BÀN VỀ GIỚI TÍNH THỰC CỦA VẬN ĐỘNG VIÊN NỮ
- Thứ sáu - 06/02/2004 22:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Giới tính thực của các nữ vận động viên (VĐV) luôn là vấn đề đáng ngờ. Không phải là chuyện một số người nam cải trang thành nữ hay cố tình che giấu cơ quan sinh dục ngoài mà là chuyện những người nữ không đích thực.
Phụ nữ có thể chạy nhanh như Florence Griffith-Joyner?
Có lẽ sự kiện Nguyễn Thị Phượng Kiều (*) là sự kiện đầu tiên ở Việt Nam gây tranh cãi về giới tính trong thi đấu thể thao. Còn trên thế giới thì vấn đề tương tự đã xảy ra hơn một lần.
Với nam giới thì những VĐV nữ nào dám tranh tài với họ, thậm chí thắng được họ thì đều bị nhìn nhận như là những phụ nữ có “vết tích đàn ông” hay đã “nam tính hóa” vì nam giới vẫn thường đặt mình cao hơn nữ, nhất lại là trong thể thao. Tuy nhiên, phần lớn những tố giác là gian lận hay nghi ngờ lại thường từ các VĐV nữ đưa ra cho đối thủ của mình, ví dụ như Evelyn Ashford, vô địch Olympic môn chạy 100m ở Los Angeles đã nói về Griffith-Joyner, một đối thủ mới của mình, là “phụ nữ thì không thể chạy nhanh đến thế”.
Tại các Thế vận hội, những VĐV nữ phải xuất trình bằng chứng không thể chối cãi được về giới tính của họ nhưng nam giới lại không bị đòi hỏi thủ tục này. Sau khi đã trải qua một cuộc khám nghiệm, họ được cấp giấy chứng nhận là nữ và như thế mới đủ tư cách thi đấu - tất nhiên trong các môn dành cho nữ. Cũng cần nói thêm rằng những khám nghiệm này đã nhiều lần được thay đổi tên: lúc đầu gọi là “khám nghiệm về nữ tính”, sau đổi là “khám nghiệm xem có nam tính không” và cuối cùng là “khám nghiệm xác nhận không phải là nam tính” (non-masculinity test).
Và cứ 4 năm một lần, Ủy ban Olympic lại mở cuộc điều tra chính thức về “những người đàn ông tìm cách chuyển giới thành đàn bà”. Năm 1966 là năm đầu tiên thực hiện sự công bằng trong thể thao bằng việc kiểm tra xem một VĐV có đúng là nữ hay không: đó là một cuộc khám phụ khoa thực sự đối với các VĐV nữ. Theo các nhà hữu trách thì khám phụ khoa là cách hợp lý nhất, rẻ tiền và cũng rất hiệu quả để biết cơ quan sinh dục ngoài có hiện diện và có hoạt động hay không khi gập những trường hợp gây tranh cãi. Như vậy định nghĩa về nữ chỉ đơn giản như sau: người phụ nữ là người có những đặc tính sinh học riêng của giới nữ.
Các thủ tục dần dần phức tạp hơn để phát hiện những người “không chắc chắn là phụ nữ” bằng sự trợ giúp của những xét nghiệm đáng tin cậy, ví dụ lấy tế bào của niêm mạc miệng để tìm tiểu thể Barr (ở một trong cặp nhiễm sắc thể giới XX và chỉ có ở nữ). Thế nhưng, từ năm 1991, Liên đoàn Điền kinh Quốc tế lại bỏ không làm xét nghiệm kể trên nữa vì những lý do đạo đức cũng như vì có quá nhiều sai lầm và họ chấp thuận làm một thủ tục đơn giản hơn: chỉ cần vén áo sơ-mi lên để nhìn thấy và sờ nắn được 2 bầu vú (tất nhiên do những giám định viên là nữ), như thế coi như đủ để được xác nhận là nữ.
Hồi đó, đã có người hài hước nói: “Tại sao không bắt các VĐV nữ mặc áo phông... ướt, cần gì phải vén áo”. Năm 1992, tại Thế vận hội mùa Đông Alberville, để tránh những ngộ nhận do cách khám trên gây ra, một số thày thuốc Pháp lại đề nghị phân biệt giới tính bằng phương pháp gien học, nghĩa là làm xét nghiệm tìm gien nam tính - một loại gien có tên là SRY, chỉ huy sự tạo thành tinh hoàn ngay từ thời kỳ phôi thai, bước đầu tiên của sự hình thành con người nam giới và bình thường không có ở nữ.
Cuộc tìm kiếm chân lý giới tính ở cấp gien cũng có nhiều nguy cơ sai lầm và tính khoa học khách quan của nó bị nghi ngờ vì có những phụ nữ mang nhiễm sắc thể (NST) Y, nhưng Y này không hoạt động hoặc không chỉ huy được sự tổng hợp các protéin đặc hiệu. Đó là trường hợp những phụ nữ có cặp NST XY nhưng thuộc nhóm tinh hoàn nữ hóa. Còn có thể kể ra rất nhiều những tên bệnh khác nữa mà việc xác định giới tính đích thực đôi khi cần đến cả một tập thể những nhà khoa học chuyên sâu (gien học, sản phụ khoa, tiết niệu) chỉ vì có sự bất tương hợp giữa ngoại hình và kiểu gien.
Vì vậy, một số nhà khoa học cho rằng trong lĩnh vực thể thao, nên phát hiện hoóc-môn nào đã chỉ huy sự hình thành cơ bắp. Sự khác biệt giữa nam và nữ trong thi đấu là hoóc-môn nam testosterone: chính hoóc-môn này đã quyết định sức mạnh cơ bắp và tạo ra lợi thế cho nam giới, đó là điều các nhà chuyên môn về doping đều đã biết. Vậy, Ban tổ chức Olympic cần phải phát hiện hoóc-môn này. Đây cũng là ý kiến của Axel Kahn, nhà nghiên cứu gien và là giám đốc của hãng sản xuất thuốc nổi tiếng Inserm.
Cho tới nay, đối với Ủy ban Olympic Quốc tế (CIO) thì sự khác biệt giữa VĐV nam và nữ chỉ tập trung và chỉ giới hạn ở chỗ có gien nam tính SRY hay không (gien gây ra quá trình nam tính hóa). Thế nào là một phụ nữ bình thường vẫn là nỗi trăn trở của các nhà lãnh đạo Olympic và vì thế, họ vẫn phải cần đến những khám phá mới đây về gien học để đem lại giải pháp cho vấn đề phân loại giới tính.
Chỉ vì để tránh rắc rối, một số VĐV nữ ở dạng lập lờ sinh học, đã phải nhờ đến thày thuốc ngoại khoa sửa lại để thành nữ “do nhu cầu thi đấu ở Thế vận hội”. Đó là trường hợp của Edinanci, một VĐV Judo người Brasil (19 tuổi), có biểu hiện ái nam ái nữ, đã phải cắt bỏ một bất thường bẩm sinh để làm hài lòng các giám định viên của các cuộc thi đấu đỉnh cao (tờ báo “Liberation” số ra ngày 16-7-1996 đã có bài về vụ này). Một số những đối thủ cũ của cô trong các cuộc đấu trước đây, nhân chuyện đó, đã thú nhận rằng họ đã có cảm giác phải thi đấu với một người đàn ông.
Tuy nhiên, dù đã cắt những thứ ấy nhưng bên trong Edinanci vẫn tồn tại không thay đổi một cơ chế thực sự có ích cho thi đấu thể thao, làm tăng sức mạnh cơ bắp và khiến nó có hiệu quả: đó là ý chí thi đấu của nam giới.
Cây vợt Amélie Mauresmo
Còn những VĐV nam đã chuyển giới thành nữ thì sẽ được thi đấu ở khu vực nào? Cũng xin nhắc lại một xung đột về bản sắc giới ở một số nam giới khiến họ có trạng thái bức bối về giới (nam giới bị trạng thái này cảm thấy mình là nữ và đang bị trói buộc trong một thể xác không đích thực là của mình, họ được phẫu thuật để tạo một cơ thể nữ cho phù hợp với tâm lý của họ). Câu hỏi này đã được đặt ra gần đây trong Liên đoàn Điền kinh Úc khi các VĐV nữ được biết một đối thủ của họ là Ricki Carne, trước đây mấy năm còn là đàn ông (có tên là Rick).
Họ đã gửi một kháng nghị có chữ ký của hàng trăm VĐV nữ - tự coi là những phụ nữ đích thực - với những lời lẽ giận dữ như “tại sao lại để một VĐV ít nhất cũng có một trái tim và hai buồng phổi đàn ông thi đấu với chúng tôi?”. Rất may là sau đó, thành tích của cô Carne ở môn chạy cự ly 800m cũng rất xoàng... Trường hợp đặc biệt này lại đụng chạm đến định nghĩa thế nào là phụ nữ? Bởi vì sự thiếu hay hiện hữu cơ quan sinh dục không còn là tiêu chuẩn để xác định tư cách sinh học của VĐV nữa. Vậy điều kiện gì để là nữ? Một trái tim? Hai buồng phổi? Hay hệ thần kinh giao cảm nữ chăng?
Và những người tình dục đồng giới nữ (lesbian), họ có được thi đấu trong khu vực nữ không vì những quan niệm nghiệt ngã vẫn cho rằng “thể thao nghiêm túc chỉ dành cho phụ nữ đích thực” và ai cũng biết rằng những phụ nữ có xu hướng tình dục đồng giới ở nhiều nền văn hóa không được coi là những phụ nữ đích thực! Thế nhưng, gần đây, nữ VĐV chơi golf Nicole Lowien đã quả quyết trên tạp chí “Golf Australia” rằng có đến một nửa số VĐV chơi golf trên thế giới là những người tình dục đồng giới nữ. Và cả cây vợt nữ Amélie Mauresmo, một giá trị không thể nghi ngờ của quần vợt Pháp, cũng không giấu giếm xu hướng tính dục đồng giới của mình và người ta luôn nhận thấy sự có mặt cô bạn gái trên khán đài mỗi khi Mauresmo thi đấu.
Ngày nay, con người dường như đang muốn phá đổ bức tường phân chia ranh giới giới tính, hầu như ở mọi hoạt động của xã hội đều có sự cạnh tranh của nữ giới và có những hoạt động hình như phụ nữ lại có ưu thế hơn (cô nuôi trẻ, nữ hộ sinh...), nhưng chỉ riêng có hoạt động thể thao là nữ không thể cùng sánh vai với nam giới trên đường đua hay đối mặt trên võ đài... mà chỉ có chị em thi đấu với nhau. Sự khác biệt sinh học là thực tế khách quan cần tôn trọng và sự bình đẳng nam nữ có nội dung hợp lý của nó là tôn trọng đặc thù giới tính.
Với tinh thần đó, việc xác định tư cách sinh học cho các VĐV nữ là cần thiết nhưng thực sự còn nhiều vấn đề đáng bàn luận ngay cả ở nhiều nước trên thế giới, do tính đa dạng về bản sắc giới và phát triển sinh học của mỗi cá thể. Để nền thể thao Việt Nam hòa nhập trong khu vực và toàn cầu, chúng ta cũng không thể đứng ngoài những quy định của Ủy ban Olympic Thế giới, đòi hỏi chứng chỉ tư cách sinh học của các VĐV nữ.
Ghi chú:
(*) Trong cuộc thi nhảy xa trong Đại hội Phù Đổng do Ngành giáo dục tổ chức tại Đồng Tháp, Nguyễn Thị Phượng Kiều, một nữ VĐV - học sinh lớp 11 - về sau được phát hiện là có giới tính nam, dù khi chào đời mang bọ phận sinh dục nữ.