Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“DỊCH THƠ ĐỂ CẢM NHẬN RÕ RỆT HƠN NHỮNG SẮC THÁI TÌNH CẢM, TINH THẦN CỦA NGƯỜI HUNG...”

(NCTG) Cuộc vận động Dịch thơ Hungary, bắt đầu ngày 26-6-2007, đã thu hút được sự hưởng ứng nhiệt tình của bạn đọc gần xa. Nỗ lực này của NCTG cũng đã được báo chí trong nước để tâm: nhân 1 tháng của cuộc vận động, ký giả Duy Thủy của tờ "Văn hóa & Thể thao" (Việt Nam) đã có một cuộc trao đổi với NCTG về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, cũng như đôi nét về nhu cầu văn hóa, tinh thần của cộng đồng người Việt xa xứ.

Một phần nội dung cuộc trò chuyện đã được đăng tải trên "Thể thao & Văn hóa" số ra ngày 24-7-2007, mục "Hỏi chuyện người xa xứ", với tựa đề: "Nhà báo Hoàng Linh: "Nhu cầu quê hương", bao nhiêu cũng không đủ". Sau đây là toàn bộ cuộc trao đổi.

TT & VH: Sau gần 1 tháng bắt đầu cuộc vận động Dịch thơ Hungary, với tư cách là đại diện Ban tổ chức, anh nhận định thế nào về sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Hung cũng như với cuộc thi này?

* Thực ra, khi có ý tưởng “khai mào” một cuộc vận động Dịch thơ như lần này, chúng tôi đã dự tính là nó rất “mở”, tức là không chỉ dành cho cộng đồng Việt Nam tại Hungary nói riêng, hoặc chỉ dành cho người thạo tiếng Hung nói chung.

Đó cũng là lý do khiến khi “ra đề”, ngoài việc cung cấp nguyên bản, chúng tôi còn cố gắng đưa ra bản dịch ý thật sát và chi tiết, cùng các thông tin liên quan đến tác giả, tác phẩm, để những người yêu thơ và thích dịch thơ, cho dù là ở đâu và có thạo ngôn ngữ Hungary hay không, đều có cơ hội tham gia.

Phù hợp với sự chờ đợi của chúng tôi, tại Hungary, một số độc giả yêu thơ và quan tâm đến nền văn học của nước bạn đã có hồi âm tích cực đến cuộc vận động. Tuy nhiên, sự hưởng ứng nhiệt tình và đông đảo nhất lại đến từ các diễn đàn thi ca trên Liên mạng, đặc biệt là diễn đàn Thi Viện của anh Đào Trung Kiên, một forum rất đặc biệt và rất giá trị, quy tụ đông đảo các bạn yêu văn thơ từ nhiều nước trên thế giới. Sự hưởng ứng và chia sẻ ấy khiến chúng tôi rất cảm động, vì không mấy khi, những giá trị của nền văn học một xứ sở nhỏ bé, xa xôi, có ngôn ngữ “không giống ai” và được coi là khó nhất nhì thế giới - là Hungary - lại được truyền tải rộng rãi như thế đến bạn đọc xa gần.

TT & VH: Sao lại chọn thơ mà không là một thể loại khác?

* Hungary là một quốc gia có nền văn học rất phát triển, đã có nhà văn được Giải Nobel Văn chương (Kertész Imre, năm 2002) và nhiều người được đề cử Nobel. Tuy nhiên, thơ văn Hungary nói chung không thật dễ đọc đối với độc giả Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng sự đồng cảm trong tâm thức, tình cảm giữa hai dân tộc Hungary và Việt Nam được thể hiện rộng rãi nhất qua những tác phẩm thi ca của một số nhà thơ cổ điển Hung. Chính vì vậy, như một sự khởi đầu, NCTG đã lựa chọn thể loại thơ, và trong đó, chủ yếu là thơ của các tác gia kinh điển Hungary - như Petőfi Sándor, József Attila, Ady Endre…-, mà độc giả Việt Nam (một đất nước hay được ví là “xứ sở thơ”) đã có dịp được biết đến tên tuổi, nhưng xưa nay, đa phần mới chỉ được tiếp cận qua các bản dịch từ một ngôn ngữ trung gian.

Vả lại, về mặt “kỹ thuật”, một cuộc vận động dịch văn xuôi chắc hẳn sẽ khó thực hiện hơn nhiều...

TT & VH: Phải chăng cuộc vận động dịch thơ Hungary sang tiếng Việt là một cách Việt hóa ngôn ngữ cho người Việt tại đây không quên tiếng mẹ đẻ?

* Có lẽ diễn đạt chính xác hơn như sau: người Việt tại Hung, thông qua những bản dịch thơ Hungary ra tiếng Việt, sẽ cảm nhận được rõ rệt hơn những sắc thái tình cảm, tinh thần của người Hung qua chính ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.

Bởi lẽ, cho dù thạo tiếng đến mấy đi nữa, nhưng nếu chưa phải ở mức ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng tôi cũng chỉ hiểu và cảm nhận được một phần ý nghĩa một thi phẩm Hungary. Phần còn lại, chỉ đến khi “nặn óc” dịch và tìm kiếm những khái niệm tương đồng, họa ra chúng tôi mới nắm bắt được, phần nào.

Thêm nữa, tiếng Hung tuy khó, nhưng là một ngôn ngữ rất đẹp, giàu hình ảnh và cô đọng. Chuyển tải từ một ngôn ngữ như thế sang tiếng Việt vừa là một cuộc chơi (tạm coi là lành mạnh và trang nhã), nhưng cũng là một thử thách, với bất cứ ai muốn bắt tay vào việc. Điều đó, cá nhân tôi cho rằng cũng có ích. Nhưng, như đã nói, điều tôi tâm đắc nhất, vẫn là nhân dịp này, có thể đưa một số thi phẩm Hungary đến với đông đảo bạn đọc Việt Nam, bất luận là ở Hungay hay ở đâu, qua các bản dịch xác tín.

TT & VH: Theo anh biết, tình hình dịch thơ Việt dịch sang tiếng Hungary thế nào? NCTG sẽ tiếp tục mở 1 cuộc thi ngược lại chứ?

* Thơ Việt chưa được dịch nhiều ra tiếng Hung, nhất là sau năm 1990, khi nước bạn thay đổi thể chế chính trị, thì văn học Việt Nam nhìn chung không được biết đến ở Hungary. Cho dù, “Đại tự điển Văn học Thế giới” của Hungary (bộ đại tự điển văn học lớn nhất của thế giới, được biên soạn và cập nhật ròng rã trong vòng 30 năm bởi những chuyên gia văn học hàng đầu của xứ này) đã dành rất nhiều mục từ cho văn học Việt Nam nói riêng, và các nhà thơ Việt Nam nói chung.

Để văn học Việt Nam (mà thi ca là một bộ phận) được biết đến nơi xứ bạn, tôi nghĩ cần phải có một chính sách văn hóa mang tầm quốc gia, cởi mở và sáng suốt, có tầm nhìn xa. NCTG chúng tôi, thực ra cũng chỉ biết “làm theo sức của mình” được thôi, nhưng… cố được đến đâu, chúng tôi sẽ gắng!

TT & VH: Là một người Việt sống và làm việc tại Hung khá lâu, và là một người làm về lĩnh vực văn hóa, anh nhận thấy người Việt xa xứ tại Hung thiếu những nhu cầu văn hóa tinh thần thuần Việt nào?

* Trải qua gần 22 năm ở xứ Hungary, tôi nghĩ những nhu cầu văn hóa “thuần Việt” thông thường của bà con bên này, trong những năm qua, đã được cải thiện rất nhiều, qua báo chí, truyền hình Việt ngữ (VTV4), và đặc biệt là với sự phát triển của mạng Internet. Những gì lứa chúng tôi khát khao 15-17 năm trước, thì giờ đã trở nên quá dễ dàng, và lớp các em xa nhà sau chúng tôi còn ngạc nhiên khi được biết là đã có một thời như thế!

Cho nên, nếu phải trả lời là người Việt xa xứ cần những nhu cầu tinh thần quê hương gì, có lẽ tôi phải nói rằng… cái gọi là “nhu cầu quê hương”, có lẽ bao nhiêu cũng không đủ, bao nhiêu cũng vẫn còn thiếu, và không thể liệt kê chúng cụ thể kiểu A, B, C… được. Bởi đã xa quê, là phải mang trong mình một tâm thức, một nỗi hoài vọng về quê hương. Có thể chỉ là những mảnh, những hình ảnh, những kỷ niệm quê hương từ một thuở xa xưa nào đó, đơn thuần như tiếng rao đêm, tiếng guốc trên đường phố Hà Nội, mùi hoa sữa ngạt ngào, hay là giọng nói, câu cười, ánh mắt thân thương của một ai đó… Những thứ ấy, biết thế nào cho đủ!

TT & VH: Có một cái gọi là "bản sắc" riêng của cộng đồng người Việt tại Hung so với các cộng đồng người Việt tại những nước khác không thưa anh?

* Cùng có những điểm chung trong sự hình thành và phát triển (chủ yếu từ cuối thập niên 80 thế kỷ trước cho đến giờ), nên cộng đồng Việt Nam tại Hung cũng mang những nét tương đồng, khá đặc thù, của các cộng đồng Việt trong vùng Đông - Trung Âu.

Tuy nhiên, là một cộng đồng nhỏ, đa phần sống tập trung tại thủ đô Budapest, có tỉ lệ các cựu du học sinh, nghiên cứu sinh dường như cao hơn so với những cộng đồng Việt khác trong vùng, nên người Việt ở Hungary có đặc điểm (chưa dám gọi là “bản sắc”) là “thuần hậu” hơn, hiền hòa hơn, và trong tổ chức cũng tập trung hơn. Có lẽ đây là lý do để bà con mình bên này có thể đoàn kết trong 5-6 hội đoàn, lượng thành viên chính thức cũng không lớn, nhưng hàng năm làm được rất nhiều việc hữu ích và có ý nghĩa ở tầm mà nhiều cộng đồng lớn hơn trong vùng cũng chưa làm được.

Tác giả bài viết: Duy Thủy thực hiện