Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHA MẸ SỐNG CHUNG KHÔNG GIÁ THÚ SẴN SÀNG CÓ CON HƠN?

(NCTG) Thủ tướng Hung Gyurcsány Ferenc, trong một phát biểu tại Quốc hội - liên quan đến việc dân số Hung luôn giảm trong những năm gần đây, đã cho rằng nếu mối quan hệ “nhân tình nhân ngãi” phổ biến hơn ở Hung thì các cặp nam nữ sẽ “năng” có con hơn. Ý kiến ấy của ông Gyurcsány bị bà Pongrácz Tiborné, một chuyên gia về dân số cho là sai, vì “thủ tướng lẫn lộn các số liệu độc lập với nhau”. Chứ theo bà Pongrácz Tiborné, “giá được như thế thì hay quá”, vì người Hung càng ngày càng sống cởi mở, đa số không phản đối việc nam nữ sống chung mà không có giá thú.

Sau khi phát biểu tại Quốc hội, thủ tướng Hung lặp lại lập luận ấy của ông trong nhật ký điện tử (blog), theo đó, ông cho rằng có sự liên hệ giữa cái “hứng” có con của các cặp nam nữ, với việc một nước chấp nhận đến mức nào các hình thức sống chúng, ngoài mô hình gia đình truyền thống. Ông Gyurcsány Ferenc cho rằng sở dĩ ông rút ra kết luận như vậy, vì tại những quốc gia mà tỉ lệ con ngoài giá thú cao, thì lượng trẻ ra đời cũng nhiều hơn.

Bà Pongrácz Tiborné, một chuyên gia về dân số, cho rằng thủ tướng Hung đã “quá sai lầm” vì đã “lầm lẫn các khái niệm”, và Hiệp hội Toàn quốc các đại gia đình Hung (NOE) cũng có ý kiến tương tự - Hiệp hội này đã ra một thư ngỏ, đòi thủ tướng Hung phải đính chính.

Theo các số liệu của Tổng cục Thống kê Trung ương (mà chắc ông Gyurcsány cũng tham khảo ở đây), tại Đan Mạch và Thụy Điển, con số trẻ em ra đời có nhiều hơn mức trung bình của EU thật, và tại hai nước này thì việc chung sống (mà không đăng ký kết hôn) rất thịnh hành (trẻ em ra đời từ các gia đình như vậy chiếm 50%). Tuy nhiên, trái với kết luận của thủ tướng Hung, bà Pongrácz Tiborné cho rằng hai thực tế trên chẳng có quan hệ gì với nhau, tìm sự liên hệ ở đây là điều vô nghĩa, như kiểu “vì mực nước lên cao nên tóc tôi dài”.

Bức thư ngỏ của NOE cũng đề cập tới vấn đề này và viện dẫn các nghiên cứu, Hiệp hội Toàn quốc các đại gia đình Hung cho rằng sở dĩ tại Đan Mạch và Thụy Điển, trẻ em được ra đời nhiều hơn mức trung bình vì tại các xứ Bắc Âu, do sự phát triển của hệ thống phúc lợi xã hội, phụ nữ có thể ở nhà đẻ con, chăm con mà vẫn có thu nhập gần như khi đi làm. Một điểm quan trọng khác: chính sách gia đình tại Bắc Âu rất ổn định và có thể tính toán lâu dài được, như thế các cặp trai gái có thể sinh con mà không quá lo ngại đến việc con cái mình bị cực khổ.

Nếu giả thiết của thủ tướng Hungary là đúng thì các nhà trẻ, mẫu giáo Hung phải… đầy ắp trẻ em mới phải, vì tỉ lệ trẻ em Hung ra đời ngoài giá thú ngày một tăng (hiện tại là 35%). Năm 2000, chỉ một phần ba số người được hỏi cho rằng “gia đình truyền thông là mô hình sống chung duy nhất giữa nam và nữ”, nhưng tỉ lệ này đã tăng nhiều trong 7 năm qua.

Nhà nước Hung cũng có xu hướng công nhận mối quan hệ “nhân tình nhân ngãi” ngày càng ở mức cao hơn, giờ đây, các cặp nam nữ sống chung nhưng không giá thú vẫn được hưởng trợ cấp xã hội khi mua nhà, xây nhà, được hưởng trợ cấp khi sinh con… và khi mối quan hệ bị tan vỡ, trên phương diện chăm sóc, nuôi trẻ em, quan hệ giữa trẻ em với cha mẹ… đều không có khác biệt đáng kể so với mô hình gia đình truyền thống. Tuy nhiên, trẻ em sinh ra trong các mối quan hệ “không truyền thống”, dù sao, vẫn có chút thiệt thòi: mối quan hệ “nhân tình nhân ngãi”, hiện tại, vẫn hay tan vỡ hơn gia đình truyền thống (tỉ lệ 60%) và như thế, xác suất để các cháu nhỏ phải sống chỉ với cha, hay mẹ, là lớn.

Cho dù, như [origo] nhận xét khá bi quan, gia đình truyền thống cũng không mấy khi tồn tại cả đời người…

Tác giả bài viết: H.Linh tổng hợp, theo [origo]