Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BƯỚC NGOẶT

(NCTG) Có lẽ trong chúng ta ai cũng có những mốc thời gian đáng ghi nhớ, những sự kiện đã làm thay đổi cuộc sống của chính mình và nếu không có nó thì cuộc sống của chúng ta đã diễn ra theo một hướng khác. Mỗi người có một bước ngoặt trong đời khác nhau: thi đỗ vào trường, chia tay gia đình đi xa nhà, di chuyển nơi ở, chuyển nơi làm việc hay tìm ra một phương thúc kinh doanh mới, một phát minh mới trong nghề nghiệp. Riêng đối với tôi, có con là một bước ngoặt lớn nhất.

* TRÁCH NHIỆM VÀ HY SINH

Nói đến hai từ này, thường ai cũng nghĩ ngay đến những bài học đã được nhồi vào đầu từ bé đến lớn: sống phải có trách nhiệm, trách nhiệm với gia đình, với xã hội và những người xung quanh, trách nhiệm trong học tập, trong lao động, trong công việc. Người nào đi làm cũng sợ nhất phần lãnh thêm trách nhiệm nhưng khi có con thì trách nhiệm với con cái là chuyện đương nhiên phải đảm nhận. Trong công việc có lúc mệt hoặc lười còn có thể nghỉ được đôi chút, nhưng trong chuyện chăm sóc con cái không thể xin... nghỉ phép không cho con ăn, không ru con ngủ, đêm không dậy khi con khóc, khi lớn lên phải có trách nhiệm dạy bảo con cái, có trách nhiệm cho chúng học hành nên người. Đứng về mặt luật pháp, con cái đến tuổi trưởng thành 18 tuổi là bố mẹ "hết trách nhiệm", nhưng phần lớn bố mẹ nào cũng phải "gia hạn" thêm thời gian lĩnh trách nhiệm này.

Đối với những người sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh không có chiến tranh, khái niệm "hy sinh vì tổ quốc, vì đất nước" có vẻ như quá trừu tượng và hơi xa vời. Nhưng khi có con, từ bỏ những thói quen, những sở thích của mình vì con cái lại là chuyện xảy ra hàng ngày. Những điều tưởng như quan trọng trước kia nay trở thành không có nhu cầu vì mối quan tâm đến con cái đã thay thế hết cả.

* NỖI LO ÂU VÀ NHỮNG ĐIỀU HỌC ĐƯỢC

Chẳng có bố mẹ nào mà lại không lo lắng vì con cái, bất kể con mình ra sao. Không những lúc con ốm, con đau, lúc có chuyện gì mới lo mà nỗi lo cho con cái là nỗi lo thường trực. Khi bé thì lo tại sao con khóc, tại sao ăn ít, tại sao không tăng cân, tại sao mắt con bị đỏ, tại sao mũi có nước, tại sao tóc thế này, tại sao tai thế kìa - tóm lại trên cái cơ thể bé vài cân đó, chỗ nào cũng có cái để mà lo được. Ai nuôi con nhỏ cũng mong con mình chóng lớn, về điểm này người Hung có một câu ngắn mà rất chính xác: con nhỏ nỗi lo nhỏ, con lớn nỗi lo lớn (kis gyerek kis gond, nagy gyerek nagy gond).

Nỗi lo của bố mẹ ngày càng tăng dần theo sự phát triển của con cái: lo con đi học, lo con đi chơi, lo con đi thi cử, lo con quan hệ với bạn bè và nhất là đối với các ông bố bà mẹ châu Á thì con lo cả đến khi con cái lấy vợ, lấy chồng. Thường chỉ đến khi có con cái mới hiểu được tại sao dạo trước bố mẹ mình lại lo lắng cho mình đến như vậy. Lúc có con, nuôi con vất vả mới thấm hiểu được công ơn cha mẹ đã nuôi nấng mình thời trước. Là bác sĩ, từ khi có con, tôi mới hiểu được thêm giá trị của con người, của cuộc sống vì thấy nuôi được một sinh mạng từ khi chào đời đến khi lớn quả là một công trình vĩ đại. Đọc lại những ghi chép trong chiến tranh, sao bao nhiêu con người mất đi quá dễ dàng, mỗi người ra đi là tiêu hủy không biết bao nhiêu công lao của các bà mẹ nuôi con!

Thời buổi hiện đại ngày nay, nhiều người cũng quá xoay vần chạy theo nhịp điệu "tên lửa" của cuộc sống mà quên đi cái giá trị quý báu nhất của chính mình là sức khỏe. Ông ta cha đã dạy trong cuộc sống phải biết học chữ "nhẫn". Với những ai tính hay sốt ruột nóng nảy, có con sẽ là dịp để rèn luyện tính nhẫn nại. Dạy trẻ nhỏ đòi hỏi rất nhiều kiên trì, phải làm đi làm lại, nói đi nói lại, giảng giải nhiều lần trẻ mới tiếp thu và nghe theo. Khi còn nhỏ chừng vài tuổi, trẻ hành động hoàn toàn theo bản năng, người lớn lắm lúc khó mà hiểu được chúng muốn gì, nhưng trẻ lại cho rằng bố mẹ chỉ cố tình không hiểu chúng. Đến tuổi dậy thì, con cái lại cho rằng có nói bố mẹ cũng chẳng hiểu được nên tốt nhất là miễn bàn. Trong những giai đoạn này, chỉ có lòng nhẫn nại mới giúp bố mẹ hiểu được và giúp đỡ được con mình.

Đối với người ngoài, có điều gì bực dọc ta có thể từ chối không tiếp tục quan hệ với họ nữa, nhưng đối với con cái thì bố mẹ  phải luôn có lòng vị tha. Tất cả những gì bố mẹ làm đều ảnh hưởng đến con trẻ và chính chúng như một tấm gương để bố mẹ soi lại bản thân mình. Cuộc sống sẽ không còn đơn giản, phóng khoáng như thòi trước khi có con cái nữa.

* HẠNH PHÚC VÀ NIỀM TỰ HÀO

Một nhà văn nổi tiếng thế giới đã từng phát biểu: niềm hạnh phúc lớn nhất của con người là hạnh phúc do con cái mang lại. Có lẽ những bà mẹ, những người thuộc phái yếu lại được trời phú cho điều kiện để cảm nhận niềm hạnh phúc tưởng như rất nhỏ nhoi mà khó có thể quên được. Khi nuôi con bé, chẳng có gì thay thế được cảm giác vui sướng tràn ngập khi em bé chộp lấy ti mẹ bú chùn chụt ngon lành, tay vân vê áo mẹ, khi bú xong nhoẻn nụ cười thỏa mãn. Chẳng có giây phút nào bình yên như khi ngắm nhìn trẻ ngủ, đôi môi khẽ động đậy như đang nằm mơ những điều kỳ diệu xảy ra. Chẳng có bậc cha mẹ nào, dù bực mình đến mấy nhưng khi nghe bé nói bằng giọng thỏ thẻ "yêu mẹ lắm, yêu bố lắm" mà lại không cảm thấy mát lòng, mát ruột. Làm bố làm mẹ luôn luôn có những niềm vui hàng ngày khi con biết cuời, biết nói ê a, khi có răng, khi biết lẫy, biết bò, biết đi. Các ông bố bà mẹ có khi còn tự hào hơn cả chính con mình khi con đi học được điểm tốt, được cô giáo khen, khi con thi đỗ vào trường. Chẳng phải bỗng dưng mà trong những ngày hệ trọng như ăn hỏi, cưới xin, ngoài việc chúc mừng cô dâu chú rể, người ta thường chúc mừng cả bố mẹ đã làm tròn trách nhiệm với con cái và chúc mừng cả ông bà khi có cháu nội ngoại.

Nuôi con một phần đòi hỏi nhiều trách nhiệm, nhiều vất vả, nhiều nỗi lo và một phần mang lại nhiều niềm vui, nhiều hạnh phúc. Chẳng biết nếu đem đặt lên cân cân thì phần nào sẽ nặng hơn nhỉ?

Tác giả bài viết: Đặng Phương Lan, Budapest 31-7-2006