CHUYỆN VỢ CHỒNG... CHẲNG BAO GIỜ HẾT! (1)
- Thứ sáu - 24/03/2006 21:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuy nhiên, vẫn có nhiều cặp vợ chồng khác sống hạnh phúc với nhau suốt đời, tình yêu của họ như một thứ vật quý, luôn được chăm sóc và không có "hạn sử dụng". Vậy chăm sóc, giữ gìn vật quý ấy như thế nào? Những điều mà nhiều người gọi là bí quyết để duy trì tình yêu giữa vợ chồng không phải là những gì quá phức tạp.
Làm sao luôn duy trì và thắp sáng ngọn lửa của tình yêu ban đầu?
* NHỮNG GÌ NÊN TRÁNH TRONG CUỘC SỐNG VỢ CHỒNG?
Các nhà tâm lý gọi là những cái bẫy có thể làm suy yếu dần sự bền chặt. Đừng mất công tìm kiếm những phép màu mà trước hết cần biết tránh những gì có thể sói mòn dần hạnh phúc gia đình.
- Vô tuyến truyền hình làm cho nhiều cặp vợ chồng mất cơ hội được trò chuyện và biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Kéo dài tình trạng cả hai dán mắt vào TV suốt bữa ăn cũng không tốt cho sức khỏe, điều này y học đã chứng minh.
- Không nên thường xuyên bỏ những bữa cơm gia đình để đi vui vẻ nhậu nhẹt với bạn bè; khi trỗi dậy thói quen thời trai trẻ thì cũng không về nhà quá muộn; phụ nữ thường "lo xa" mỗi khi chồng về khuya. Tốt nhất là tìm lại thú vui đi cùng nhau.
- Luôn đi làm về muộn, không còn thì giờ để săn sóc chính mình, nói gì để quan tâm đến vợ/ chồng, lại mỏi mệt, trở nên dễ cáu bẳn và người kia cũng không dễ chịu gì. Cố gắng về sớm để có mặt trong bữa cơm chiều. Đôi khi cũng nên quên đi công việc để quan tâm đến người thân trong gia đình.
- Không phải vì đã là vợ chồng thì không cần chăm sóc đến bản thân nữa, có quyền "luộm thuộm". Cần gây ấn tượng hay sự hấp dẫn nhau ngay cả trong cuộc sống hàng ngày, cảm giác được tôn trọng và cần thiết cho nhau không tự nhiên mà có, mà phải được xây đắp.
- Biểu lộ sự không quan tâm, sự hờ hững là điều hết sức nên tránh; không cần phải tặng hoa, chỉ cần biết để ý đến nhau. Sẽ là vô tâm hay hờ hững khi vợ mới làm đầu hay mặc chiếc áo mới mà chồng không có một lời bình luận và ngược lại, lời khen bao giờ cũng dễ nghe nhưng điều quan trọng là cảm giác được quan tâm.
- Thế nào là ghen? Sẽ còn phải bàn, nhưng đừng theo dõi nhau, cũng đừng chất vấn nhau quá nhiều vì cơ sở của tình yêu là sự tin cậy. Nghi ngờ nhau mãi, thế nào cũng đẩy người kia vào vòng tay người khác.
- Tình dục rất quan trọng trong cuộc sống của vợ chồng nhưng cũng là bình thường khi không còn sôi nổi như trước, tuy nhiên kỵ nhất là trở thành một sự nhàm chàm. Phá vỡ sự nhàm chán là chuyện phải học.
- Bổn phận với gia đình bên vợ là cần nhưng quá nhấn mạnh như một kỷ luật thì lại có nguy cơ là một gánh nặng tâm lý và phải đổi bằng những cơ hội cần "xổ lồng" của chồng.
- Sống vô tư, không có dự định nào cho tương lai gậm nhấm dần nền móng gia đình. Hoàn thành những dự định, từ ngắn hạn (mua xe...) đến dài hạn (lo toan cho con cái, làm nhà mới...) là những cách xây đắp gia đình có hiệu quả nhất.
Những cặp vợ chồng không chia sẻ những dự định, không hiểu nhau, không lắng nghe nhau có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn là bất lợi. Điều này thì cha ông ta đã đúc kết thành kinh nghiệm truyền đời "thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn".
* CÓ THỂ DỰ ĐOÁN ĐƯỢC SỰ BỀN VỮNG CỦA HÔN NHÂN?
Vợ chồng hay xung đột hoặc vợ chồng sống êm thấm nhưng lạnh nhạt đều là nguyên nhân dẫn đến ly dị. Đó là kết luận của một nghiên cứu ở Mỹ, đăng trên tạp chí "Hôn nhân và gia đình". 80 cặp vợ chồng, đã kết hôn được 5 năm và được theo dõi trong 14 năm. Sau 4 năm, 7 cặp đã chia tay. 10 năm tiếp theo, 13 cặp nữa cũng "anh đằng anh, tôi đằng tôi". Và các nhà nghiên cứu đã xác định được hai hình thái hôn nhân có nguy cơ: những cặp mà trong cuộc sống, cãi nhau như cơm bữa và ngược lại những cặp sống êm thấm nhưng lạnh nhạt. Cả 2 trường hợp đều không lấy làm lạ, hình như họ không phải là những nửa sinh ra để tìm lại nhau!
Hai giai đoạn đời có nguy cơ trong cuộc sống vợ chồng là 7 năm đầu, tỉ lệ ly dị khá cao và giai đoạn thứ 2 cũng mong manh là khoảng 14 năm sau hôn nhân. Theo các nhà tâm lý, lúc này cha mẹ đã bớt phải trông nom, để mắt đến con cái nên có thời gian để suy nghĩ về mối quan hệ vợ chồng và đánh giá lại về cuộc sống hôn nhân của họ. Nghiên cứu nói trên đã nhận diện được mối liên hệ giữa hai dạng hôn nhân và hai giai đoạn đời đe dọa sự bền vững của hôn nhân: những cặp vợ chồng hay xung đột dễ li dị trong 7 năm đầu và những cặp sống lạnh nhạt lại dễ chia tay sau khoảng 14 năm chung sống.
Hi vọng rằng sự hiểu biết về hai thời kỳ mong manh của hôn nhân có thể giúp cho nhiều cặp vợ chồng tránh được sự đổ vỡ. Theo Viện Nghiên cứu Dân số Quốc gia ở Mỹ, khoảng 35% hôn nhân kết thúc bằng ly dị. Năm 1998, có 116.000 vụ ly dị, số đăng ký kết hôn hơi tăng lên vào năm 1999 với con số 280.000. Trong toàn bộ Cộng đồng Châu Âu, tỉ lệ kết hôn và ly dị là 3/1 nhưng cách đây 40 năm thì tỉ lệ này là 15/1.