VỀ HÀNH VI NGƯỢC ĐÃI TRẺ EM
- Thứ sáu - 14/01/2005 19:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
"Trẻ em như búp trên cành..." (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh)
Nhiều bậc cha mẹ và người trưởng thành hãy còn mơ hồ về các hình thái ngược đãi trẻ em và nhất là về những hậu quả của những hành vi này gây ra cho các em. Cụ thể, ngược đãi trẻ em gồm các hành vi sau:
- Xâm phạm thân thể bao gồm mọi hình thức gây đau đớn về thể chất cho các em kể từ bấu véo cho đến rung lắc, bợp tai, tát, đánh đập... Trẻ có thể bị tổn thương rất đa dạng, từ tổn thương phần mềm (vết rách, bầm tím, vết bỏng) cho đến gẫy răng, gẫy xương, vỡ nội tạng, thương tích hệ thần kinh trung ương. Bị xúc phạm thân thể từ nhỏ, các em lại dễ phát triển hành vi bạo lực hoặc phạm tội sau này: theo tài liệu của Bộ Công an, ở trại giam Thanh Xuân, có 37% nam và 20% nữ phạm nhân ở tuổi vị thành niên đã từng bị bố mẹ mắng chửi, đánh đòn.
- Lạm dụng tình dục, không phải chỉ là ép buộc quan hệ tình dục mà kể từ sờ mó cơ quan sinh dục đến khai thác tình dục vì mục đích thương mại; các em gái giúp việc cho các gia đình là đối tượng thường bị lạm dụng. Thầy thuốc thường phát hiện thấy ở trẻ bị lạm dụng tình dục nhiều biểu hiện như đau, ngứa, bầm tím, rách hay chảy máu ở vùng cơ quan sinh dục (hay chỉ có vết máu ở đồ lót). Trẻ đi lại, ngồi khó khăn hay có những biểu hiện khác thường (rụt rè, lo sợ...)
- Sao nhãng hay bỏ mặc không chăm sóc là hình thức ngược đãi trẻ em phổ biến nhất ở Mỹ. Những nhu cầu cơ bản của trẻ về thể chất, giáo dục hay cảm xúc không được đáp ứng. Trẻ không được chăm sóc y tế kịp thời hay để chậm trễ, bị bỏ rơi, bị đuổi khỏi nhà hay không cho trẻ bỏ nhà ra đi không được trở về. Không cho trẻ đi học hay để trẻ bỏ học; không quan tâm đến nhu cầu cảm xúc của trẻ, cho phép trẻ uống rượu, hút thuốc lá, ma túy. Trẻ thiếu chăm sóc thường có vẻ ngoài bẩn thỉu, tóc rối, ăn mặc không phù hợp với thời tiết, không vệ sinh răng miệng, mỏi mệt, lơ đãng, thèm được ăn.
- Gây tổn thương về cảm xúc bao gồm chửi mắng, lăng nhục trẻ, hoặc vợ chồng cãi cọ, ẩu đả nhau trước sự chứng kiến của con cái... Những hành vi này gây rối loạn nghiêm trọng về nhân cách, nhận thức và tâm trí trẻ, chúng dễ trở thành người mất lòng tin, sống thu mình, không cởi mở, có biểu hiện thụ động hay kích động quá mức, thể chất còi cọc, ngôn ngữ phát triển chậm, gương mặt vô cảm.
Tầm quan trọng của việc quan tâm đến vấn đề ngược đãi trẻ em: ở Việt Nam, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo về nạn ngược đãi trẻ em; cùng với nhiều ý kiến bày tỏ sự căm phẫn, bất bình còn có những lời phàn nàn rằng luật về bạo hành đối với trẻ chưa quy định cụ thể và nghiêm khắc.
Ở một số nước và có lẽ ở cả nước ta, với trẻ em gái, sự ngược đãi còn có những đặc thù như: xảy ra cả khi trẻ chưa ra đời (ví dụ phá thai dựa trên cơ sở lựa chọn giới tính, chỉ giữ lại con trai); tìm cách giết sơ sinh gái ngay sau khi đẻ hoặc sau đó và khai là đột tử; khi là một bé gái: phải lao động sớm, bỏ học sớm để giúp gia đình (so với con trai cùng tuổi), xâm hại bộ phận sinh dục (không có ở nước ta); khi đến tuổi vị thành niên sớm (10-14 tuổi): bị ép lấy chồng, bị dụ dỗ và sa vào đường dây mua bán...
Cũng nên biết rằng tệ nạn ngược đãi trẻ em không kém nghiêm trọng ngay cả ở một số nước được coi là phát triển: ở Mỹ, Cơ quan Bảo vệ Trẻ em đã thống kê số trẻ em chết do bị ngược đãi và bị bỏ mặc không chăm sóc qua nhiều năm và coi đó là "vấn đề giết người". Năm 1997, ước tính có 1.196 trẻ tử vong theo báo cáo của 47 bang; năm 2000, mỗi ngày ở Mỹ có đến 5 trẻ tử vong. Con số thực tế còn cao hơn, có thể đến 28 tử vong mỗi ngày tức gần 10.000 mỗi năm theo những nguồn khác...
Sự ngược đãi trẻ còn thật sự đáng lo lắng vì số trẻ từ 5 tuổi trở xuống bị tử vong do ngược đãi còn nhiều hơn số trẻ tử vong do ngã, chết đuối nước, tai nạn giao thông... với nhiều loại thương tích nặng vào đầu, bụng hay bị đầu độc, bị dìm chết, bị ngạt, bị bỏng... Điều kinh ngạc hơn nữa là trẻ dưới 1 tuổi chiếm 39% số trẻ tử vong do ngược đãi. Kinh nghiệm của nước Mỹ cho thấy rằng mặc dù luật pháp yêu cầu các cán bộ y tế phải báo cáo những trường hợp nghi ngờ trẻ bị ngược đãi nhưng con số được báo cáo vẫn xa con số thực.
Phải làm gì để hạn chế tình trạng trẻ bị ngược đãi? Trong kỳ họp thứ 49 của Hội đồng Y tế Thế giới năm 1996, các quốc gia thành viên đã nhất trí tán thành coi vấn đề bạo hành gia đình, gồm cả ngược đãi trẻ em là vấn đề ưu tiên của chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Giải pháp đối với ngược đãi trẻ em, cách hiệu quả nhất là cộng đồng cần có ý thức về sự ngược đãi trẻ em, có hiểu biết về pháp luật, nhất là pháp lệnh bảo vệ quyền trẻ em.
Mọi biểu hiện của hành vi ngược đãi trẻ em đều cần được ngăn chặn, ngay từ trong gia đình và cần được báo cho chính quyền. Sự chậm trễ có thể làm thiệt hại đến sức khỏe và sinh mạng trẻ. Những kẻ ngược đãi trẻ em cần bị pháp luật nghiêm trị.