Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THẤY GÌ QUA MỘT CUỘC VẬN ĐỘNG DỊCH THƠ

"Nhịp cầu Thế giới" (NCTG) là một tờ báo nhỏ phục vụ cộng đồng người Việt ở Hungary. Nhỏ, nhưng những gì các anh chị trong BBT làm được thật không nhỏ chút nào. Trước khi được đưa lên trên mạng, tờ báo đã có 6 năm tồn tại, đã là một nhịp cầu nối liền tình cảm của bạn đọc Việt Nam ở Hung với cuộc sống văn hóa tinh thần sôi động khắp nơi trên thế giới.

Nhờ một “cơ duyên” mà tôi gặp được trang online của NCTG, thông qua một cuộc vận động dịch thơ Hungary do báo tổ chức. Phải nói là ý tưởng của Ban tổ chức (BTC) đã khiến tôi rất ngạc nhiên và… cảm động. Vận động những người biết tiếng Hung tham gia dịch thơ đã là một điều đáng quý, nhưng cuộc thi lại mở rộng đến đông đảo những người yêu thi ca và… không biết tiếng Hung mới là điều đáng nói!

Thoạt nghe ai cũng thấy kỳ lạ. Không biết tiếng mà đòi dịch thơ! Biết tiếng còn chẳng ăn ai nữa là! Có người bảo: “Đó chỉ là việc “làm thơ, ghép vần” dựa trên bản dịch ý của BTC!” Có ý kiến còn cho rằng: “Chỉ nên dịch thơ khi là nhà thơ”…

Với tư cách thành viên một website Thơ ca trên mạng (mạng Thi Viện), cùng rất nhiều người khác hưởng ứng cuộc thi ngay từ những ngày đầu, tôi cảm thấy có thể tự hào nói rằng chúng tôi đang dịch thơ, cho dẫu “dịch thơ” quả không phải là một trò chơi giải trí nhẹ nhàng.

Dịch thơ - theo tôi - là một việc khó, nhưng là việc nên làm, cần làm, và là công việc không phải của riêng ai, không của riêng các nhà thơ! Tuy nhiên, đứng ở góc độ “chuyên nghiệp”, đúng là cũng đừng vội lao vào việc này mà quên đi sự trau dồi một cái “phông” văn hóa, “phông” tri thức nền, cùng vốn liếng ngôn ngữ vững chắc. Điều đó làm nên cái gọi là "cảm nhận ngôn ngữ" - không chỉ về ngữ pháp, vỏ ngữ nghĩa của từ, mà còn là một sự nhạy cảm về ngôn ngữ rất cần thiết cho người dịch, kể cả dịch văn xuôi lẫn dịch thơ. Và sau hết, người dịch cần biết cách sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thật linh hoạt...

Với những người không chuyên như chúng tôi, cuộc vận động của NCTG là một sân chơi bổ ích và lôi cuốn. Lôi cuốn bởi vẻ đẹp đẽ và trang nhã của câu chữ, lôi cuốn bởi chính quá trình tiếp cận một bài thơ đến từ một xứ sở xa xôi. Chúng tôi không “làm thơ” trên ý, không phóng tác hay phỏng dịch. Chúng tôi quan tâm đến ngôn ngữ, đến “form” của nguyên tác; thậm chí, người dịch ý đã theo sát từng bước để kịp thời thảo luận cùng chúng tôi những vướng mắc về ý, về từ, về cách cú, ngôi, thể... của các loại từ mà tác giả đã sử dụng. Tất cả những điều đó khiến chúng tôi càng có thái độ nghiêm túc và trân trọng đối với cuộc thi, với tác giả và tác phẩm.

Lẽ đương nhiên, chúng tôi đến với những bài thơ của Petőfi Sándor, József Attila, Juhász Gyula... đâu phải chỉ vì cuộc thi, mà, một điều nữa cần nói đến, đó là cảm xúc - là sự rung động! Dịch một bài thơ mà không rung động với bài thơ đó - thì hẳn là bản dịch sẽ không đạt yêu cầu! Thơ là rung động của trái tim cơ mà!

Ở đây, tôi rất muốn nói lời cảm ơn với những người đã dịch ý các thi phẩm Hungary. Họ đã cẩn trọng khi đưa ra một bản dịch nghĩa kèm với rất nhiều thông tin về cuộc đời của tác giả, về bối cảnh chung của nền văn hóa Hungary cùng thời. Họ đã cân nhắc câu chữ, đã biết cách giới thiệu về tác giả, tác phẩm một cách khéo léo và tình cảm, từ đó tạo được hiệu ứng tâm lý quan trọng đối với những người đang “muốn nhưng vẫn ngần ngại” khi bắt đầu tham gia dịch: sự rung động đối với bài thơ, với câu chuyện đời, chuyện tình của những thi sĩ sống cách chúng ta hàng thế kỷ hoặc hơn thế. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều “thí sinh” dự thi đã viết những bài cảm tác, chia sẻ nỗi lòng cùng các thi sĩ Hungary một cách đầy xúc động.

Tôi nhớ đến bài thơ “Ru” của tác giả József Attila. Người dịch ý của báo NCTG đã khiến người đọc tò mò bằng cách phân tích tỉ mỉ các góc độ biến hóa khác thường của ý nghĩa bài thơ:

"Ru" bề ngoài tưởng chừng đơn giản, nhưng kỳ thực rất cô đọng và hàm chứa những nét bí ẩn. Ngay trong câu thơ đầu, József Attila đã dùng một từ mà ngữ nghĩa của nó, đến nay vẫn là đề tài tranh luận của các nhà phê bình: holott, dùng theo nghĩa ngày này là "cho dù", "mặc dù", nhưng rất có thể thi sĩ đã sử dụng một nghĩa cổ xưa của nó, nghĩa là "ở nơi". Cũng không rõ là trong hai khổ thơ, là lời ai nói với ai. Nhà phê bình Török Gábor cho rằng trong khổ thơ đầu là lời hát của người được ru (một cô gái), và khổ thứ hai là khúc ca của ao hồ đang đưa cô gái vào giấc nồng <…>

Nhưng theo một cách lý giải khác thì đoạn thơ đầu là của một chàng trai, và đoạn sau là lời một cô gái <…>

... Có thể thấy József Attila đã "chơi đùa" một cách có ý thức với chữ nghĩa, để tạo ra một "khoảng không" cho người đọc tự hình dung…"

Cách gợi như thế khiến “Ru” là một trong những thi phẩm có nhiều bản dịch tham gia nhất và có những bài cảm tác, tự sự gửi lên nhiều nhất.

Trong số các bản dịch, rất nhiều bản viết bằng thể lục bát truyền thống. Điều này cũng gây tranh cãi không ít giữa những người tham gia và “quan sát” cuộc thi. Tôi còn nhớ dịch giả Thái Bá Tân - trong một cuộc tọa đàm về dịch văn học - đã phản đối kịch liệt việc dịch thơ nước ngoài theo thể lục bát. Theo tôi, ông nói có phần đúng, nhưng chưa “kín kẽ”. Không nên lạm dụng thể thơ lục bát để dịch thơ nước ngoài, nhưng phản đối hoàn toàn là điều không hợp lý. Với rất nhiều bài thơ ngoại quốc, khi nội dung mang âm hưởng buồn và âm điệu có độ dàn trải, tương đối hợp với sắc thái nhịp nhàng, khoan nhặt của thể thơ lục bát, thì việc dùng thơ lục bát để dịch lại là điều hữu lý, đưa bài thơ đến gần gũi với tâm hồn người Việt hơn. Tôi muốn nhắc đến những bản dịch lục bát rất sát nghĩa của Hoàng Tâm, người đã đưa cái hồn Hung vào lục bát một cách nhuần nhị.

Lấy ví dụ bản dịch thi phẩm TE VOLTÁL AZ EGYETLEN VIRÁGOM... (Em là bông hoa duy nhất của anh) của nhà thơ lớn Petőfi Sándor:

Bông hoa duy nhất của anh
Héo tàn, cuộc sống anh thành hoang vu
Em là ánh sáng mặt trời
Tắt rồi, anh sống ngậm ngùi trong đêm.
Em là đôi cánh dịu êm
Gãy rồi, giấc mộng thần tiên xa vời
Em là máu nóng trong anh
Nguội rồi, lạnh lẽo anh thành giá băng.

Đây là một trong 34 bài thơ tang tóc mà Petőfi Sándor viết để khóc người yêu bé nhỏ của một cuộc tình chưa bắt đầu đã vội kết thúc bởi cái chết oan trái của người thiếu nữ mới 15 tuổi. Với bản dịch của tác giả Hoàng Tâm, lục bát đã phát huy thế mạnh của mình, gợi được những hoàn cảm thẫm đẫm chất bi thương.Thế nhưng, cá nhân tôi cũng phản đối việc lạm dụng thể thơ lục bát để dịch thơ. Cần phải cân nhắc thật kỹ sau khi đã đọc kỹ bài thơ gốc, thậm chí đọc to và diễn cảm lên, bằng trực giác, người dịch sẽ chọn lựa được thể thơ tương ứng, gần và hợp với nguyên tác nhất.

Thơ không nên dịch" - ai đó đã nói như vậy. Vâng, đương nhiên, như người ta thường nói “dịch có thể là phản”. Đúng, nhiều khi, tôi thích đọc nguyên bản hơn. Nhưng nếu ta không biết thứ tiếng ấy thì chắc là sẽ chẳng bao giờ được đọc những thi sĩ đại diện cho nền thi ca nước ấy nếu cứ khăng khăng "không nên dịch"... Vì thế, việc NCTG khởi xướng cuộc thi, tận tình hướng dẫn người tham gia, ủng hộ họ bằng những bản dịch nghĩa xác tín, đầy ắp cảm xúc… thật là có ý nghĩa, không chỉ đối với cộng đồng người Việt tại Hung mà cả đối với đông đảo những người yêu thơ văn ở mọi nơi.

Phải chăng, cái lớn lao hơn đằng sau cuộc thi dịch thơ này mà ta thấy được, là đưa “những người lạ” (các nhà thơ Hung) trở thành “những người quen”, thậm chí, có thể là “những người thân” đối với bạn đọc Việt Nam, dù biết hay không biết ngôn ngữ của đất nước này?

Tôi viết những dòng này với tư cách một người trong cuộc, đã tham gia tích cực vào cuộc vận động dịch thơ của tờ báo và với tư cách của một người thấy mình được “nhận” rất nhiều trong quá trình tham gia dịch thơ Hungary. Đất nước Hungary trước đây đối với tôi chỉ là những cái tên khô khan: Budapest, hồ Balaton, thành cổ Eger… Chấm hết. Bây giờ, tôi đã biết đến Petőfi Sándor, thi hào bậc nhất nước Hung của thế kỷ XIX, tôi biết đến những huyền thoại tình yêu của các nhà thơ Hung, tôi lờ mờ cảm nhận được vẻ kỳ vĩ và tráng lệ của một nền văn hóa, một nền thi ca dù mới chỉ là những nét chấm phá thoáng qua mà thôi. Và tôi không từ bỏ hy vọng một lúc nào đó, sẽ có dịp tìm hiểu thêm về đất nước nằm trên bờ sông Danube xinh đẹp này.

Cơ duyên để ta đến được với một nền văn hóa đôi khi lại nhờ những sự tình cờ, sự tình cờ lóe lên như một ánh chớp trong đời vậy.

Và cuộc vận động dịch thơ Hung do báo NCTG tổ chức, đối với cá nhân tôi, là một “ánh chớp” như thế!

(*) Bài viết đã đăng trên báo „Người Hà Nội” số 8, ra ngày 22-2-2008.

Tác giả bài viết: Thụy Anh, từ Moscow