Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUÀ SÁNG (Phần 2)

(NCTG) Cùng một con đường với hàng bánh cuốn, nhưng đi xa hơn về hướng thị trấn là hàng bán hủ tiếu của hai ông bà còn trẻ gốc Bắc di cư.
Bát hủ tiếu khô bình dân
Xem Phần 1 của bài viết.

Tôi cũng không hiểu vì sao các cụ thân sinh ra ông bà này lại đi xa đến tận vùng Củ Chi mà hồi đó tôi nghĩ là rất hẻo lánh. Cộng đồng người Bắc di cư theo đạo Thiên Chúa tụ họp ở khu vực này, gần nhà thờ Bắc Hà. Đây là hình ảnh tháp chuông và nhà thờ nhìn từ quán hủ tiếu.
 
000

Quán này nằm cách xa chợ, và chỉ là mặt trước của nhà ông bà chủ sửa lại, đặt vài cái bàn để bán quán. Hủ tiếu của quán nấu cũng đơn giản, khác với hủ tiếu Nam Vang, chỉ là hủ tiếu chần qua nước sôi rồi cho thịt hay xương heo lên trên, sau đó chan nước dùng và rắc hành ngò là xong. Quán còn bán bún giò heo hay bánh canh cũng tương tự như vậy, chỉ khác chút ít ở đĩa rau ăn kèm hoặc bún hay bánh canh.

Hủ tiếu khô cũng làm rất đơn giản không cầu kỳ như hủ tiếu khô ờ miền Tây trong chợ Cần Thơ. Tuy vậy nhờ không gian thoáng mát, nấu sạch sẽ và giá chỉ 15 nghìn một bát nên cũng đông khách. Mấy năm trước em tôi cùng bạn ghé chơi, anh chị đưa đi ăn sáng cũng chỉ biết đưa đến đây vì chỉ biết quán này. Lần đó gọi làm đĩa hủ tiếu khô đặc biệt, bà chủ làm cho một đĩa quá xá giá 20 nghìn. Không biết cậu em có thấy ngon không mà ai cũng ăn hết, tuy tôi cảm thấy hơi quá no.

Ông chủ quán này trùng tên với ông chủ hàng bánh cuốn, nhưng vì trẻ tuổi hơn nhiều nên chúng tôi cũng ít nói chuyện. Hai ông bà có hai đứa con, con gái dáng người thanh thanh học trường Y Phạm Ngọc Thạch ở Sài Gòn, chỉ thỉnh thoảng mới ra phụ giúp, còn cậu con trai thấp và đậm người, nghe đâu đã học xong, đang chờ tìm việc, thì thường xuyên ra bưng bê phụ giúp bố mẹ hơn.

Tôi có nhận xét của riêng mình là với những người Bắc di cư năm 1954 hoặc trước nữa thì cho dù con cái sinh ra ở Bắc hay Nam đều giữ giọng Bắc tuy có khi không chuẩn lắm. Còn con em bộ phận người Bắc vào Nam sau năm 1975 lại đa số nói giọng miền Nam.
 
Hủ tiếu nước
Hủ tiếu nước

Ngoài bánh cuốn và hủ tiếu, chúng tôi cũng hay ăn xôi buổi sáng của một cô cũng người Bắc khoảng 40 tuổi. Sáng nào cũng khoảng 6 giờ 20 là cô chạy chiếc xe gắn máy cũ, sau chở một chõ xôi (xửng hấp) đi ngang nhà tôi. Trong chõ cứ mỗi góc là một loại xôi: đậu đen, đậu xanh, đậu phông, gấc và xôi cúc (vì miền Nam không có lá khúc nên phải chế ra loại xôi này, chỉ là xôi bọc đâu xanh nấu nhuyễn xào mới mỡ hay dầu).

Cô này nấu xôi cũng ngon và nhất là chỉ dùng trái gấc thật để nấu không dùng màu như những hàng xôi khác ở thành phố. Cô cho biết vì chỗ tôi ờ người ta trồng nhiều gấc nên giá cũng rẻ, ngày nào không mua được gấc thì không nấu, chứ nhất định không dùng màu.

Mua lâu ngày nên quen, tôi cũng hay nói chuyện, thì biết chồng cô ấy đã mất vì bệnh ung thư mấy năm nay. Một mình làm ăn nuôi ba đứa con: đứa lớn học đại học ở Sài Gòn, đứa thứ hai học cấp ba còn đứa nhỏ học cấp hai. Đứa lớn ở ký túc xá sinh viên nên cũng đỡ tiền phòng trọ, được cái là các cháu biết mẹ vất vả nên đứa nào cũng ngoan, biết phụ giúp mẹ. Bán xôi chỉ là thu nhập phụ kiếm thêm chút tiền buổi sáng, còn thu nhập chính là nuôi heo và nấu rượu. Phân heo cho xuống hầm biogas, lấy gas nấu rượu và nấu xôi, hèm rượu lại cho heo ăn.

Mấy đứa chó con tôi biết tôi hay mua xôi nên nó làm tài khôn, nghe tiếng rao xôi là ra la inh ỏi, cô ấy nghe là ghé vào, tôi không cần kêu gọi gì cả. Chỉ với 10 nghìn xôi, hai ông bà già ăn no cho đến trưa. Sau khi đi một vòng quanh khu gia đình, cô ấy chạy đến Khu công nghiệp Tây Bắc gần đó bán cho công nhân. Còn cái bọn chó tài khôn của tôi đôi khi cũng làm tôi khó xử vì đâu phải ngày nào cũng ăn xôi. Cho nên khi chúng nó gọi thì tôi phải mua, bởi vậy gần đến giờ cô bán xôi đi ngang, nếu không thích ăn, tôi phải trốn trong nhà.
 
Hộp cơm tấm
Hộp cơm tấm

Cứ khoảng ba tháng một lần chúng tôi đi bệnh viện thử máu kiểm tra sức khỏe, nên phải nhịn ăn sáng. Sau khi lấy máu xong, trong khi chờ kết quả chúng tôi ra hàng phở Hà Nội gần bệnh viện để ăn sáng. Hàng phở này là phở bình dân, giá chỉ 20 nghìn một bát, nhưng chúng tôi thấy ăn cũng được. Quán phở sát bên đường, nên cũng không sang trọng gì, chủ yếu phục vụ khách chờ đón xe đi Bến Tre hoặc Hậu Nghĩa hoặc những người trong bệnh viên ra như chúng tôi.

Cháu gái tôi ở nước ngoài về, nếu cho nó vào đây thế nào nó cũng nói: “Quán này nghèo”. Vì với số vốn tiếng Việt ít ỏi thì từ “nghèo” là chỉ những hàng quán không sang trọng. Nhưng cho dù quán thế nào, có lần nó đói quá cũng ăn hết bát bún bò Huế ở một quán ở Sài Gòn mà mới bước vào nó đã nói quán “nghèo”. Cô của nó cũng nghèo nên chỉ đưa nó đến quán loại đó thôi (nghèo ở Sài Gòn mà một bát cũng phải mấy chục ngàn, không có giá như Củ Chi này đâu).

Một tuần có bảy ngày, quanh đi quẩn lại chúng tôi ăn mấy món quà sáng đơn giản là đã hết tuần. Nhìn lại tôi thấy hình như chúng tôi ăn quà của người miền Bắc hơi nhiều, cho nên từ đầu đến giờ tôi hay dùng từ miền Bắc để viết bài này. Đoạn sau tôi sẽ nói đến những món ăn sáng ở địa phương tôi đang sinh sống, để biết ở đây người ta còn ăn sáng thứ gì khác nữa.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Khoa Thuyền Trang, từ Sài Gòn