Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Anh Nguyễn Cao Bình: TỚI VÙNG TRỜI TỰ DO

(NCTG) “Cánh cửa Hungary mở rộng dẫn chúng tôi vào một thế giới rộng lớn, giúp chúng tôi “vỡ lẽ” để cảm nhận và thấm thía nhiều điều về cuộc sống và con người. Nhiều người trong chúng tôi đều thấy được ảnh hưởng của Hungary là rất lớn, rất quyết định đối với sự phát triển về mặt trí tuệ cũng như về nhân cách của mỗi người” - hồi tưởng của anh Nguyễn Cao Bình.
Tác giả hồi mới sang Hungary, thời gian học ngoại ngữ
Lời Tòa soạn: Anh Nguyễn Cao Bình sang Hungary năm 1972, là sinh viên khoa Kiến trúc trường Cao đẳng Kỹ thuật Pollack Mihály (TP. Pécs, miền Nam nước Hung). Về nước, anh làm việc tại Viện Quy hoạch & Thiết kế tổng hợp (TP. HCM) và Sở Ngoại vụ đến 1983 thì sang Bulgaria theo chương trình Hợp tác lao động trong thời gian 1983-1989.

Từ nằm 1990 đến nay, anh chuyên làm thiết kế nội thất cho một số công ty Việt Nam và nước ngoài. Là tác giả của nhiều hồi tưởng và tâm tư về quãng thời gian học tập tại Hungary, cũng như vị trí của đất nước này trong cuộc đời và tư duy của mình, Nguyễn Cao Bình thổ lộ rằng anh đã có những ngày tháng đẹp đẽ nhất khi sống trong lòng nước Hung như Tổ quốc thứ hai.

Trân trọng giới thiệu những hồi ức của anh về khoảng thời gian đẹp đẽ và đầy hoài niệm đó! (NCTG)

*

Đặt chân đến Hungary vào một ngày tháng 9 năm 1972 là một sự kiện trọng đại trong cuộc đời tôi. Kể từ lúc ấy, tôi bắt đầu trở thành người khác hẳn với cậu bé ngây ngô và dại khờ của mười bảy năm trước đó.

Cho đến ngày rời Hà Nội lên Đại Từ (Thái Nguyên) tập trung để đi nước ngoài, mong mỏi của tôi là được đi Liên Xô vì đối với chúng tôi thời đó, Liên bang Xô-viết mới thật sự là thiên đường XHCN. Qua sách vở và truyền thông đại chúng, tôi biết rất ít về Hungary. Tôi không thể ngờ rằng mình sắp thấy tận mắt những gì sẽ làm đảo lộn cái nhận thức ngớ ngẩn ở trên về Liên Xô...

Và bây giờ, sau hơn bốn mươi năm kể từ hành trình xuất ngoại đầu tiên ấy, bên ly cà phê buổi sáng thường ngày, tôi lại viết trong ánh sáng ban mai về nơi chốn rất gần gũi với nhiều người trong chúng ta mà tôi không bao giờ quên! Tôi như thấy lại chuyến tàu “chuyên xa” năm ấy. Chúng tôi đi liên tục trong mười hai ngày đêm (chỉ dừng lại ở biên giới và Matxcơva để chuyển tàu).

Tôi đã đi qua Trung Quốc và nước Nga theo tuyến xuyên Siberia cùng bạn bè - giới lưu học sinh - với hành trang “đi Tây” hầu như chẳng có gì, chỉ vỏn vẹn vài bộ đồ hạng “xoàng” của “bác Bửu” nằm lọt thỏm trong cái va-li “công vụ” thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (mà ai đi nước ngoài hồi ấy cũng được cấp). Chúng tôi cũng biết rằng, đó là tất cả những gì tốt đẹp nhất mà đất nước đã dành cho chúng tôi, những “hạt giống đỏ của cách mạng”.
 
Quảng trường Đỏ, Matxcơva - Trên đường sang Hungary (năm 1972)
Quảng trường Đỏ, Matxcơva - Trên đường sang Hungary (năm 1972)

Hungary với chúng tôi là cả một thời tuổi trẻ đầy sức sống và những ước muốn bay cao, một đất nước tươi đẹp của nhiều kỷ niệm. Với những cô cậu học sinh còn non choẹt như chúng tôi lúc ấy, Hungary có quá nhiều điều mới lạ và hấp dẫn. Như lời của một bài ca mà nữ danh ca Koncz Zsusza đã hát, những cặp mắt háo hức của chúng tôi lúc ấy giống những cái cửa sổ chỉ muốn mở thật lớn để thu hết cả thế giới vào...

Hungary là một giấc mơ có thật của tôi. Khi đó Việt Nam còn phải chờ đợi gần ba năm nữa cho đến khi chiến tranh kết thúc. Còn với Hungary thì cuộc chiến tranh đã trôi qua gần ba chục năm. Nước Hung chào đón chúng tôi thật rộng lòng và đầy thông cảm.

Thế chiến thứ hai gần như không còn để lại dấu vết ở đây trừ những gì được giữ lại như những chứng tích lịch sử và trong lòng những người lớn tuổi. Erzsébet là cây cầu cuối cùng được xây dựng lại (1964) trong số những cây cầu ở Budapest bị phá hủy trong chiến tranh. Cùng với những cây cầu khác trên dòng Duna, cầu Erzsébet đã tạo nên một trong những cảnh tượng tuyệt vời nhất của nước Hung.
 
Bảy chiếc cầu lịch sử thật độc đáo với những đường cong nổi bật trên dòng sông và hai bờ Buda - Pest, một khung cảnh được con người cùng thiên nhiên tạo ra, tất cả hòa quyện với nhau thành một kiệt tác “nhạc không gian” mà không có ngôn ngữ nào có thể diễn tả hết được.

Budapest còn làm chúng tôi sững sờ trước vẻ đẹp hài hòa của kiến trúc cũ và mới xen kẽ lẫn nhau. Ngay từ ngày đầu, qua một bài học tiếng Hung về việc xây dựng cầu Erzsébet, chúng tôi đã thấy người Hung vốn có ý thức và trách nhiệm với những gì thuộc về di sản. Vì thế mà cầu Erzsébet hoặc khách sạn Hilton vẫn rất đẹp trong cảnh quan chung, dù chúng mang vẻ đẹp hiện đại bên cạnh những vẻ đẹp lâu đời được gìn giữ như báu vật.

Nhìn Budapest từ trên cao, nhiều khi tôi tự hỏi: “Đã có bao nhiêu con người tài hoa chạm tay vào từng góc nhỏ của Budapest trong hơn một ngàn năm qua để làm nên một thành phố như ta đang thấy?”. Thành phố này đã khiến bao nhiêu người phải đặt những câu hỏi như thế, từ những lối đi lát đá, những vòm cây um tùm và những bãi cỏ xanh mượt đến những bậc thang ngoài trời hun hút lên thành Vár.

Từ những quảng trường, lâu đài thành quách uy nghi đến những đại lộ sầm uất và duyên dáng với những tiệm café, nhà hàng hấp dẫn, từ những công trình văn hóa tuyệt đẹp mang những phong cách khác nhau đến Tòa nhà Quốc hội huy hoàng tráng lệ... Budapest như một hòn ngọc bên dòng Duna, lấp lánh đầy mê hoặc như hiện ra từ những câu chuyện cổ tích đẹp man mác và huyền ảo vô cùng.
 
Tượng thần Tự do trên đồi Gellért
Tượng thần Tự do trên đồi Gellért

Với tôi, thành phố này là hình ảnh điển hình của nước Hung thu nhỏ, dù nó không thể thay thế cho Pécs bé nhỏ, xinh xắn nơi tôi từng có những năm tháng trên giảng đường đại học, hay Sopron và Győr cũng như nhiều thành phố khác, về mặt lịch sử cũng như những giá trị đặc thù của riêng từng nơi...

Tôi ngỡ ngàng nhìn không chán mắt những đường phố và con người xung quanh, còn TV, báo chí và phim ảnh thì thật lôi cuốn và tạo được vô số ấn tượng với những quảng cáo đủ loại. Tất cả đều thú vị và lạ lẫm! Một anh bạn rất lãng mạn và “ham vui” của tôi còn để ý nhiều hơn khi cho rằng tàu điện là một “đặc sản” của Budapest và rất thích thú khi du ngoạn thành phố bằng phương tiện này.

Hungary còn là nơi mà các ban nhạc, ca sĩ và cầu thủ nổi tiếng được biết đến nhiều hơn các vị lãnh đạo nhà nước. Hình tượng lãnh tụ, cờ quạt, khẩu hiệu, bích chương cổ động và ca tụng chế độ... không nhiều như ở Việt Nam và những nước chúng tôi đã đi qua cũng là điều đáng ghi nhận của đất nước Hungary.

Ở Budapest, thay cho những tượng đài hoành tráng, hùng vĩ của cách mạng thường thấy ở các nước khác, biểu tượng của Tự do được đặt ở nơi cao nhất của thành phố là một phát hiện càng khiến tôi tôn trọng hơn dân tộc này.

Trường Ngoại ngữ (NEI), theo cách gọi của chúng tôi, là nơi tôi bắt đầu cuộc sống của mình ở Hungary. Tôi rất yêu thích ngôi trường này, từ kiến trúc hiện đại của tòa nhà cho đến các thầy cô giáo và cuộc sống ở đó. Đây là lần đầu tiên tôi được học trong một lớp học chỉ có hơn mười trò nên tiếp thu rất tốt những gì được học.

Những người Hung đầu tiên mà chúng tôi tiếp xúc là các giáo viên với phong cách sống rất thoải mái và phóng khoáng: bao giờ cũng rõ ràng trong mọi vấn đề, không “ấm ớ hội tề” như người Việt. Họ cũng là những người Châu Âu đầu tiên mà tôi có dịp được gần gũi và học hỏi. Tôi cũng rất thích và hãnh diện với các bạn cùng khóa vì cô Mária, giáo viên chủ nhiệm dạy tiếng Hung của chúng tôi, là một phụ nữ trẻ đẹp và lôi cuốn nhất trường.

Tôi còn may mắn hơn khi được sống trong tòa nhà chính của trường ở đường Budaörsi vì nó được thiết kế rất tiện lợi cho học sinh. Chúng tôi được ăn ở và học ngay trong tòa nhà này trong khi rất nhiều bạn phải ở chỗ khác và đến đây học. Tôi còn nhớ phòng của tôi số 517 (nằm ở lầu 5, phía trên các lớp học được bố trí ở lầu 1 và tầng trệt). Phòng được thiết kế cho hai học sinh, có tủ áo, bàn học, lavabo rửa mặt và giường đệm tươm tất.
 
Từ trái qua: Phan Nguyễn Khánh, Lê Quang Bình (Vár), Nguyễn Cao Bình và Nguyễn Chí Trung (Gépész, BME). Tham quan vùng Đông Bắc - Miskolc - Eger (NEI - 1973)
Từ trái qua: Phan Nguyễn Khánh, Lê Quang Bình (Vár), Nguyễn Cao Bình và Nguyễn Chí Trung (Gépész, BME). Tham quan vùng Đông Bắc - Miskolc - Eger (NEI - 1973)

Toilet và chỗ tắm giặt ở hai đầu hành lang. Mùa đông có hệ thống sưởi bằng hơi nước. Nhà ăn được bố trí ở tầng dưới cùng, nếu muốn tập tành thì xuống phòng gym (tornaterem). Tuy lúc đó chưa biết bóng bánh là gì nhưng mấy cái sân bóng ở đây thật cuốn hút, có điều, lúc đó tôi không biết rằng: chúng sẽ là một phần trong cuộc sống của tôi sau này.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ cảnh tượng mà tôi nhìn thấy vào đêm đầu tiên ở ký túc xá. Khi kéo rèm che cửa sổ phòng của tôi để nhìn ra ngoài, Budapest đã hiện ra trước mắt tôi thật ấn tượng với vẻ đẹp từ những ánh đèn làm tôi phải ngây người sửng sốt vì chưa bao giờ được thấy một thành phố rực rỡ đến thế.

Có một nơi ở Budapest để lại rất nhiều kỷ niệm với tôi, đó là tòa nhà số 1 quảng trường Thánh ba ngôi (Szentháromság tér), trước đây là ký túc xá Vár. Thật khó hình dung nơi này mà lại không có các bạn thân thiết của tôi ngày xưa. Tôi thật may mắn khi có được những ông bạn “vàng” ở đây, nơi mà mọi người từ khắp nơi kéo đến để ngắm nhìn và thán phục. Ở đây, tôi đã có những ngày thật dễ chịu.

Các bạn chắc còn nhớ những căn phòng của sinh viên ở Vár, tuy tồi tàn và nhếch nhác không được như các ký túc xá mới nhưng lại nằm trong một tòa nhà rất đẹp. Các bạn của tôi cũng vậy, tuy đơn giản và thiếu thốn nhưng tấm lòng thì tuyệt vời. Tôi không bao giờ quên gyümölcslé (nước hoa quả), halászlé (xúp cá)… và cả những “đặc sản” quý hóa của thời sinh viên ở đây cùng các bạn của mình.

Thành Vár và những ngọn đồi ở Buda là những nơi tuyệt vời để dạo chơi và khám phá, chỉ cần cả bọn chúng tôi kéo nhau cùng đi là có đủ trò vui rồi. Cả lũ đều vui vẻ và hồn nhiên vô tư trong khung cảnh tuyệt vời của Budapest, “A szabadság fővárosa” (Thủ đô của tự do). Với chúng tôi, thập niên 70 là những năm chúng tôi cảm thấy thế giới thật đẹp đẽ và thân thiện.
 
Cánh cửa Hungary mở rộng dẫn chúng tôi vào một thế giới rộng lớn, giúp chúng tôi “vỡ lẽ” để cảm nhận và thấm thía nhiều điều về cuộc sống và con người. Dù thời gian sống ở Hungary chỉ là một phần nhỏ so với trước đó và sau này, nhiều người trong chúng tôi đều thấy được ảnh hưởng của Hungary là rất lớn, rất quyết định đối với sự phát triển về mặt trí tuệ cũng như về nhân cách của mỗi người.

Từ Hungary tôi được thấy Việt Nam rõ hơn, thấy dân mình “thật” hơn với những thói hư tật xấu và những cái hay cái lạ. Nếu không sang Hung thì chẳng bao giờ tôi biết con trai ngủ chung với nhau là “quái đản”, cái thói hay cười vớ vẩn là “vô duyên”, nhiều người tôi cho là giỏi giang chỉ là “khôn vặt”...
 
Ảnh: Trên mặt thành Vár, bốn tên diễn cảnh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo. Từ trái qua: (1) Nguyễn Cao Bình (Pécs, đóng vai chính trị viên đại đội, đang đề cao tư tưởng vì dân quên mình); (2) Phan Nguyễn Khánh
Ảnh: Trên mặt thành Vár, bốn tên diễn cảnh Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo. Từ trái qua: (1) Nguyễn Cao Bình (Pécs, đóng vai chính trị viên đại đội, đang đề cao tư tưởng vì dân quên mình); (2) Phan Nguyễn Khánh (Vár

Và tôi cũng đồng ý với nhận xét về sinh viên và người Việt nói chung của Nguyễn Thụy Phương (Đại học Paris Descartes): dân Việt Nam “mặc kệ thói ở bẩn, khoa trương một cách lố bịch, vô kỷ luật, ăn cắp, tắt mắt và gian dối... dù sống ở Việt Nam hay ở đâu. Thường thì họ cảm thấy thấp kém khi thua trong tình trạng “tự ti” một cách khiếp nhược nhưng lại “tự hào” một cách mù quáng vì những chuyện không đâu...”.

Sau khi sang Hungary (vào những năm 70) chúng tôi đều phải nghĩ ngợi rất nhiều. Vì Trường Ngoại ngữ gần ký túc xá Đại học Tổng hợp (ELTE) nên tôi hay sang đó chơi với mấy anh học toán năm cuối.

Ở đó tôi thường tiếp xúc với một anh rất đứng đắn cũng hay tới đó gặp bạn bè. Khác với bọn tôi, khi sang Hung anh ấy đã lớn tuổi (thuộc hàng “lão làng” vì đã sống nhiều năm ở Hung). Tôi thấy anh hay phê phán triết lý sống “thanh bần” thiếu thực tế (hồi ấy ít người đạo mạo dám nói ra như thế). Nhận thức của anh cũng là điều mà nhiều người thuộc lứa thanh niên “cao tuổi” và “thức thời” như anh đồng tình.

Những người như tôi thì rất muốn hòa nhập (không phải bắt chước) và sống thoải mái hơn, còn lại là những người muốn “giữ mình” toàn vẹn, không thay đổi như một minh chứng của chữ “trung” với vô số ràng buộc và luôn bị dằn vặt bởi những gì liên quan đến “lương tâm của thời đại”...

Thời của chúng tôi là thời của các chú sứ quán cấm quần Jeans (quần bò), tóc dài, cấm xem phim tư bản và quan hệ “lăng nhăng” không lành mạnh... nên ngoại trừ những người hồi đó thường được gọi là “bôn sệt”, bạn bè như tôi cảm thấy rất “khổ sở”.
 
Từ trái sang: các anh Nguyễn Văn Nam (KLTE, VIDI69, sau là Phó Tổng Việt Tiến, đã mất), anh Phương (ELTE, VIDI68), Ngọc “xụi” (Khoa Hóa, BME, anh của bạn Tâm VIDI72), các bạn Phạm Ngọc Ánh (ELTE, VIDI72), Nguyễn Cao Bì
Từ trái sang: các anh Nguyễn Văn Nam (KLTE, VIDI69, sau là Phó Tổng Việt Tiến, đã mất), anh Phương (ELTE, VIDI68), Ngọc “xụi” (Khoa Hóa, BME, anh của bạn Tâm VIDI72), các bạn Phạm Ngọc Ánh (ELTE, VIDI72), Nguyễn Cao Bình

Tóm lại, Hungary là cả một chân trời mới của tôi. Nơi tôi nhận ra mình là một con người như thế nào. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, cái hay cái lạ xứ người đã làm một chàng trai đang độ tuổi lớn như tôi phải suy nghĩ nhiều quá. Nhớ lại tất cả những gì đã qua để thấy lại chính mình ngày trước thì mới nhận ra được từ sự cách biệt dẫn đến sự khác biệt là thế nào, thật khờ khạo bé dại làm sao.

Sống trong lòng Hungary như Tổ quốc thứ hai, tôi và các bạn mình đã được sống những ngày đẹp nhất của cuộc đời. Chỉ tiếc rằng, vì còn quá trẻ nên tôi chưa thể đáp lại hết những gì nhận được từ đất nước tuyệt vời này.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Cao Bình, từ TP. HCM