RỐI LOẠN KHẢ NĂNG TẬP TRUNG CÓ THỂ GÂY HẠI ĐẾN HÔN NHÂN
- Thứ năm - 11/11/2010 02:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Chồng hay vợ của bạn có thường xuyên quên làm việc nhà hay quên ngày tháng không? Có bao giờ bạn cảm thấy mình như không phải đang sống với vợ hay chồng mà là đang nuôi một đứa trẻ khác? Cuộc hôn nhân của bạn rất có thể đang gặp trục trặc do sự rối loạn và suy giảm khả năng tập trung chú ý (ADHD).
Một cuộc hôn nhân bị rối loạn và suy giảm khả năng chú ý? Nghe có vẻ hơi giật gân, nhưng hiện tượng suy giảm khả năng chú ý và ảnh hưởng của nó đến hôn nhân đang ngày càng được nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần chú ý. Trong một cuộc hôn nhân, triệu chúng thường thấy của việc rối loạn - sự lơ đãng, thiếu tổ chức, đãng trí - có thể dễ dàng bị hiểu nhầm là tính lười biếng, sự ích kỷ và thiếu tình yêu, thiếu quan tâm.
Các chuyên gia cho rằng ít nhất có 4% người trưởng thành bị mắc căn bệnh này, và có tới ½ trẻ em bị mắc triệu chứng ADHD không hoàn toàn khỏi được và tiếp tục phải vật lộn với các triệu chứng đó khi đã lớn; rất nhiều người trưởng thành bị mắc căn bệnh này chưa từng được chẩn đoán về nó khi còn nhỏ tuổi.
Người trưởng thành bị mắc triệu chứng rối loạn khả năng chú ý thường học cách đối phó với nó để tạo thói quen nền nếp tập trung khi làm việc, nhưng các chuyên gia nói rằng hầu hết họ gặp khó khăn trong gia đình, nơi mà sự thiếu khả năng tập trung của họ trở thành căn nguyên thường trực cho xung đột gia đình. Một số nghiên cứu cho thấy những người này có nguy cơ ly hôn cao gấp 2 lần; một nghiên cứu khác chỉ ra rằng 60% cuộc hôn nhân mà trong đó có một thành viên bị mắc triệu chứng này rơi vào tình trạng bất hạnh khá cao.
“Thường thường người ta không nhận ra là ADHD đang ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân của họ vì chưa bao giờ có trao đổi gì về vấn đề này”, bà Melissa Orlov, tác giả cuốn “Ảnh hưởng của Sự suy giảm rối loạn khả năng chú ý đối với Hôn nhân” cho biết.
Bà Orlov nói bà bắt đầu nghiên cứu tác hại của việc suy giảm khả năng tập trung đối với các mối quan hệ gia đình sau khi chồng bà được chẩn đoán là mắc triệu chứng này cách đây 5 năm. Mặc dù đã làm việc nhiều năm với bác sĩ Ned Hallowell, một nhà nghiên cứu hàng đầu về chuyên môn này, bà Orlov vẫn chưa nhận ra rằng chính căn bệnh suy giảm chú ý đó đang tàn phá cuộc hôn nhân của mình.
“Tôi cảm thấy như anh ấy luôn luôn bất ổn định”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. “Tôi không bao giờ có thể tin tưởng giao phó cho anh ấy. Tôi có cảm giác là mình phải chịu trách nhiệm cho mọi công việc và có những cơn tức giận thường xuyên đến. Tôi thậm chí không thích cách tôi thay đổi bản thân mình nữa.” (Hiện nay họ đã sống hạnh phúc, bà cho biết thêm).
Tất nhiên, những lời phàn nàn rằng vợ hay chồng mình thiếu quan tâm hay lơ là chú ý, hay không chịu khó tham gia việc nhà, không chỉ là vấn đề chỉ thấy ở các cuộc hôn nhân trong đó một người hay cả hai bị triệu chứng rối loạn chú ý. Nhưng ADHD có thể làm cho mọi chuyện tồi tệ hơn nhiều.
Nó có thể buộc một trong hai người phải chịu trách nhiệm 100% công việc gia đình, bởi vì người kia quên không đón con, hay quên trả hóa đơn đúng hạn. Người vợ hay chồng không bị căn bệnh này có thể cảm thấy bị bỏ rơi, bị đối xử lạnh nhạt khi chồng hay vợ họ trở nên đãng trí - hoặc, trong một triệu chứng khác của sự rối loạn, họ quan tâm tập trung thái quá đến một dự án công việc hay trò chơi điện tử. Họ cảm thấy họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lien tục phải giục giã nhắc nhở người kia để mọi công việc được giải quyết xong xuôi.
Người vợ hay chồng bị chứng bệnh suy giảm khả năng chú ý, trong khi đó, thường không nhận ra những lỗi lầm mà họ phạm phải gần đây, và thường không hiểu tại sao bạn đời của họ lại đang âm ỉ nuôi cơn giận như vậy. Một danh sách dài dằng dặc những công việc phải làm hay một căn nhà bừa bộn đều có cảm giác quá tải đối với một bộ não đang bị mắc triệu chứng ADHD, làm cho người đó càng có xu hướng rút lui vào chiếc máy vi tính hay trò chơi điện tử - và càng làm bạn đời của mình thêm nổi giận.
“Không phải là họ lười biếng hay là họ không yêu vợ/chồng mình, mà là vì họ bị đãng trí” - bà Orlov nói. “Nhưng nếu bạn không hiểu nguyên nhân là từ sự đãng trí, bạn sẽ nghĩ là người ấy không quan tâm đến bạn, và dần dần sự tức giận, hậm hực sẽ dồn nén tích tụ lại”.
Mặc dù cách điều trị thường bắt đầu bằng các loại thuốc uống, nó thường không giải quyết được vấn đề cho các cặp vợ chồng này. Liệu pháp trò chuyện có thể rũ bỏ được sự hậm hực tích tụ trong nhiều năm. Liệu pháp cư xử và các chiến thuật đối phó cho cả hai người là điều tối quan trọng. Chẳng hạn, bà Orlov thôi không viết những danh sách công việc dài lê thê nữa mà thay vào đó bằng những tấm giấy nhỏ, mỗi tấm viết duy nhất một công việc, được xếp theo thứ tự ưu tiên. Đó là một thay đổi nhỏ, nhưng bà cho biết, nó có tác dụng tốt một cách ngạc nhiên.
Một trong những thử thách lớn nhất cho cả hai vợ chồng là chấp nhận chính những tác hại mà sự rối loạn chú ý có thể gây ra. Thường thường người vợ hay chồng không bị triệu chứng này lo rằng việc chẩn đoán và kết luận bệnh có thể cho người kia cái cớ không giúp làm việc nhà; trong đó, người kia lại thường không hiểu nổi tại sao cách hành xử của mình lại ảnh hưởng đến vợ hay chồng mình.
“Lúc đầu tôi nghĩ là tôi hơi nghi ngờ triệu chứng này” - một người đàn ông 52 tuổi ở Cleveland đã lấy vợ từ 26 năm nay được chẩn đoán mắc phải căn bệnh ADHD. Ông ta yêu cầu không tiết lộ tên để bảo vệ chuyện riêng trong gia đình.
Ông miêu tả cuộc sống của mình là một chuỗi “những trách nhiệm đè nặng”, làm việc vất vả cả ngày, chăm sóc vợ và các con, trông coi sửa chữa nhà cửa và mọi vấn đề tài chính. “Sau nhiều năm phải sống như thế, tôi cảm thấy mình không chỉ có 2 con. Tôi có 3 con và không có ai giúp tôi”, ông nói. “Tôi luôn luôn là người phải nói là ‘không, chúng ta không làm thế được,’ hay ‘làm việc này đi.’ Tôi gần như luôn luôn phải thúc giục ép buộc”.
Sự lơ đãng của vợ ông đặc biệt gây khó khăn khi bọn trẻ còn nhỏ. “Cô ấy có thể ngồi ngay trong phòng nhưng không để ý đến những điều đang xảy ra”, ông thuật lại. Các biện pháp tư vấn truyền thống không giúp ích được gì. Khi họ suýt đưa nhau ra tòa ly dị, người vợ tìm thấy trang web của bà Orlov và bác sĩ Hallowell và bắt đầu xin được bà Orlov tư vấn. Mặc dù cặp vợ chồng này mới bắt đầu quá trình liệu pháp, rốt cục họ đã có lại hy vọng về cuộc sống tương lai với nhau.
“Đó thực sự là một khám phá”, người vợ nói. “Tôi không hề nhận ra là đã có một khối ADHD trầm trọng tồn tại trong cuộc hôn nhân của tôi”.