biểu những lời lẽ trong phiên họp kín nọ, ông đăng đàn trước các đồng nghiệp dân biểu không phải trên tư cách người đứng đầu nội các...)

* Bị báo chí hiểu nhầm?

Ngay sau khi báo chí Hungary đồng loạt đưa tin cùng cụm từ gây sốc, nhu cầu “chữa cháy” lập tức được đưa ra.

Sáng hôm sau, dù là cuối tuần (thứ Bảy), nhưng Bộ trưởng Bộ Phát triển Quốc gia Fellegi Tamás vẫn ra thông cáo và trả lời phỏng vấn báo chí, thừa nhận thành viên nội các được “The Economist” nhắc đến chính là ông, rằng ông có nói một câu tương tự (nhưng không đến nỗi trầm trọng như thế, liên quan đến Đạo luật Truyền thông, nhưng ở một ngữ cảnh khác hẳn), và rằng ông không hề nhấp chút rượu nào trong bữa tối hôm đó.


Bộ trưởng Fellegi Tamás trả lời hãng Reuters - Ảnh: Balogh László (“Reuters”)


Đại khái, câu chuyện diễn ra trước đó hai ngày được vị bộ trưởng trần thuật lại như sau. Tối thứ Năm 6-1, tại một nhà hàng ở Budapest, có buổi chiêu đãi các ký giả ngoại quốc đến Budapest. Trước đó, trong cuộc họp báo, việc Hungary giữ cương vị Chủ tịch luân phiên EU được nói tới và bên bàn tiệc, các nhà báo đã tiếp câu chuyện dang dở với rất nhiều câu hỏi, đặc biệt là liên quan tới Đạo luật Truyền thông mới.

Bộ trưởng Fellegi cho hay: trong cuộc trò chuyện hết sức chân thành và thẳng thắn này, giới ký giả ngoại quốc đã đưa ra nhiều ý kiến “trái chiều”, nhưng ông vẫn lặp lại y nguyên quan điểm của Thủ tướng Orbán Viktor trong buổi họp báo quốc tế sáng hôm đó. (Người đứng đầu nội các Hungary khẳng định, nước này là một thành viên EU nên sẽ chấp nhận bất cứ thủ tục gì mà EU đề xuất, miễn là điều đó không mang tính phân biệt đối xử).

Rồi, một câu hỏi được đặt ra: nếu Bộ trưởng có cái nhìn tích cực như về về đạo luật, tại sao mọi việc lại bị đẩy đến mức như hiện tại? Theo lời Fellegi Tamás, ông đã đáp như sau: đối với ông thì Đạo luật Truyền thông không có vấn đề gì, “điều mà chúng tôi đã làm rất tệ, trong thực tế, đó là việc xử lý về mặt truyền tin của đạo luật.

Chúng tôi không đủ khéo léo và tích cực để ngăn chặn, không cho vấn vấn đề này rơi vào cuộc chiến luận lý (logic). Không phải Đạo luật Truyền thông bị đưa ra một cách tệ hại, mà là chúng tôi đã hỏng trong cách xử lý tình thế ở giai đoạn này”.

Vị bộ trưởng cho rằng, mặc dù ông nói như vậy, nhưng cách mà “The Economist” truyền tải trong bài viết trên lại khiến độc giả có thể nghĩ rằng, “đầu bữa tối tôi còn ủng hộ Đạo luật Truyền thông, nhưng đến cuối bữa, khi nhấp ly rượu tráng miệng, tôi đã bảo là mọi thứ bị phá hỏng”. “Điều này không đúng!” - ông Fellegi Tamás nhấn mạnh.

* Chấp nhận lời thanh minh

Không dừng ở đó, Bộ trưởng Fellegi Tamás còn gọi điện cho tác giả bài báo trên và sau cuộc trao đổi đó, Tòa soạn “The Economist” đã có một ghi chép riêng về “sự cố truyền thông” kể trên.

Fellegi Tamás vẫn tiếp tục khẳng định rằng cần đến Đạo luật Truyền thông” - Tòa soạn “The Economist” cho hay và thuật lại rằng, họ chấp nhận lời lý giải của vị bộ trưởng, theo đó, ông không nói về sự tệ hại của bản thân đạo luật, mà nhằm vào sự truyền tin của đạo luật đã không được như ý. Nhà báo của “The Economist” cũng thừa nhận ông Fellegi đã không uống rượu, song theo người ký giả, điều đó chỉ khiến những lời lẽ của bộ trưởng có trọng lượng hơn mà thôi.

Tuy nhiên, trong ghi chép của Tòa soạn, “The Economist” cho rằng việc tiếp nhận đạo luật đã diễn ra một cách bê bối không phải do công tác truyền tin tồi tệ. Bởi lẽ, “một đạo luật không có sức công phá đến thế, không tìm cách ngự trị các kênh phát thành, truyền hình, các tờ báo giấy và mạng đến thế, có lẽ đã không tạo cảm giác Chính phủ muốn tác động, ảnh hưởng đến truyền thông”.

Như thế, trái với lời thanh minh của ông Fellegi, “The Economist” và ký giả ngoại quốc có mặt trong bữa tối vẫn tâm niệm rằng, Đạo luật Truyền thông mà nội các Orbán chủ trương đã “hỏng” xét trên tổng thể - cả về nội dung lẫn sự truyền tin và “định giờ” của nó.

Hơn nữa, tờ báo còn nhận xét rằng, Bộ trưởng Fellegi không cần phải lo ngại vì ông đã có những lời lẽ chân thành. Một mặt, vì trong những cuộc trò chuyện trong hậu trường, các chính khách cao cấp của FIDESZ cũng thường xuyên phê phán những biện pháp phản dân chủ của nội các. Mặt khác, vì những tranh luận trong nội bộ chính phủ chính là dấu hiệu của dân chủ!

Ghi chép của “The Economist” kết thúc với một ý tưởng thú vị: sẽ hay biết bao, nếu giống như vị bộ trưởng của mình, Thủ tướng Orbán cũng thú nhận rằng Đạo luật Truyền thông là một saI lầm, và còn tốt hơn thế nữa, nếu ông chấp nhận để đạo luật được “săm soi” bởi cả những người không do FIDESZ đề cử!

*

Mặc dù chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vòng 2-3 ngày, nhưng câu chuyện có diễn biến ly kỳ nói trên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận Hungary, không chỉ vì nó liên quan tới Đạo luật Truyền thông bị coi là siết chặt tự do báo chí vừa có hiệu lực từ ngày đầu tiên của năm. Bởi lẽ, xa hơn thế, câu chuyện cho thấy những góc cạnh thú vị về cách hành xử của chính khách, về mối quan hệ giữa chính quyền và báo chí, cũng như về tư cách, sự độc lập và sức mạnh của “đệ tứ quyền” - giới truyền thông.

Bất kể sự thật thế nào đi nữa, không thể phủ nhận được rằng một câu nói có thể chân thành, nhưng thô tục đã được nói ra. Vị bộ trưởng dường như đã quên vị trí của mình: cho dù không khí bữa ăn tối có thể thân thiện đến mấy đi nữa, nhưng các ký giải ngoại quốc tới đó không phải để bá vai bá cổ tán gẫu với ông, mà để chú tâm từng câu ông nói và đưa thông tin “nóng sốt” đến độc giả.

Một bộ trưởng trên tư cách đại diện chính phủ, lẽ ra phải có cách ăn nói cân nhắc, bặt thiệp, tạo thiện cảm cho báo giới và thông qua đó, “ghi điểm” cho nội các mà ông là thành viên, cho đất nước mà ông là một công dân. Trong trường hợp muốn có ý kiến cá nhân, muốn “bình dân”, ông ta có thể lưu ý báo giới: thưa quý vị, đây là lời nói riêng, xin đừng thu - và khi đó, mong muốn của ông sẽ được truyền thông đáp ứng.

Cũng cần công nhận rằng, sau khi “sự cố” xảy ra, truyền thông Hungary đang trong cảnh “trên đao dưới búa” vẫn không ngại ngần khi rộng rãi loan một thông tin có thể rất “bất lợi” cho Chính phủ. Bởi lẽ, thông tin đó lại cần cho người dân, cho độc giả, cho công luận đất nước - những đối tượng có quyền tiếp cận sự thật - và vì thế, nó phục vụ lợi ích đất nước, cho dù có thể khiến nội các phải đau đầu - bổn phận và sứ mệnh của truyền thông dân chủ, chân chính là như vậy!

Tuy nhiên, Bộ trưởng Fellegi Tamás và nội các Orbán cũng đã tỏ ra có bản lĩnh với cách cư xử sau đó của họ. Hầu như không có một lời trách cứ nào được gửi tới báo chí trong và ngoài nước, bởi lẽ, cho dù nếu sự thật có đúng như ông bộ trưỏng nói ra đi nữa, thì ký giả cũng có quyền nhẫm lẫn trong quá trình tác nghiệp. Đây cũng có thể là một bài học, để các chính khách tập cách diễn đạt rõ ràng, tránh mọi hiểu nhầm không cần thiết trong những tình huống mà sự “tam sao thất bản” là khả dĩ.

Trong câu chuyện vừa qua, thay vì kiếm kẻ để đổ tội, ông Fellegi cũng đã nhanh chóng nhờ tới truyền thông để nói lên quan điểm về phía ông. Và, thông qua cách diễn đạt của bài báo do Tòa soạn “The Economist” đăng tải về sau đó, có thể nhận ra rằng, tờ báo đã đánh giá tốt cú điện thoại với nội dung xây dựng của vị bộ trưởng, cho dù hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm và cuộc tranh luận qua dây nói không khiến ai phải rời bỏ góc nhìn của mình.

Tác giả bài viết: Trần Lê