BÀI HỌC VỀ SỰ CÔNG BẰNG
- Thứ bảy - 05/10/2013 21:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Vui là chính cơ mà, nhưng nhiều người chả nghĩ như thế, để không ít giọt nước mắt của con trẻ vẫn phải rơi…”.
Đối với các cháu, rất quan trọng sự công bằng khi tham gia các hoạt động chung trong nhà trường
Hôm nọ đọc bài về vụ một trường mầm non nọ bắt các cháu chưa đóng tiền phải ngồi trong lớp, không được ra xem xiếc cùng các bạn, làm các cháu khóc như ri, nghĩ mà thương. Các cô giáo và nhà trường đang tỏ ra là mình công bằng, ai có tiền thì được xem, ai không đóng tiền thì nghỉ, thoạt nghe thì có vẻ đúng về logic nhưng lại làm tổn thương con trẻ. Sự việc này nên xử lý thế nào cho hài hòa mới là khó, chứ bản thân việc làm của các cô không hẳn là sai.
Lấy ví dụ trường con mình có các sự kiện cần phải mua vé như các lần đón các đoàn diễn kịch, ảo thuật, ai thích đi xem thì đăng ký mua vé và tới hội trường để xem, không bắt buộc. Nhưng tại sao cũng việc bán vé lại không tạo ra sự phân biệt hay bất bình? Đơn giản vì buổi biểu diễn đó được làm ở hội trường kín, thông tin về các sự kiện được thông báo từ lâu và rộng rãi, bố mẹ và học sinh có thời gian để lựa chọn có đăng ký đi hay không. Nếu đi phải mua vé còn không thì đương nhiên là không xem và cũng chẳng có gì phải thắc mắc.
Trở lại câu chuyện tại trường mầm non kia, đúng ra các cô không thể tổ chức ở chỗ công cộng rồi nhốt bọn trẻ vào lớp, bắt không được ra xem vì như thế rất phản cảm. Nếu nhà trường có kế hoạch 1 năm tổ chức vài đợt mời đoàn về biểu diễn như vậy thì nên thu phí một lần cho tất cả từ đầu năm, ai cũng phải đóng, để các cháu cảm thấy không bị phân biệt đối xử, trong khi các cô thì cho rằng mình đang công bằng với những phụ huynh đóng tiền rồi.
Bàn rộng thêm ra về sự công bằng cho con trẻ tại trường học, mình nhớ có lần cô bạn có than trên FB là con gái thất vọng quá, tập đàn bao lâu mà cuối cùng cô giáo không chọn tiết mục của bạn để biểu diễn ở trường - chuyện chẳng có gì to tát nhưng làm đứa trẻ bị tổn thương. Hay mình nhớ hồi nhỏ, mình hay cảm thấy ghen tị với các bạn ở đội văn nghệ, rằng các bạn ấy xinh đẹp hơn, hát hay hơn và được cô cưng chiều hơn mình. Rồi khi được chọn vào đội văn nghệ thì mình cũng cảm thấy hãnh diện và hơi có phần kiêu hãnh với chúng bạn.
Trước khi kể cách làm ở trường con mình bây giờ hay trường mình dạy ngày xưa, xin bạn đọc đừng vội quy kết “ôi dào, trường quốc tế thì mới làm được như vậy”, “trường ta đông đúc, cơ sở vật chất không có thì làm sao được”, v.v... Ở đây mình nhấn mạnh là do cách làm, cách suy nghĩ chứ không có gì liên quan đến tiền bạc hay cơ sở vật chất.
Trường mình dạy là trường quốc tế, mỗi lần biểu diễn văn nghệ cả lớp cùng biểu diễn, tất cả hát chung, ăn mặc giống nhau hay theo cách mà các cô lựa chọn. Bạn nào cũng có cơ hội thể hiện bản thân như nhau, không có lựa chọn ai hát hay hơn hay múa giỏi hơn cả.
Hồi con mình còn học mầm non “trường làng”, năm nào cũng ở đội văn nghệ vì con cũng bạo dạn và múa hát được, mỗi khi biểu diễn mình cũng tự hào vì cháu bé năm nào cũng được quay phim, được đứng trên sân khấu. Nhưng mà em họ của nó cũng học cùng lớp mà chẳng bao giờ được lên sân khấu, vì thế bố mẹ cháu cũng không hào hứng lắm khi đến dự các ngày lễ vì con chỉ ngồi phía dưới chứ có bao giờ được lên sân khấu đâu! Nghĩ cũng cứ buồn buồn, vì cùng đi học mà chị suốt ngày biểu diễn này kia, còn em thì ngồi xem, khiến có lúc nó cũng ganh tị với chị.
Còn trường quốc tế con mình học bây giờ, một năm có vài lần văn nghệ, cô giáo dạy nhạc gộp hai lớp làm một, cũng phải năm chục cháu, rất đông chứ không phải vắng vẻ gì. Bao giờ cô cũng soạn khoảng 2-3 bài, vừa hát hợp xướng, vừa nhảy múa, vừa lĩnh xướng, vừa chơi đàn. Các cháu sẽ lần lượt hát theo từng nhóm, xong lại xuống múa, xong thì lĩnh xướng, chơi đàn, nói chung kiểu gì cũng đến lượt làm một lần, không ai bị bỏ sót.
Thế là cháu nào cũng sướng, cháu nào cũng khoe con được chơi đàn nhé, con được múa nhé, con được lĩnh xướng nhé. Bố mẹ cũng khoái chứ, có dịp được quay phim chụp ảnh, ai chả thích nhìn con mình đứng ở sân khấu múa may dù chẳng phải xuất sắc gì lắm đi nữa thì cũng vẫn vui. Chứ ai thích chỉ tham dự xem con nhà khác diễn, còn con mình ngồi dưới gãi chân và ngáp ngắn ngáp dài?
Đồng ý là để chọn nhân tài năng khiếu thì lại khác, sẽ có các cuộc thi khác để lựa chọn các em có năng khiếu đi thi thố cho trường. Nhưng các dịp biểu diễn mang tính đại trà, nhân ngày khai giảng, nhân ngày Noel hay lễ tết thì nên cho các cháu cùng có dịp vui vẻ bên nhau, ai cũng được tỏ ra quan trọng một chút, ai cũng được thể hiện một chút, hay dở thì quan trọng gì mà phải phân biệt chọn lựa đúng không?
Vui là chính cơ mà, nhưng nhiều người chả nghĩ như thế, để không ít giọt nước mắt của con trẻ vẫn phải rơi…