QUÀ SÁNG (Phần 3)
- Chủ nhật - 28/02/2016 14:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Món ăn Việt Nam thật là đa dạng, đi nhiều nơi nhiều khi còn chưa chắc biết hết…”.
Xem Phần 1 và Phần 2 của bài viết.
Trong hai bài trước tôi nói đến những món ăn sáng mà tôi thường ăn, phần này tôi sẽ nói những món ăn sáng bán ở vùng tôi ở, nhưng tôi cũng ít khi ăn. Ví dụ như món fast food mà tôi mới ăn sáng nay là bánh mỳ thịt. Những lúc có việc phải đi Sài Gòn, không có thời gian vào quán, tôi chỉ mua ổ bánh mỳ rồi đem theo lên xe buýt, ngồi nhâm nhi khi xe chạy về Sài Gòn. Vì đây là vùng ngoại ô, nên xe chạy nhanh, chứ đến quận 12 thì chậm như rùa.
Người dân ở đây cũng ăn những món như những vùng khác: bún riêu, bún bò Huế, bún thịt xào, bún thịt nướng, v.v... Nhưng có một món ăn sáng mà những người ăn khỏe rất thích là món cơm tấm. Năm kia chú em chồng tôi vào chơi, thấy chú là người to, khỏe, tôi nghĩ chắc đĩa bánh cuốn không vừa với sức chú đâu, vậy là tôi mua cho cho chú đĩa cơm tấm. Ăn xong chú khen, như thế này mới chắc bụng. Hỏi thăm thì hình như ngoài Bắc không bán thứ quà sáng này. Chỉ với 15 nghìn, người lao động có món ăn sáng ngon với cơm, thịt sườn nướng, cà chua, dưa leo. Có nơi còn cho thêm bì hoặc miếng chả trứng. Riêng tôi ít ăn vì sợ “mập” và cũng vì muốn bớt cơm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Khoai mỳ (miền Bắc gọi là củ sắn) ở đâu cũng có, vậy mà dân Củ Chi lại tự nhận là đặc sản của quê hương mình. Trên quốc lộ 22 đoạn đi từ Hóc Môn đến Củ Chi, có nhiều quán bán khoai mì có ghi quảng cáo “Khoai mì nước cốt dừa, đặc sản Hóc Môn, Củ Chi”, có nơi còn ghi thêm “ăn một lần là ghiền”. Khách đến thăm Địa đạo Củ Chi, sau khi chui xuống địa đạo rồi chui lên, ai cũng được mời ăn khoai mỳ luộc, Tây cũng như ta. Khoai mỳ đặc sản mà tôi nói ở đây chỉ có thêm một chút dừa nạo rắc lên trên, chứ cũng không có gì lạ, có nơi chan thêm nước cốt dừa (đã được nấu cho sền sệt).
Chuối chín là thứ trái cây quen thuộc, người Nam lại chế biến ra nhiều món ăn khác việc chỉ ăn chuối tươi. Bánh tét nhưn (nhân) chuối thì tôi đã có nói rồi, bây giờ tôi sẽ kể đến món chuối chín bọc xôi có trộn nước cốt dừa rồi đem nướng. Khi ăn, người bán sẽ cho trái chuối này vào đĩa rồi lại chan nước cốt dừa béo béo, ngọt ngọt lên trên. Hoặc là món chuối gần chín, lột vỏ xanh bỏ đi, rồi nướng trên bếp than. Món này mới ăn thì chưa quen vì có vị hơi chát, nhưng tôi rất thích vì có hậu hơi ngọt và nhất là ai đau dạ dày, ăn món này rất tốt.
Một món nữa là bún mắm, đặc sản của miền Nam. Tùy từng vùng có thể khác nhau, nhưng nói chung đều có cách chế biến là bún bày trong tô cùng với thịt heo quay, thịt cá lóc, tôm, sau đó chan nước dùng được nấu bởi mắm cá lóc hay cá linh, ăn kèm với các thứ rau. Món này vì có vị mắm nên chồng tôi là người Bắc không thích ăn vào buổi sáng. Nhưng đó là món khoái khẩu của nhiều người và giá một tô còn hơn giá một tô phở bò.
Cuối cùng là một món ăn sáng mà tôi dám chắc nhiều người không biết, cho dù là người Nam. Ngay cả tôi đây sống ở miền Tây hơn bốn chục năm mà còn không biết. Trong chương trình “Ai là triệu phú” anh Lại Văn Sâm có đố món ăn này mà hình như ai cũng chịu thua. Món ăn sáng này chỉ bán ở quanh khu vực chợ Việt kiều (không phải là Việt kiều Tây hay Mỹ mà là Việt kiều Campuchia, họ là những bà con sinh sống bên đó lâu năm, sau này vì chiến tranh phải về quê hương lánh nạn). Những người này về quê mang theo món ăn sáng mà họ yêu thích là món “Bún Num Chóc”. Anh Lại Văn Sâm gọi là Bún Num Banh Chóc. Tôi không biết cách gọi nào đúng, nhưng thấy ở vùng này ai cũng gọi là Bún Num Chóc.
Đây là món gồm bún, các thứ rau (có khi cả gần chục thứ) đặc biệt là có cọng bông súng sau khi tước sạch vỏ, xắt nhỏ rắc lên trên. Và sau cùng là chan nước dùng được nấu bằng mắm Bò Hóc. Tôi không thấy thịt hay cá gì ở đây cả. Bản thân tôi ăn thấy cũng bình thường vì tôi không thích mắm, nhưng những quán này lúc nào cũng đông khách. Cho dù tô bún này không hề rẻ, giá bán bằng một tô hủ tiếu có thịt có xương. Khi vào quán người ta hay hỏi, khách ăn bún Kèn hay bún Num Chóc, nghe nói bún Kèn thành phần giống Num Chóc chỉ khác là có nước cốt dừa. Vì tôi chưa ăn nên chưa biết. Có lần đi chợ gặp chị bán thịt quen đang ăn tô bún, chị ấy hỏi: “Cô ăn bún Num Chóc chưa? Ngon lắm”.
Món ăn Việt Nam thật là đa dạng, đi nhiều nơi nhiều khi còn chưa chắc biết hết. Tôi cũng chỉ biết một số ít trong đó, chỉ mong có dịp đi thêm vài địa điểm ở miền Trung và miền Bắc để có dịp thưởng thức những món ăn của quê hương. Còn bạn nào đến đây chơi chắc tôi cũng chỉ biết giới thiệu món Bún Num Chóc là món lạ nhất mà thôi (tiếc lại là không phải món Việt truyền thống).
Trong hai bài trước tôi nói đến những món ăn sáng mà tôi thường ăn, phần này tôi sẽ nói những món ăn sáng bán ở vùng tôi ở, nhưng tôi cũng ít khi ăn. Ví dụ như món fast food mà tôi mới ăn sáng nay là bánh mỳ thịt. Những lúc có việc phải đi Sài Gòn, không có thời gian vào quán, tôi chỉ mua ổ bánh mỳ rồi đem theo lên xe buýt, ngồi nhâm nhi khi xe chạy về Sài Gòn. Vì đây là vùng ngoại ô, nên xe chạy nhanh, chứ đến quận 12 thì chậm như rùa.
Người dân ở đây cũng ăn những món như những vùng khác: bún riêu, bún bò Huế, bún thịt xào, bún thịt nướng, v.v... Nhưng có một món ăn sáng mà những người ăn khỏe rất thích là món cơm tấm. Năm kia chú em chồng tôi vào chơi, thấy chú là người to, khỏe, tôi nghĩ chắc đĩa bánh cuốn không vừa với sức chú đâu, vậy là tôi mua cho cho chú đĩa cơm tấm. Ăn xong chú khen, như thế này mới chắc bụng. Hỏi thăm thì hình như ngoài Bắc không bán thứ quà sáng này. Chỉ với 15 nghìn, người lao động có món ăn sáng ngon với cơm, thịt sườn nướng, cà chua, dưa leo. Có nơi còn cho thêm bì hoặc miếng chả trứng. Riêng tôi ít ăn vì sợ “mập” và cũng vì muốn bớt cơm trong khẩu phần ăn hàng ngày.
Khoai mỳ (miền Bắc gọi là củ sắn) ở đâu cũng có, vậy mà dân Củ Chi lại tự nhận là đặc sản của quê hương mình. Trên quốc lộ 22 đoạn đi từ Hóc Môn đến Củ Chi, có nhiều quán bán khoai mì có ghi quảng cáo “Khoai mì nước cốt dừa, đặc sản Hóc Môn, Củ Chi”, có nơi còn ghi thêm “ăn một lần là ghiền”. Khách đến thăm Địa đạo Củ Chi, sau khi chui xuống địa đạo rồi chui lên, ai cũng được mời ăn khoai mỳ luộc, Tây cũng như ta. Khoai mỳ đặc sản mà tôi nói ở đây chỉ có thêm một chút dừa nạo rắc lên trên, chứ cũng không có gì lạ, có nơi chan thêm nước cốt dừa (đã được nấu cho sền sệt).
Chuối chín là thứ trái cây quen thuộc, người Nam lại chế biến ra nhiều món ăn khác việc chỉ ăn chuối tươi. Bánh tét nhưn (nhân) chuối thì tôi đã có nói rồi, bây giờ tôi sẽ kể đến món chuối chín bọc xôi có trộn nước cốt dừa rồi đem nướng. Khi ăn, người bán sẽ cho trái chuối này vào đĩa rồi lại chan nước cốt dừa béo béo, ngọt ngọt lên trên. Hoặc là món chuối gần chín, lột vỏ xanh bỏ đi, rồi nướng trên bếp than. Món này mới ăn thì chưa quen vì có vị hơi chát, nhưng tôi rất thích vì có hậu hơi ngọt và nhất là ai đau dạ dày, ăn món này rất tốt.
Một món nữa là bún mắm, đặc sản của miền Nam. Tùy từng vùng có thể khác nhau, nhưng nói chung đều có cách chế biến là bún bày trong tô cùng với thịt heo quay, thịt cá lóc, tôm, sau đó chan nước dùng được nấu bởi mắm cá lóc hay cá linh, ăn kèm với các thứ rau. Món này vì có vị mắm nên chồng tôi là người Bắc không thích ăn vào buổi sáng. Nhưng đó là món khoái khẩu của nhiều người và giá một tô còn hơn giá một tô phở bò.
Cuối cùng là một món ăn sáng mà tôi dám chắc nhiều người không biết, cho dù là người Nam. Ngay cả tôi đây sống ở miền Tây hơn bốn chục năm mà còn không biết. Trong chương trình “Ai là triệu phú” anh Lại Văn Sâm có đố món ăn này mà hình như ai cũng chịu thua. Món ăn sáng này chỉ bán ở quanh khu vực chợ Việt kiều (không phải là Việt kiều Tây hay Mỹ mà là Việt kiều Campuchia, họ là những bà con sinh sống bên đó lâu năm, sau này vì chiến tranh phải về quê hương lánh nạn). Những người này về quê mang theo món ăn sáng mà họ yêu thích là món “Bún Num Chóc”. Anh Lại Văn Sâm gọi là Bún Num Banh Chóc. Tôi không biết cách gọi nào đúng, nhưng thấy ở vùng này ai cũng gọi là Bún Num Chóc.
Đây là món gồm bún, các thứ rau (có khi cả gần chục thứ) đặc biệt là có cọng bông súng sau khi tước sạch vỏ, xắt nhỏ rắc lên trên. Và sau cùng là chan nước dùng được nấu bằng mắm Bò Hóc. Tôi không thấy thịt hay cá gì ở đây cả. Bản thân tôi ăn thấy cũng bình thường vì tôi không thích mắm, nhưng những quán này lúc nào cũng đông khách. Cho dù tô bún này không hề rẻ, giá bán bằng một tô hủ tiếu có thịt có xương. Khi vào quán người ta hay hỏi, khách ăn bún Kèn hay bún Num Chóc, nghe nói bún Kèn thành phần giống Num Chóc chỉ khác là có nước cốt dừa. Vì tôi chưa ăn nên chưa biết. Có lần đi chợ gặp chị bán thịt quen đang ăn tô bún, chị ấy hỏi: “Cô ăn bún Num Chóc chưa? Ngon lắm”.
Món ăn Việt Nam thật là đa dạng, đi nhiều nơi nhiều khi còn chưa chắc biết hết. Tôi cũng chỉ biết một số ít trong đó, chỉ mong có dịp đi thêm vài địa điểm ở miền Trung và miền Bắc để có dịp thưởng thức những món ăn của quê hương. Còn bạn nào đến đây chơi chắc tôi cũng chỉ biết giới thiệu món Bún Num Chóc là món lạ nhất mà thôi (tiếc lại là không phải món Việt truyền thống).