Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĐI VƯỜN TRẺ

(NCTG) Đã cả tuần nay hai mẹ con tôi rục rịch chuẩn bị cho một chuyện "hệ trọng" trong đời: cho bé đi vườn trẻ. Sáng bé cũng phải dậy sớm chứ không được nhằm trên giường rồi đòi mẹ lấy đồ chơi ra nữa, bữa cơm phải tự xúc bằng tay nếu không sẽ bị đói, uống ước không được đổ ra quần áo cô giáo sẽ mắng, trưa tự ôm gối ngủ không được đòi mẹ bế ru...

Chẳng hiểu với cái đầu 2 tuổi, khái niệm "vườn trẻ" là thế nào, nhưng cu cậu có vẻ hăng hái tò mò muốn biết lắm. Chắc tại do xem băng video ca nhạc trẻ em nhiều lần có bài hát "Trường của chúng em" nên bé cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần: "Mẹ ơi, mình đi học ở trường mầm non phải không?" Tôi luôn phải vui vẻ trả lời: "Đúng rồi, trường mầm non có nhiều bạn, nhiều đồ chơi có cô giáo rất yêu trẻ con, thích lắm". Tuy vậy, trong bụng vẫn cứ lo lo: con mình nó quen mẹ thế này thì làm sao mà quen được, trưa ai bón cho nó ăn, ai ru cho nó ngủ, liệu các cô có chú ý được đến con mình hay không? Thật khó mà hình dung nổi!

Sáng đầu tiên đưa con đến vườn trẻ, lâu lâu rồi mới lại có được cái cảm giác hồi hộp của buổi tựu trường. Gặp toàn các bác phụ huynh mặt mày căng thẳng như đưa con đi thi cử nhân. Người nào cũng tay bế con, tay xách một túi ba-lô to đùng chứa giầy dép, quần áo, tã lót, bình sữa, đồ chơi... như sắp phải đưa con đi đâu xa xôi lắm. Chỉ có mỗi bọn trẻ là thật đáng yêu, chẳng biết gì đứa nào cũng thấy lạ, cũng thấy vui, mắt tròn mắt dẹt theo dõi các "đồng bọn" trẻ con khác. Đến giờ vào lớp, cô giáo tập trung các bậc phụ  huynh để hướng dẫn nội quy, còn bọn trẻ thì ùa ra nghịch đồ chơi. Đứs nào cũng thích vì có nhiều đồ chơi mới, khác với những thứ đã quá nhàm ở nhà; lại có bố mẹ bên cạnh thì thật yên tâm. Hết buổi sáng, mẹ con dắt nhau vui vẻ ra về, để lại ấn tưọng tốt trong lòng bé về "trường mầm non".

Nhưng, những ngày tiếp sau mới thực sự là sóng gió. Cô giáo bắt đầu "mời" các vị phụ huynh ra khỏi lớp. Cô cậu nào đang chơi vui nhuntg ngoảnh ra không thấy mẹ nữa cũng lo lắng óa lên khóc nức khóc nở, cố giáo bế, dỗ dành thế nào cũng không chịu, cứ giãy dụa nước mắt nước mũi đầm đìa. Nhưng có lẽ khổ nhất là đối với các mẹ ngồi ngoài chờ. Biết con mình đang khóc mà thương quặn tim, vừa xót con, vừa như có cảm giác ân hận chẳng biết mình cho nó đi nhà trẻ thế này có sớm quá không? Có tốt cho nó không? hay là để nó ở nhà thêm ít lâu nữa? Hình như bản năng của con người là ở trong cùng một hoàn cảnh thì dễ quen nhau hơn thì phải. Sau ít thời gian căng thẳng ngồi... nghe con khóc, các mẹ cũng tìm cách quây quần lại, chia sẻ với nhau, tự an ủi nhau. Ban đầu chỉ dừng lại ở mức sơ sơ như "con mấy tuổi", "mấy đứa", "chúng hay làm gì ở nhà", "tại sao cho đi vườn trẻ"..., chẳng mấy chốc, câu chuyện chuyển sang dộ thân mật hơn như về công việc nội trợ ở nhà, về chuyện mua đồ ăn thức uống, về các đức ông chồng... Ai nấy đều vỡ lẽ là sao hoàn cảnh giống nhau thế, trước nay ở nhà với con chỉ "nhất mẹ nhì con", không biết người khác ra sao. Chẳng bao lâu, những tiếng khóc cũng lắng đi từ lúc nào không biết. Nhìn trộm vào lớp, đã thấy bọn trẻ con đứa xúm vào chơi xếp hình, đứa bày trò nấu bếp, đứa ngồi thút thít trong lòng cô giáo. Mẹ nào cũng thở phào nhẹ nhõm như trút được một tảng đá đè nặng lên ngực...

Sau khoảng một tháng đầu làm quen với nhà trẻ, thằng cu nhà tôi rất thích "đi học". Sáng đưa đến lớp, nhiều khi chẳng kịp chia tay với mẹ đã lon ton vào lớp kéo ghế của mình ra ngồi cho cô giáo đưa bánh mỳ ăn sáng. Hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo ở Hung dạy cho trẻ em thói quen nề nếp, tự lập ngay từ bé. Trước khi ăn, các cháu bao giờ cũng rửa tay sạch sẽ và lau vào đúng khăn của mình. Lúc ngồi ăn cũng có khăn trải bàn, đĩa, thìa, cốc, khăn lau miệng... và tuyệt đối trong khi ăn không được đúng lên nghịch ngợm hay làm bất cứ một trò gì khác, cái mà khó có đứa trẻ nào làm được ở nhà. Đứng ngoài theo dõi, tôi thấy có bé chẳng chịu ăn tí nào, chỉ nghịch xúc thức ăn ra bàn, hoặc đổ nước ra quần áo, hay vừa ăn vừa nhè cả vào bát xúp... Ấy vậy mà các cô giáo không hề quát mắng gì cả, chỉ cương quyết bảo "không được!" rồi cất đồ ăn đi nếu trẻ tiếp tục quậy phá. Nhiều lúc bất lực không nói được con, tôi mới thấy làm cha mẹ thật khó, không phải cứ sinh con ra là đã biết cách dạy con. Về mặt này, phải công nhận là người Châu Âu kiên trì và tôn trọng quyền bình đẳng với trẻ em hơn hẳn người Châu Á. Trẻ em ở Việt Nam vâng lời bố mẹ vì sợ nếu không làm đúng sẽ bị mắng. "Yêu cho roi cho vọt - Ghét cho ngọt cho bùi", ông cha ta thường hay nói vậy. Ngược lại, theo hệ thống nuôi dạy ở Hung, các cô giáo tìm đủ mọi cách để trẻ tự nhận ra thế nào là đúng, thế nào là sai. Các cô lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ với trẻ mà chúng lại răm rắp tuân theo lời cô giáo như bị bỏ bùa mê.

Trong ngày, có những phút ngơi tay với công việc, nhớ đến con, nhiều khi tôi có cảm giác hơi vui hơi buồn lẫn lộn và khó tả. Một phần, yên tâm vì con mình đã đủ "trưởng thành" để vui chơi hòa nhập với cuộc sống, một phần lại thấy sao nhanh thế, mới ngày nào con được mẹ ấp ủ liên tục không rời, mà giờ đã "chẳng cần" mẹ nữa. Cũng chỉ nghĩ thoáng qua vậy thôi, âu cũng là quy luật của tạo hóa. Chẳng phải nhìn đi đâu xa, ngay ngoài cửa sổ kia thôi, mới hôm nào mấy chú chim non con chiêm chiếp kêu được mẹ mớm môi vào tận mỏ, mà nay đã chấp choáng nbay quanh vườn. Cả cái cây cổ thụ già đầy ắp những lá vàng ruộm một góc trời mùa Thu, sau vài cơn gió đông cũng chia tay hết với đám lá, đứng trơ trụi một mình giơ ra mấy cành khẳng khiu. Tôi bỗng thấy thương cây vì nó còn phải trả qua một mùa đông lạnh và dài lắm mới được đón những mầm xanh trở về. Còn với tôi, vèo một cái đã lại sắp đến chiều để được đi đón con ở vườn trẻ. Thằng bé đang mải mê chơi xếp hình với các bạn, ngẩng lên nhìn thấy mẹ, cháu chạy ù ra, nét mặt rạng rỡ ôm chầm lấy mẹ ríu rít: "Mẹ ơi, con nhớ mẹ quá! Mẹ mang quà gì đến đây? Mẹ ơi, cô giáo bảo... Mẹ ơi, các bạn..."

Ôm chặt con vào lòng, tôi thấy cơ thể nhỏ bé của cháu lại thuộc về mình, đúng như hồi còn nằm trong bụng mẹ. Chỉ có điều, giờ đây, tận mắt tôi được nhìn cháu lớn dần lên, phát triển hơn về mặt trí tuệ. Xin cám ơn vườn trẻ!

Tác giả bài viết: Đặng Phương Lan, Budapest 4-11-2006