Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ÂN XÁ QUỐC TẾ HUNGARY: BIỂU TÌNH PHẢN ĐỐI TRUNG QUỐC VI PHẠM NHÂN QUYỀN

(NCTG) Ngày 8-2-2009 (mùng Hai Tết Mậu Tý), phân bộ của Ân xá Quốc tế (Amnesty International, AI) đã tổ chức một cuộc biểu tình đầy ấn tượng trước tòa nhà ĐSQ Trung Quốc tại Budapest, lưu ý những lời hứa hẹn trước đây của chính quyền Trung Quốc và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) về việc cải thiện tình trạng nhân quyền ở xứ sở đông dân nhất thế giới này.

Di sản của Thế vận hội sẽ ra sao? (Võ sĩ quyền Anh Hungary Kovács István, vô địch Thế vận hội 1996, là một trong số các nhà thể thao ủng hộ việc đòi hỏi Trung Quốc phải tuân thủ những hứa hẹn về nhân quyền khi được nhận trọng trách đang cai Olympic 2008)

(Xem một đoạn video về cuộc biểu tình ở đây)

Tại một thành phố khác ở Hungary là Keszthely, các thành viên của AI Hungary cũng tham gia chiến dịch lên án những hành vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, như áp dụng án tử hình và hình thức “cải tạo lao động” tràn lan, bỏ tù những nhà đấu tranh nhân quyền “dám” phê phán các hành vi đi ngược lại pháp luật của nhà cầm quyền, cũng như việc kiểm duyệt mạng Internet.

Theo thông tin của AI, trong năm 2006, 63% án tử hình trên toàn thế giới tập trung tại Trung Quốc, và khả năng con số thực sự còn cao hơn nhiều, những khó có thể xác định chính xác vì Trung Nam Hải coi đây là “bí mật quốc gia”. Ân xá Quốc tế tỏ ý vui mừng khi từ mùng 1-1-2007, Trung Quốc đã tái lập thẩm quyền của Tòa án Tối cao trong việc xem xét lại những án tử hình đã có hiệu lực pháp lý, nhưng AI cho rằng còn là một bước tiến quan trọng hơn nếu Bắc Kinh công khai hóa con số những bản án tử hình, và giảm một cách đáng kể những cuộc hành quyết. Những thành viên tham gia biểu tình cũng nhấn mạnh: vài trăm ngàn người dân Trung Quốc vẫn bị đưa đi “cải tạo lao động”, thực chất là một hình thức lao động khổ sai tại các trại lao động, đã được áp dụng từ thập niên 50 thế kỷ trước; hiện tại, một án tù như vậy kéo dài 3 năm và có thể gia hạn tiếp 1 năm. AI Hungary nhấn mạnh: tình trạng lao động cưỡng bức và thủ tục tư pháp bất chính tại Trung Quốc đi ngược lại với Hiến chương Quốc tế về Dân quyền và các Quyền chính trị, mà nhà đương cục Trung Nam Hải đã đặt bút ký.

Năm 2001, trong các cuộc đàm phán về việc tổ chức Thế vận hội 2008, các quan chức Trung Quốc và chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, ông Jacques Rogge, đã nhiều lần nhấn mạnh rằng một thế vận hội được tổ chức ở Bắc Kinh sẽ thúc đẩy sự tiến bộ trong việc thực thi quyền con người tại Trung Quốc. AI coi Olympic Bắc Kinh là một cơ hội quan trọng, và nhìn nhận rằng chính quyền Trung Quốc, IOC và các tổ chức thành viên đều phải có trách nhiệm tuân thủ nghiêm ngặt những lời hứa hẹn để thúc đẩy hiện trạng nhân quyền tại Trung Quốc. Sebály Bernadett, người điều hợp chiến dịch này của AI Hungary, khẳng định tại cuộc biểu tình: “Thế vận hội Bắc Kinh là một cơ hội lịch sử đối với chính phủ Trung Quốc để cải thiện tình trạng nhân quyền và để lại một di sản nhân quyền tích cực cho người dân trong nước và cho thế giới”.

Theo Hiến chương Thế vận hội, một trong những nguyên tắc căn bản của phong trào Olympic là “gìn giữ phẩm giá con người” và “thúc đẩy một xã hội hòa bình”. Mục đích của các kỳ Olympic, trong bản Hiến chương, cũng là “khiến thể thao trở thành công cụ cho sự phát triển hòa hợp của nhân loại”. Võ sĩ quyền Anh Hungary Kovács István (vô địch Thế vận hội 1996, thường được gọi bằng tên thân mật là Kokó), đã phát biểu như sau về mối quan hệ giữa những mục tiêu của phong trào Olympic và quyền con người: “Đối với tôi, Olympic không chỉ là thành tích trong thể thao. Một yếu tố cần được nhấn mạnh không kém là Olympic phải góp phần xây dựng một thế giới biết tôn trọng những quyền con người”. Theo Ân xá Quốc tế, cần đặc biệt lưu tâm sao cho mục tiêu này của kỳ Thế vận hội Bắc Kinh 2008 cũng được thực hiện.

Amnesty International Hungary đòi hỏi chính quyền Trung Quốc phải công bố con số các bản án tử hình, bãi bỏ càng nhanh càng tốt việc tuyên án tử hình và chấm dứt hệ thống các trại “cải tạo lao động”, ngừng kiểm duyệt Internet và trả tự do cho các nhà hoạt động nhân quyền. Theo cơ quan này, những thay đổi trên có thể thực hiện từ giờ đến cuối năm 2008, miễn là các cơ quan chức năng Trung Quốc có ý thức.

Trả lời câu hỏi của báo giới về phát biểu với Hãng Thông tấn Hungary (MTI) của ông Schmitt Pál, chủ tịch Ủy ban Olympic Hungary, AI tuyên bố: họ hoàn toàn tôn trọng những giá trị tinh thần của phong trào Olympic và không vận động tẩy chay Thế vận hội. Tuy nhiên, coi đây là một dịp quan trọng để Trung Quốc thực hiện những hứa hẹn về cải thiện nhân quyền, AI Hungary kêu gọi các nhà thể thao nổi tiếng và những người từng tham gia các kỳ Olympic trước, hãy lên tiếng bảo vệ nhân quyền theo đúng tinh thần của Hiến chương Thế vận hội. AI Hungary cũng cho rằng đây là bổn phận của bản thân, và của tất cả những tổ chức có liên quan đến phong trào Thế vận hội, trong đó có Ủy ban Olympic Hungary và chủ tịch Schmitt Pál.

Chùm ảnh của [index] về chiến dịch của Ân xá Quốc tế Hungary:

Một thành viên Ân xá Quốc tế Hungary với biểu tượng của chết chóc

Sebály Bernadett, người điều hợp chiến dịch phản đối Trung Quốc của AI Hungary, phát biểu với báo giới về những mục đích của cuộc biểu tình

Một thành viên Ân xá Quốc tế Hungary nói về tình trạng kiểm duyệt Internet tại Trung Quốc, khi chính quyền có thể đàn áp, giam cầm những ai viết gì không hợp ý họ trên Liên mạng

Cảnh tỉnh cho di sản của phong trào Olympic

Những mục tiêu bị AI Hungary phản đối được đặt theo đơn vị thời gian mang tính tượng trưng

Tháng Hai: Kiểm duyệt Internet

Tháng Ba: Thủ tục tư pháp bất chính

Tháng Tư: Án tử hình

Tháng Năm: Đày ải cưỡng bức

Tháng Sáu: Giam cầm các nhà hoạt động nhân quyền

Tác giả bài viết: Trần Lê, theo [index] và AI Hungary